|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia J.P. Morgan cảnh báo cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ có những 'đợt sụp đổ chớp nhoáng'

15:10 | 07/09/2018
Chia sẻ
Theo chuyên gia ngân hàng J.P. Morgan Chase, trong cuộc khủng hoảng tiếp theo nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng cổ phiếu bị bán tháo ồ ạt bởi các siêu máy tính với tốc độ xử lý nhanh như chớp; các NHTW phải áp dụng những chính sách chưa từng thấy để cứu giá tài sản, kéo theo nguy cơ bất ổn xã hội nghiêm trọng chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ 50 năm qua.
chuyen gia jp morgan canh bao cuoc khung hoang tiep theo se co nhung dot sup do chop nhoang 10 năm sau khủng hoảng tài chính, các ngân hàng trung ương giờ ra sao?

Nhân dịp 10 năm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008, ông Marko Kolanovic, Trưởng bộ phận phân tích định lượng vĩ mô và nghiên cứu phái sinh của J.P. Morgan Chase, đã viết một bản báo cáo dài 168 trang quy tụ ý kiến của 48 chuyên gia phân tích và nhà kinh tế học của ngân hàng J.P. Morgan.

Theo báo cáo này, trong một thập kỷ vừa qua, các thị trường vốn và tài chính đã bị biến đổi hoàn toàn bởi hoạt động giao dịch bằng máy vi tính và đầu tư thụ động. Chính những yếu tố này đang tạo điều kiện cho thị trường biến động mạnh và bất thường khi giai đoạn giá lên hiện nay kết thúc.

Bản thân ông Kolanovic là một nhà phân tích 43 tuổi có bằng tiến sĩ Vật lý. Ông nổi tiếng với khả năng giải thích và đôi khi là dự báo thị trường chứng khoán đang bị chi phối bởi các thuật toán hiện nay sẽ biến động ra sao.

Chu kỳ giá lên hiện nay - chu kỳ giá lên kéo dài nhất trong lịch sử - được đặc trưng bởi những giai đoạn thị trường bình ổn kéo dài nhưng đôi khi bị gián đoạn bởi những đợt bán tháo mạnh hay còn gọi là “sụp đổ chớp nhoáng” (flash crashes). Những ví dụ gần đây bao gồm cú giảm gần 1.600 điểm trong ngày (intraday) hồi tháng 2 và giảm 1.100 điểm vào tháng 8/2015.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Kolanovic nhận định: “Những đợt sụp đổ chớp nhoáng này diễn ra rất nhanh, rất đột ngột, giá tài sản giảm sâu trong khi biến động của thị trường tăng sốc”. Nhưng những đợt sụp đổ chớp nhoáng xảy ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ mở rộng; thị trường giá lên hiện vẫn chưa phải nếm mùi suy thoái.

Ông nói thêm: “Nếu những đợt bán tháo mạnh vì lý do thanh khoản này diễn ra ở cuối chu kỳ giá lên, hoặc thậm chí dẫn tới hồi kết của chu kỳ giá lên, nhà đầu tư có thể sẽ chứng kiến giá tài sản bị điều chỉnh đáng kể và độ rủi ro của thị trường cũng sẽ tăng vọt”.

chuyen gia jp morgan canh bao cuoc khung hoang tiep theo se co nhung dot sup do chop nhoang

Không ai lao vào mua

Trong báo cáo của mình, ông Kolanovic giải thích lý do tại sao các xu hướng thị trường diễn ra sau cuộc khủng hoàng tài chính 2008 lại làm tình trạng bán tháo thêm trầm trọng trong giai đoạn thị trường hoảng loạn. Ông ước tính trong 10 năm qua đã có khoảng 2.000 tỷ USD được chuyển từ các quỹ đầu tư chủ động sang các quỹ thụ động và chính sự chuyển đổi này đã làm mất đi một lực lượng những nhà đầu tư sẵn sàng lao vào và mua khi định giá xuống thấp.

Sự trỗi dậy của các chiến lược giao dịch tự động cũng là một nhân tố quan trọng vì nhiều quỹ đầu cơ định lượng được lập trình để bán khi thị trường đi xuống. Tổng cộng, các quỹ đầu tư chỉ số và các quỹ định lượng giờ đây chiếm tới 2/3 số tài sản được quản lý (AUM) toàn cầu và 90% khối lượng giao dịch đến từ các quỹ này hoặc các quỹ có chiến lược đầu tư tương tự.

Ông Kolanovic chia sẻ: “Nói một cách đơn giản là hiện nay một bộ phận lớn các nhà đầu tư trên thị trường là những chương trình máy tính. Các chương trình này đặt lệnh bán khi thị trường có một số tín hiệu nhất định, chẳng hạn chỉ số biến động VIX tăng lên hoặc hệ số tương quan cổ phiếu – trái phiếu thay đổi hoặc đơn giản là giá điều chỉnh, mà không cần căn cứ vào những thay đổi căn bản của cổ phiếu hay doanh nghiệp".

Và nguyên nhân cuối cùng, bộ phận giao dịch điện tử tại các ngân hàng có xu hướng rút vốn ra khi thị trường biến động bất lợi, làm giảm thanh khoản và góp phần gây ra một hiệu ứng dây chuyền khiến giá tài sản càng giảm sâu.

Khủng hoảng thanh khoản

Ông Kolanovic cho rằng nguy cơ sụt giảm giá cổ phiếu này có thể là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo và ông gọi đây là Cuộc khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng.

Theo ông Kolanovic, nếu thị trường sụt giảm 40% hoặc nhiều hơn, Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed có thể sẽ phải hành động để ngăn một vòng xoáy dẫn tới khủng hoảng. Điều này có thể dẫn tới những chính sách chưa từng được Mỹ thực hiện trước đây bao gồm việc trực tiếp mua lại cổ phiếu – một chính sách đã được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản áp dụng. Ông Kolanovic mô tả thêm: “Đột nhiên tất cả các quỹ hưu trí ở Mỹ rơi vào tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng. Nhà đầu tư nhỏ lẻ hoảng loạn và bán tháo trong khi người dân cắt giảm mạnh chi tiêu. Một khi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng cỡ này xảy ra, chúng ta phải làm gì để chấm dứt vòng lặp nguy hiểm đẩy giá tài sản xuống thấp hơn? Có thể kích thích nền kinh tế bằng cách cắt giảm thuế, thậm chí là thuế âm. Tôi nghĩ giải pháp khả thi nhất là Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ trực tiếp can thiệp nâng giá tài sản, có thể là trái phiếu, tín dụng và cũng có thể là cả cổ phiếu nếu loại tài sản đó là tâm bão”.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Kolanovic nói kịch bản này mang tính cảnh báo hơn là dự đoán. Ông cũng cho biết xác suất xảy ra một cuộc khủng hoảng là khá nhỏ, ít nhất là cho tới nửa sau năm 2019. Thời gian chính xác của cuộc khủng hoảng sắp tới chưa thể xác định được nhưng sẽ phụ thuộc vào tốc độ tăng lãi suất của Fed và việc đảo ngược quá trình mua lại trái phiếu. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể đẩy nhanh hoặc làm chậm lại cái kết của chu kỳ thị trường này.

Ông Kolanovic kết thúc bản báo cáo của mình bằng một nhận định bi quan: “Cuộc khủng hoảng tiếp theo nhiều khả năng sẽ gây ra những bất ổn xã hội giống với giai đoạn 1968, tức 50 năm trước đây”.

Xem thêm

Song Ngọc