|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia đưa ra nguyên nhân chứng khoán bị bán tháo và chiến lược hành động cho NĐT

20:05 | 26/10/2023
Chia sẻ
Theo góc nhìn của nhà phân tích, chứng khoán Việt Nam giảm điểm xuất phát hai nguyên nhân đến từ trong nước và quốc tế. Về thông tin trong nước, ngoài thương vụ phát hành trái phiếu của Vingroup, kết quả kinh doanh quý III công bố không như kỳ vọng, tâm lý thị trường yếu sau phiên chứng khoán Mỹ đỏ lửa.

Nguyên nhân nào khiến chứng khoán Việt Nam lao dốc?

Tâm lý bi quan bao trùm phiên 26/10 khi các chỉ số chính đồng loạt rơi sâu. VN-Index giảm 46,21 điểm (4,19%) về 1.055,45 điểm. Toàn thị trường ghi nhận 931 cổ phiếu giảm, trong đó 172 mã giảm sàn. Loạt mã giảm sàn chủ yếu là các đại diện đến từ nhóm bất động sản, xây dựng, thép hay chứng khoán. 

Lý giải về diễn biến tiêu cực phiên hôm nay, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đưa ra hai nguyên nhân chính trong nước và trên thế giới.

Nguyên nhân bên ngoài đến từ diễn biến tiêu cực của chứng khoán Mỹ ngày 25/10 do lợi suất trái phiếu chỉnh phủ Mỹ, chỉ số DXY cùng giá dầu bật tăng trở lại, trong bối cảnh số liệu kết quả kinh doanh quý III của một số công ty công nghệ lớn không đạt kỳ vọng của giới đầu tư.

Thông tin trong nước liên quan thương vụ Vingroup (Mã: VIC) phát hành trái phiếu bằng đồng USD với lãi suất trong khoảng 9,5% - 10% khiến áp lực bán tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu này. Bộ ba cổ phiếu “họ Vin” gồm VIC, VHM, VRE giảm sàn ngay từ đầu phiên gây ra tâm lý hoảng loạn cho thị trường và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến phiên bán tháo.

Đối với thông tin về việc Vingroup phát hành trái phiếu bằng đồng USD, vị chuyên gia quan tâm nhất đến mức lãi suất 9,5% - 10%. Với việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã lên quanh 5% mỗi năm, việc Vingroup cần phát hành trái phiếu đồng USD ở mức cao, theo ông Đức Anh, là hoàn toàn hợp lý.

“Mức quanh 10% tương đương mức junk bond (trái phiếu đầu cơ) cho thấy thị trường đang đánh giá mức độ rủi ro của lô trái phiếu này là khá cao”,Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của KBSV nhận định.

Tương đồng quan điểm, ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc khối Phân tích Công ty Tư vấn và Quản lý gia sản FIDT cho rằng cú giảm đến từ nhiều nguyên nhân trong nước và quốc tế.

Bình luận về thương vụ trái phiếu, ông Phương đánh giá Vingroupđang thực hiện theo kế hoạch và không phải là diễn biến bất ngờ. Tuy nhiên, thông tin và lực bán dồn dập của khối ngoại ở thời điểm tâm lý thị trường đang yếu và các thị trường chứng khoán quốc tế đang tiêu cực có thể làm phản ứng của thị trường Việt Nam tiêu cực hơn nhiều. Ngoài ra, thanh khoản thấp cộng tâm lý yếu, khả năng hấp thụ lượng bán của khối ngoại bị hạn chế. 

Ngoài thông tin liên quan tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, ông Phương cho rằng kết quả kinh doanh quý III nhiều doanh nghiệp công bố thấp hơn nhiều kỳ vọng của nhà đầu tư, trước đó thị trường vốn kỳ vọng sự phục hồi mạnh.

 Thống kê trên chưa loại trừ các đợt giảm gần nhau và diễn biến quá khứ chỉ nên dùng để tham khảo hơn là chỉ dựa vào để ra quyết định đầu tư. Nguồn: FIDT.

Nhà đầu tư cần bình tĩnh không nên bán tháo

Về chiến lược hành động ở giai đoạn hiện tại, theo ông Trần Đức Anh, thị trường đang có nhiều yếu tố thông tin rủi ro khó lường, không thể đánh giá hết. Việc dự báo chính xác chỉ số trong ngắn hạn gần như bất khả thi.

Mặc dù vậy, mức chiết khấu đáng kể so với vùng đỉnh trước đó cũng mở ra các cơ hội ở các cổ phiếu có hoạt động kinh doanh vững vàng, tăng trưởng ổn định và không chịu tác động bởi các yếu tố thông tin rủi ro trên thị trường hiện nay, khi các mã này cũng bị áp lực bán ra khiến giá điều chỉnh sâu.

“Thay vì bán tháo danh mục bằng mọi giá, nhà đầu tư nên bình tĩnh và lựa chọn ra những cổ phiếu này để tái cơ cấu cho mục tiêu đầu tư trung dài hạn", chuyên gia từ KBSV chia sẻ quan điểm.

Còn theo ông Huỳnh Hoàng Phương, với việc tâm lý thị trường yếu và phản ứng tiêu cực gần đây thì nhà đầu tư phải ưu tiên đưa tài khoản về mức an toàn, cắt giảm mạnh đòn bẩy vay ký quỹ (margin) trong giai đoạn hiện nay, tốt nhất là không nên dùng margin khi thị trường chưa tạo xu hướng tăng rõ ràng.

Sau phiên giảm mạnh ngày 26/10, ước tính P/E của thị trường vào khoảng 13,05, P/B thị trường tương ứng ở mức 1,58. Cả hai mức này cho thấy thị trường đang rơi vào vùng định giá rẻ trong lịch sử và là cơ hội tốt để tích lũy cổ phiếu cho trung hạn.

"Với các nhà đầu tư đang cầm nhiều tiền mặt thì có thể mua tích lũy các cổ phiếu tốt cho năm sau khi nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2024 và triển vọng nâng hạng thị trường. Lưu ý, việc mua tích lũy cổ phiếu cần được thực hiện thành nhiều đợt khi thị trường giảm và tránh all-in vào một vài phiên khi các yếu tố ngắn hạn chưa rõ ràng", nhà phân tích từ FIDT khuyến nghị.

Dẫn theo dữ liệu của FIDT từ 2010 đến nay, ông Phương cho biết VN-Index chỉ có 27 phiên thị trường giảm từ 4% trở lên (tính cả phiên 26/10/2023) trong tổng số 3.446 phiên giao dịch. Theo thống kê, sau phiên giảm mạnh, thị trường thường phục hồi với mức tăng trở lại trung bình 0,66% sau 5 phiên và hiệu suất đạt 1,98% sau 10 phiên giao dịch với xác suất thị trường phục hồi là 57,7%.

Các diễn biến quá khứ cũng cho thấy là sau 10 phiên kể từ phiên giảm từ 4% trở lên, đa phần thị trường nếu tiếp tục tiêu cực cũng cũng không giảm hơn mức giảm phiên T0, trừ giai đoạn thị trường giảm đầu dịch COVID-19 vào tháng 3/2020.

Trong khi đó, góc nhìn của bộ phận phân tích một số công ty chứng khoán khác cho rằng đà giảm của chỉ số có thể được mở rộng. Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo trong những phiên tới, VN-Index có thể lùi về ngưỡng kháng cự 1.020 điểm. Quan điểm của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), VN-Index vẫn có rủi ro có thể mở rộng nhịp điều chỉnh xuống các ngưỡng hỗ trợ xa hơn quanh 990 điểm (biên độ 20 điểm).

Xuân Nghĩa