|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Việt Nam tiếp tục trong danh sách theo dõi nâng hạng thị trường của FTSE

09:25 | 29/09/2023
Chia sẻ
FTSE Russell đánh giá quá trình nâng hạng thị trường Việt Nam chậm hơn dự kiến, một phần do ảnh hưởng dịch COVID-19. Việt Nam cần cải thiện quá trình đăng ký tài khoản mới, đồng thời đưa ra một cơ chế hiệu quả để tạo điều kiện cho hoạt động giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã cạn/sắp cạn room ngoại.

Kết quả xếp hạng thị trường tháng 9 của FTSE Russell, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi từ 2018, tức vẫn chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2.

Việt Nam vẫn chưa đáp đứng được tiêu chí chu kỳ thành toán (DvP) (đang ở mức hạn chế). Điều này là do phải đảm bảo có tiền trước khi thực hiện giao dịch (pre-funding). Thị trường cũng chưa gặp phải các giao dịch thất bại, do đó mục “thanh toán – chi phí liên quan tới giao dịch thất bại” chưa được đánh giá.

FTSE Russell đánh giá quá trình nâng hạng chậm hơn dự kiến, một phần do ảnh hưởng dịch COVID-19. Việt Nam cần cải thiện quá trình đăng ký tài khoản mới, đồng thời đưa ra một cơ chế hiệu quả để tạo điều kiện cho hoạt động giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã cạn/sắp cạn room ngoại. 

Mặc dù tiến độ cải cách thị trường theo kế hoạch vẫn còn chậm, nhưng các cơ quan quản lý đã đưa ra cam kết về những công việc cần thiết.

Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã thể hiện năng lực đổi mới trong việc tìm kiếm giải pháp khả thi giúp loại bỏ nhu cầu cấp vốn trước. FTSE Russell tiếp tục duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng với UBCKNN, nhóm Ngân hàng Thế giới và Ernst & Young, những tổ chức đang hỗ trợ chương trình cải cách thị trường rộng rãi hơn cũng như các cơ quan quản lý thị trường quan trọng khác.

"Việc hoàn thiện các vai trò và trách nhiệm cần thiết trong mô hình giải quyết phù hợp với luật mới vẫn là bước quan trọng kế tiếp. FTSE Russell tiếp tục khuyến khích cơ quan quản lý thị trường Việt Nam hướng dẫn rõ ràng hơn về các bước và khung thời gian thực hiện", hãng xếp hạng thị trường cho biết.

Trước đó vào cuối tháng 8, tại Hong Kong (Trung Quốc), Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương đã chủ trì hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư tổ chức và các đối tác. Trong đó, cơ quan quản lý cho biết cũng thường xuyên trao đổi với MSCI và FTSE Russell nhằm cập nhật thông tin thực tế tới các tổ chức này, cũng như để hiểu rõ các các yêu cầu, tiêu chí từ các tổ chức, từ đó có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện.

Theo đánh giá chung các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế lớn, Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, hiện có hai nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK trong thời gian tới. Đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nước ngoài. Cả hai vấn đề này đều cần có sự phối hợp thiết thực của các cơ quan, bộ ngành có liên quan để tháo gỡ, như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Tại phân tích gần nhất, FTSE Rusell đưa ra đánh giá lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam. Hãng xếp hạng thị trường đề cập đến một số thành tích của Việt Nam như GDP tăng 8% trong năm 2022, FTSE Vietnam 30 Index tăng 12% kể từ đầu năm 2023 hay việc hợp tác với FTSE Russell và Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) sẽ giúp Việt Nam có hệ sinh thái toàn diện giúp nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận cổ phiếu Việt và kiểm soát các rủi ro liên quan.

SSI Research đánh giá cơ hội được FTSE Russel nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể rõ hơn ngay trong năm 2024. Khả năng được nâng hạng bởi MSCI trong các năm sau đó đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của tất cả các thành viên tham gia thị trường.

Xuân Nghĩa