Chuyên gia đề xuất trao quyền CTCK tự quyết tỷ lệ ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) để gỡ nút thắt nâng hạng
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSD chia sẻ tại tại Hội thảo "Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết", câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) được đặt ra khoảng 10 năm. Thị trường Việt Nam đã tiếp cận với việc bình chọn báo cáo thường niên, quản trị công ty, ESG và tất cả những gì như thông lệ, tuy nhiên vẫn cần thời gian và một lộ trình thích hợp.
Trong 12 - 13 tiêu chí đánh giá vẫn còn một vài điểm cần cải thiện để được nâng hạng thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Nếu nâng hạng thành công, Việt Nam sẽ thu hút dòng vốn quốc tế (thu hút dòng vốn ngoại gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỷ USD vào Việt Nam). Theo nguyên tắc, các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các định chế tài chính sẽ dựa trên xếp hạng thị trường để đưa ra một khoản đầu tư nhất định (vào thị trường đó).
“Vấn đề là TTCK Việt Nam đã đủ điều kiện để nâng hạng hay chưa. Trường hợp chưa đủ mà nâng hạng, hệ lụy là không duy trì được thị trường mới nổi và vài năm sau bị tụt hạng. Khi đó sẽ rất đáng quan ngại, tác hại sẽ còn lớn nhiều hơn so với từng bước để nâng hạng”, Chủ tịch VSD đặt vấn đề.
Ở khía cạnh dòng vốn, ông Sơn đề cập việc hiện nay cách tiếp cận tỷ giá của Việt Nam là tự do hóa tài khoản vốn một chiều, trong khi thông lệ các nước khác là hai chiều. Điều này nghĩa, dòng vốn ngoại tệ vào Việt Nam bình thường, nhưng khi vốn rút ra khỏi thì chưa được như các thị trường khác.
Thay vào đó, Việt Nam dựa trên trạng thái ngoại hối của các ngân hàng thương mại để cung cấp cho nhà đầu tư, mua ngoại tệ rồi chuyển ra nước ngoài. Cho nên, câu chuyện rủi ro rút vốn ra ồ ạt như tại Thái Lan và một số nước khác trong quá khứ sẽ không xảy ra với điều kiện hiện tại của Việt Nam.
Bên cạnh vấn đề trê, ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) là một vấn đề cần phải giải quyết trên con đường nâng hạng. Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoại hiện phải chuyển đủ 100% tiền vào Việt Nam trước khi đặt lệnh mua chứng khoán. Các chuyên gia và đại diện đơn vị quản lý thị trường đánh giá điều này gây bất tiện, thậm chí rủi ro cho nhà đầu tư khi so với việc không cần phải ký quỹ.
Theo ông Nguyễn Sơn, chuẩn mực và thông lệ là hệ thống thanh toán giao dịch chứng khoán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Bản chất cơ chế thanh toán, thị trường cơ sở (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ) sử dụng mô hình thanh toán bù trừ đa phương. Đối với thị trường phái sinh sẽ thanh toán theo mô hình CCP. Đối với trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp được thanh toán theo mô hình thanh toán tổng tức thời.
Hệ thống thanh toán đang hướng tới trên nền tảng hệ thống mới, đối với thị trường cơ sở, khi áp dụng CCP sẽ bỏ được pre-funding và một số sản phẩm khác để xử lý rủi ro như sell-out, buy-in để mua bán cưỡng chế, xử lý tất toán các trường hợp thiếu hụt khi thiếu tiền hoặc cổ phiếu. Tuy nhiên, để thực hiện cần phải chờ một số nền tảng công nghệ mới, về mặt cơ chế cũng cần có ràng buộc nhất định.
“Trong trường hợp không áp dụng CCP mà áp dụng mô hình đa phương như hiện nay, thay vì ký quỹ 100% tiền hoặc chứng khoán, chúng ta giao cho ngân hàng hoặc công ty chứng khoán làm việc đó thay nhà đầu tư có được không? Theo cá nhân tôi là có thể được. Tuy nhiên, cần phải xét đến rủi ro về đạo đức khi công ty chứng khoán lạm dụng điều đó dẫn đến đổ vỡ thị trường.
