|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ

06:41 | 13/04/2023
Chia sẻ
Viện Nghiên cứu vùng và đô thị đề xuất ý tưởng điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ (đoạn trên địa bàn TPHCM và tỉnh Bình Dương) đi sát Vành đai 3 khu vực TPHCM nhằm giảm diện tích đất sử dụng và giảm đơn giá đền bù, giải phóng mặt bằng.

Sáng 12/4, Viện Nghiên cứu vùng và đô thị (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM) tổ chức Hội thảo về ý tưởng điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TPHCM- Cần Thơ (đoạn trên địa bàn TPHCM và tỉnh Bình Dương).

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Trình, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu vùng và đô thị, Trưởng nhóm nghiên cứu, quy hoạch tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2013 trên nền tảng đi sát đường Vành đai 2 TPHCM. Tuy nhiên, sau nhiều năm chưa được triển khai, dọc tuyến Vành đai 2 hiện nay đã đô thị hóa nhanh, giá nhà trong khu vực tăng lên rất cao. Ước tính, giá đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) dọc tuyến Vành đai 2 hiện đã tăng 2,5-3 lần so với giá đền bù trên Vành đai 3.

Nhóm nghiên cứu đề xuất phương án kết hợp gần như hoàn toàn đường sắt TPHCM - Cần Thơ vào một phần bên trái đường Vành đai 3.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, với hướng tuyến hiện nay trên địa bàn TPHCM và tỉnh Bình Dương, dự án này sẽ gặp một số bất cập trong giải phóng mặt bằng, tổ chức giao thông và phát triển đô thị.

Vì vậy, Viện Nghiên cứu vùng và đô thị đề xuất ý tưởng điều chỉnh hưởng tuyển Đường sắt TPHCM-Cần Thơ (đoạn trên địa bàn TPHCM và tỉnh Bình Dương) đi sát Vành đai 3 khu vực TPHCM nhằm giảm diện tích đất sử dụng (do giảm hành lang an toàn đường sắt theo quy chuẩn) và giảm đơn giá đền bù, GPMB (do đưa tuyến này ra xa trung tâm hơn và tránh các khu vực có mật độ dân cư cao).

Đồng thời, tạo điều kiện tổ chức tốt việc kết hợp giao thông đường bộ - giao thông đường sắt và tạo điều kiện phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển của hệ thống giao thông công cộng) tại dọc theo đoạn Vành đai 3 kết hợp với đường sắt TPHCM - Cần Thơ.

TS. Trịnh Văn Chính, thành viên nhóm nghiên cứu trình bày cụ thể về ý tưởng. (Ảnh: Vũ Phong).

Giao thông kết hợp giữa đường bộ và đường sắt

Trình bày cụ thể về ý tưởng trên, TS. Trịnh Văn Chính, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết, nhiều bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đã cho thấy, việc kết hợp các tuyến đường sắt và đường bộ sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn so với trường hợp 2 tuyến này bố trí riêng. Theo đó sẽ giúp giảm bớt diện tích chiếm đất; giảm bớt được chi phí đầu tư xây dựng và đạt hiệu quả tổ chức giao thông tốt hơn về các mặt kinh tế, an toàn và thuận tiện.

Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu, phương án kết hợp gần như hoàn toàn đường sắt TPHCM - Cần Thơ vào một phần bên trái đường Vành đai 3. Cụ thể, từ điểm đầu tuyến tại ga An Bình, tuyến đi theo hành lang đã quy hoạch về phía bắc đến ga Dĩ An và ga Bình Chuẩn, sau đó rẽ trái và đi theo Vành đai 3 về phía nam, đến vị trí km +64,710 (gần Cao tốc Bến Lức - Long Thành) sẽ đi tiếp tới vùng ĐBSCL theo hành lang đã được quy hoạch trước đây.

Nhóm nghiên cứu đánh giá hướng tuyến điều chỉnh như vậy thay đổi khá nhiều so với phương án được phê duyệt nhưng tạo tiềm năng phát triển các đô thị mới. Đồng thời, tạo được vành đai kết hợp đường sắt - đường bộ cho khu vực TPHCM. Theo phương án đã chọn, các ga được dự kiến sẽ là ga An Bình, Dĩ An, Bình Chuẩn, trạm khách Bình Mỹ, ga Tân Thới Nhì, trạm khách Phạm Văn Hai và ga Tân Nhựt; đồng thời, kết nối với các tuyến đường sắt đô thị như tuyến số 3, tuyến số 4.

Về đầu tư xây dựng, phần lớn tuyến đường sắt được đề xuất sẽ đi trên mặt đất (trừ một số vị trí đi trên cầu vượt sông hoặc các nút giao khác mức ....). Do đó, việc đầu tư xây dựng sẽ giảm chi phí; giảm thiểu sự bất tiện đến sinh hoạt và đi lại của người dân do việc thi công xây dựng gây ra.

Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển GTVT nêu ý kiến tại Hội thảo. (Ảnh: VGP).

Nêu ý kiến về ý tưởng trên, ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho rằng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đánh giá đầy đủ các tác động của dự án đối với xã hội, phân tích các lợi ích, ưu nhược điểm so với phương án cũ.

Cũng theo ông Chung, việc chuyển tuyến đường sắt ra xa trung tâm thì cơ cấu vận chuyển cũng thay đổi, lượng hàng hóa vận chuyển sẽ nhiều hơn số lượng hành khách được phục vụ, do tuyến Vành đai 2 chủ yếu vận chuyển hành khách còn tuyến Vành đai 3 phần lớn vận chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, cũng cần cân nhắc về tính kết nối của tuyến đường sắt theo quy hoạch. Nếu thay đổi, tuyến này có được kết nối với đường sắt cao tốc Nha Trang-TPHCM hay cao tốc Bắc-Nam hay không…

Anh Thơ