|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phó Chủ tịch UBCK: Thị trường phải minh bạch, nâng hạng chỉ là bước kỹ thuật

11:14 | 10/10/2023
Chia sẻ
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chỉ những vấn đề cần cải thiện để nâng hạng thị trường, đưa doanh nghiệp tiếp cận theo chuẩn quốc tế gồm công bố thông tin, room ngoại và hệ thống giao dịch.

Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn phát biểu tại sự kiện. Ảnh: HL.

Chia sẻ tại hội thảo “Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết” sáng nay, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết nâng hạng là một trong những mục tiêu lớn mà Việt Nam đang hướng tới.

Chứng khoán Việt Nam đang được hai tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm thị trường cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên nhóm thị trường Mới nổi do TTCK Việt Nam được đánh giá là quá lớn nếu để ở mức thị trường cận biên.

Theo Phó Chủ tịch UBCKNN, nâng hạng thị trường phải thể hiện quy mô, sự minh bạch của thị trường làm sao thu hút được nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nâng hạng tức là đạt được chuẩn mực theo thông lệ quốc tế. 

Chúng ta làm theo chuẩn mực thông lệ quốc tế từ việc công bố thông tin, văn bản, nghị định, quy định về các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, niêm yết. Để được nâng hạng đòi hỏi chuẩn mực đó phải lên một mức độ cao hơn”, ông Phạm Hồng Sơn nói.

Tuy nhiên, thực trạng công bố thông tin hiện nay còn cách khá xa chuẩn mực quốc tế. Ví dụ, các nhà đầu tư ngoại mong muốn các doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh, nhưng việc áp dụng không mấy dễ dàng. Đại diện UBCKNN cho biết, hiện các doanh nghiệp hiện được khuyến khích thực hiện, nhưng nếu đưa vào chế tài sẽ tạo áp lực lớn cho bản thân các doanh nghiệp.

Cả doanh nghiệp niêm yết và cơ quan quản lý nhà nước đều cần phải có lộ trình để dần tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.

“Tôi thấy nhu cầu hiện nay nếu các doanh nghiệp muốn thu hút nhà đầu tư nước ngoài, tự bản thân doanh nghiệp phải có công bố thông tin lên, rất khuyến khích”, Phó Chủ tịch UBCKNN nói về vai trò công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Vấn đề thứ hai được lãnh đạo UBCKNN đề cập là tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room). Hiện giấy phép hoạt động của doanh nghiệp có rất nhiều ngành nghề trong đó ngành quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài khác nhau, dẫn đến soi chiếu khó.

“Vấn đề nữa là room hết, nhà đầu tư nước ngoài muốn mua thì làm thế nào, liệu chúng ta có nới room không? Vì với nhà đầu tư nước ngoài, họ đầu tư 10 tỷ USD không có nghĩa là tiền đổ hết về đây, họ sẽ lựa chọn những doanh nghiệp tốt”.

Một khía cạnh nữa được Phó Chủ tịch UBCKNN đề cập là hệ thống giao dịch vá khả năng tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư với doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) đang là trở lại lớn nhất để nâng hạng thị trường.

“NĐT có thể yêu cầu mua chứng khoán T+2 thì đến T+2 mới nộp tiền, còn T+0 chỉ đặt cọc số lượng nhỏ, tôi nghĩ không phải vấn đề lớn vì thông lệ quốc tế đã làm rồi. Tuy nhiên sẽ có rủi ro cho thị trường Việt Nam, đặc biệt khi mà nhiều NĐT tính kỷ luật không có. Ngày T+0 họ đặt cọc nhưng T+2 lại không có tiền trả tiếp thì lúc đó tính sao?

Do đó để thấy để đảm bảo được các tiêu chí nâng hạng có những thách thức rất lớn đối với bản thân doanh nghiệp, với cơ quan quản lý, với sự đảm bảo toàn vẹn chống chịu rủi ro của thị trường”, ông Sơn nói tại sự kiện.

Nói thêm, vị lãnh đạo UBCKNN cho biết, "vừa rồi chúng tôi tiếp cận với các NĐT nước ngoài, cơ bản họ rất kỳ vọng vào thị trường Việt Nam bởi còn nhiều điểm sáng và hấp dẫn để có thể tham gia đầu tư. Quan điểm chúng tôi là thị trường phải minh bạch, còn việc nâng hạng chỉ là một bước kỹ thuật, cái gốc của thị trường phải đảm bảo được khuôn khổ pháp lý, sửa đổi phù hợp hơn với sự phát triển chung của thị trường làm sao phát triển an toàn và bền vững".

Trong phần phát biểu tại sự kiện UBCKNN cũng cho biết thêm, trong thời gian qua, Bộ Tài chính, UBCKNN đã, đang thực hiện nhiều hoạt động để thúc đẩy lộ trình được nâng hạng của TTCK Việt Nam.

Kết quả là, về khuôn khổ pháp lý, Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường, bao gồm: tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; đơn giản hóa thủ tục đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; tăng cường đưa vào thị trường các công cụ tài chính mới để đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư; và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin minh bạch và công bằng cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, cơ quan quản lý tổ chức đối thoại với các định chế đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức cung cấp chỉ số, các ngân hàng lưu ký và các thành viên thị trường, để trao đổi, cập nhật nhằm kịp thời nắm bắt thông tin về vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tài chính quốc tế, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán.

Cơ quan quản lý cũng làm rõ các yêu cầu, tiêu chí đánh giá của các tổ chức xếp hạng thị trường, từ đó có các giải pháp, chính sách sửa đổi, hoàn thiện phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam.

Hoàng Linh