Vấn đề đặt ra, chúng ta có thể xây dựng cơ chế cho công ty chứng khoán dựa trên cơ sở chuẩn mực nhà đầu tư để cho phép họ ký quỹ 20%, 50% hay 100% chẳng hạn”, ông Nguyễn Sơn đề xuất.
Còn theo ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực của Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Chứng khoán SBS, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước là giao dịch giữa nhà đầu tư và công ty chứng khoán (CTCK). Góc nhìn từ quan hệ giao dịch và kinh tế, nhà đầu tư và công ty chứng khoán mất tiền thì hai đối tượng này phải tự chịu trách nhiệm.
Hiện đa phần các CTCK vẫn đang giao dịch với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Quan điểm của ông Huỳnh, công ty chứng khoán nên chủ động làm việc cùng với nhà đầu tư để chịu trách nhiệm cho các giao dịch dân sự kinh tế này.
Về nút thắt ký quỹ trước giao dịch, ông Quỳnh đề xuất thị trường Việt Nam có thể đưa ra các cơ chế, hạn mức về ký quỹ. Điều này cần có chế định cho phép CTCK có thể đặt cọc ví dụ 5%, 10% hay 15%, và trở thành thông lệ để nhà đầu tư nước ngoài có thể chấp nhận được.
"Nhà đầu tư nước ngoài rất khó chấp nhận việc bắt buộc ký quỹ 100% như hiện nay", Chủ tịch SBS nói.
Ở góc nhìn đơn vị kinh doanh trên thị trường, ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Chứng khoán Smart Invest cho rằng Luật Chứng khoán chưa quy định về pre-funding. Tuy vậy, nhiều CTCK đã thực hiện cho nhà đầu tư và bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt. Tuy nhiên, UBCKNN không cấm được CTCK mà chỉ xử phạt khi đã xảy ra. Tình trạng này giống năm 2010 khi Luật Margin (cho vay ký quỹ) chưa ra đời, CTCK cũng đã cho vay dưới dạng hợp đồng hợp tác đầu tư, sản phẩm mới đi cùng với đó là rủi ro là đương nhiên.
Theo ông Tuấn, việc chấp nhận rủi ro đến đâu, CTCK phải làm tới đó. Ví dụ CTCK cần đánh giá về tín nhiệm của nhà đầu tư để đặt ra mức ký quỹ. Đây là quy định duy nhất cần khắc phục của FTSE. Do đó, ông Tuấn kỳ vọng sẽ có khung pháp lý phù hợp để CTCK có thể thực hiện.
Bàn luận về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng không nhất thiết phải có quy định về ký quỹ, song phải có biện pháp phòng ngừa rủi ro. Khảo sát trên thế giới cho thấy trong trường hợp không ký quỹ, tỷ lệ nhà đầu tư không thanh toán chỉ chiếm 2%, tương đương mức tổn thất khoảng 3 tỷ USD/năm trên toàn cầu.
Dựa vào nghiên cứu trên, vị chuyên gia đưa ra ba biện pháp phòng ngừa rủi ro. Thứ nhất, Việt Nam cần dứt khoát nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin giao dịch, tránh xảy ra những lỗi sai sót. Thứ hai là cần kiểm soát hành vi của nhà đầu tư bằng cách tăng chế tài xử lý, xử phạt 1.000 – 5.000 USD hoặc tính tiền phạt dựa trên tỷ lệ số tiền. Thứ ba là tăng thẩm quyền cho các CTCK trong việc thẩm định rủi ro.
Trong kiến nghị này, CTCK có thể tự đưa ra quyết định một nhà đầu tư cần ký quỹ trước giao dịch hay không, đồng thời được phép đưa ra cơ chế xử lý rủi ro, được phép tịch thu tài sản, chứng khoán, thanh lý chứng khoán khi nhà đầu tư không thể thanh toán.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/