Chuyên gia: Không nên quá tin hoặc quá phụ thuộc vào con số tăng trưởng của Trung Quốc
Bàn luận về những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023 tại "Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2023: Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số toàn cầu" diễn ra sáng 10/5, các chuyên gia đều cho rằng, Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn từ sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu cũng như yếu tố lạm phát, thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước.
Tuy nhiên, một trong những điểm sáng là việc Trung Quốc hồi phục trở lại mang đến tác động tích cực đối với kinh tế thế giới. Tuy nhiên, ở góc độ một nhà nghiên cứu, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (VESS) cho rằng, cần thận trọng khi đánh giá tác động từ Trung Quốc với nền kinh tế Việt Nam.
Theo chuyên gia, có ba điểm tích cực đến từ sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, thứ nhất Trung Quốc không chỉ là quốc gia đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu mà còn có tác động lan toả lớn nhất, việc Trung Quốc phục hồi tốt sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Thứ hai là, sự lan toả đến các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Năm nay quy mô thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng lên, bên cạnh đó là du lịch, dịch vụ cũng được hưởng lợi, ông Thành nói.
Và cuối cùng là Trung Quốc mở cửa giúp tăng cơ hội về dòng vốn đầu tư, về khách du lịch quốc tế. Ngay cả với xuất nhập khẩu, việc quốc gia này nâng cao các tiêu chuẩn về hàng nhập khẩu về lâu dài cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao chất lượng xuất khẩu.
Hiện nay, hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc đã tăng lên đáng kể so với những năm trước.
Mặc dù vậy, TS. Phạm Sỹ Thành cũng chỉ ra những điểm cần lạc quan khi kỳ vọng vào yếu tố Trung Quốc bởi dù cho quốc gia này hồi phục cũng chỉ có một tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam.
Ông Thành nhìn nhận, sự tích cực và lạc quan vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn cần rất thận trọng bởi dù cho bên ngoài đánh giá cao về khả năng tăng trưởng nhưng Chính phủ nước này vẫn thể hiện rõ rằng mục tiêu tăng trưởng GDP trên 5% là rất thách thức.
Trong quý I/2023, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc được công bố ở mức khá cao nhưng theo TS. Thành không nên quá tin hoặc quá phụ thuộc vào con số tăng trưởng của Trung Quốc.
Ngoài ra, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là an ninh và định hướng chiến lược vì vậy, mục tiêu tăng trưởng không phải ưu tiên số một của quốc gia này. Năm 2022, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 5% nhưng cuối năm chỉ đạt 2% hoàn toàn do yếu tố chính trị.
Bên cạnh đó, dù cho nền kinh tế Trung Quốc có phục hồi rất tốt nhưng từ chính sách thượng tầng và tiêu dùng trong nước của Trung Quốc đều không hướng tới việc dòng tiền đi ra bên ngoài. Vì vậy, các quốc gia như Việt Nam sẽ không được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, vấn đề địa chính trị cũng là yếu tố cần lưu ý và thận trọng khi đặt kỳ vọng vào tăng trưởng của Trung Quốc.
"Mô hình của các nền kinh tế ASEAN là nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang Mỹ và EU. Hiện nhiều thị trường có quy định rất rõ về % tỷ lệ bao nhiêu của sản phẩm có nguyên liệu xuất xứ từ Trung Quốc, đây là rủi ro nhất định đối với hàng xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ và EU", ông Thành cho hay.
Cho dù Trung Quốc có mở cửa và tăng trưởng thế nào trong năm nay thì Việt Nam vẫn phải chủ động, độc lập, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường này, chuyên gia Phạm Sỹ Thành nhấn mạnh.
Thận trọng trong việc đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát
Bà Hà Thị Kim Nga - Cán bộ Kinh tế cấp cao, Văn phòng đại diện IMF tại Việt Nam cho cho rằng, đối với các nước châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất, đôi khi còn lớn hơn cả Hoa Kỳ hay Châu Âu. Vì vậy, việc Trung Quốc mở cửa cũng sẽ tác động khá lớn đến kinh tế Việt Nam.
Theo bà Nga, Việt Nam đã tăng trưởng rất mạnh trong năm 2022 nhưng triển vọng kinh tế năm 2023 sẽ phụ thuộc vào nhiều rủi ro hơn. Các "cơn gió nghịch" từ bên ngoài như: Sự tăng trưởng chậm lại trên toàn cầu và các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt đã thể hiện tác động rất rõ tới nền kinh tế Việt Nam vào cả xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất công nghiệp hay đầu tư FDI vào Việt Nam.
Tăng trưởng GDP quý I thấp nhất lịch sử trong khi lạm phát chung đã có dấu hiệu giảm nhưng lạm phát cơ bản còn cao và rất dai dẳng. Áp lực tỷ giá tăng cao vào cuối năm ngoái nhưng đã giảm trong quý I năm nay.
Với các thách thức như vậy, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 5,6% trong năm 2023 dù đầu tư công đã tăng lên. Lạm phát cơ bản được kỳ vọng là còn cao và trong ngắn hạn vẫn cao, song sẽ giảm dần dần.
Chuyên gia IMF khuyến nghị, để đối phó với những thách thức từ bên ngoài và bên trong của nền kinh tế, các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam cần được cân nhắc, phối hợp và truyền thông một cách thận trọng, đặc biệt là trong việc đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát.
Trong bối cảnh hiện tại, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục dựa vào mức lãi suất điều hành hiện tại để tránh áp lực tỷ giá, chênh lệch lãi suất lớn. Tuy nhiên, điều này chỉ được thực hiện trong bối cảnh đảm bảo được các thị trường tài chính lớn, việc bảo vệ hệ thống tài chính vẫn là ưu tiên của Việt Nam.
Chính sách tài khoá nên linh hoạt và có mục tiêu. Việt Nam cũng cần có sự quyết tâm để cải cách cơ cấu, đạt năng suất, tăng trưởng bao trùm và bền vững,….Bên cạnh đó, cần tập trung vào việc tăng cường quy định về phá sản, mất khả năng thanh toán,…, chuyên gia từ IMF cho hay.