Chuyên gia chứng khoán dự báo VN-Index biến động lớn, cổ phiếu Midcap hấp dẫn nhưng tăng trưởng vẫn là ẩn số
‘Bắt đáy’ tại VN-Index 880 điểm, NĐT cần lưu ý những sự kiện ảnh hưởng mạnh đến triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam |
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua hai tuần giao dịch đầu tiên của năm 2019 với sự biến động lớn. VN-Index đã có thời điểm "thủng" đáy một năm 880 điểm phiên 3/1, sau đó đã hồi phục trở lại.
Trong thời điểm thị trường hiện tại, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam về triển vọng thị trường năm 2019 và nhóm cổ phiếu được quan tâm trong năm nay.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam. |
PV: Với những diễn biến về tình hình kinh tế vĩ mô của thế giới và Việt Nam, ông có nhận định như thế nào thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Năm 2018, nhìn chung thị trường không được như kì vọng, điểm số đầu năm và cuối năm tương đương nhau. Trong năm có những thời điểm chỉ số lên rất cao nhưng xuống cũng rất nhiều khiến đa số nhà đầu tư thua lỗ. Đối với năm 2019, thị trường chứng khoán vẫn có thể đối mặt với những rủi ro nhất định, được cho là một năm tương đối phức tạp.
Rủi ro từ thế giới đáng quan ngại nhất. Thứ nhất là lộ trình tăng lãi suất của Fed có thể tiếp tục làm cho đồng USD mạnh lên. Tiếp đến các Ngân hàng trung ương Châu Âu, Nhật, Trung Quốc đều có xu hướng giảm bớt các chu trình nới lỏng. Ví dụ như Châu Âu đến hết 2018 họ sẽ không “bơm” vốn thông qua các chương trình mua trái phiếu. Nhật Bản cũng giảm bớt chương trình hỗ trợ và lãi suất ở các thị trường này cũng có xu hướng tăng dần trong một đến hai năm tới. Chính sách tiền tệ có xu hướng thắt chặt hơn như thế dẫn đến dòng vốn đầu tư trên thị trường quốc tế giảm đi.
Ngoài việc tăng lãi suất, Fed còn giảm bớt bảng cân đối thông qua việc bán ra các trái phiếu và thu tiền về thay vì mua trái phiếu để bơm tiền cho nền kinh tế như trước đây. Điều đó gây ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn đầu tư tại thị trường Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung. Đây là điều quan ngại nhất. Việc này giống như “thuỷ triều rút”, mọi thứ sẽ không được thuận lợi đứng trên mặt vĩ mô.
Thứ hai, chiến tranh thương mại diễn biến phức tạp, đe doạ tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới nói chung. Đấy chính là lí do kéo theo giá nguyên liệu như giá dầu giảm mạnh thời gian gần đây. Chiến tranh thương mại còn ảnh hưởng đến tình hình tài chính chung và khi đó các nhà đầu tư toàn cầu bi quan về kinh tế thế giới. Thị trường cũng quan ngại về chiến tranh thương mại.
Đó là đối thế giới, khi dòng vốn đầu tư giảm sẽ ảnh hưởng chung đến các thị trường. Do đó, Việt Nam cũng đứng trước các rủi ro trên. Khi các chính sách của các ngân hàng trung ương thắt chặt dẫn đến lãi suất tăng dần thì các đồng ngoại tệ (Đô la, Euro, Yên Nhật) đều tăng giá. Biến động tỉ giá VNĐ trong năm 2019 cũng có thể là mối lo ngại đối với Việt Nam. Biến động có thể theo chiều hướng Đồng Việt Nam mất giá nhiều hơn so với đồng tiền quốc tế kéo theo vấn đề lạm phát. Khi đó xu hướng lãi suất của Việt Nam có chiều hướng tăng dần, hơn nữa mặt bằng lãi suất hiện nay duy trì ở mức thấp khá lâu rồi. Như vậy, tôi cho rằng thị trường cổ phiếu của Việt Nam cũng có thể gặp những điều kiện không thuận lợi.
Ngoài những vấn đề liên quan đến lãi suất, tỉ giá, lạm phát, các vấn đề khác liên quan đến Việt Nam cũng có những điểm sáng nhất định. Ví dụ, Việt Nam sẽ gia nhập Hiệp định Thương mại tự do EU, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sang Việt Nam cũng là yếu tố tích cực, khả năng xuất nhẩu của Việt Nam có thể được duy trì.
Bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm sau tôi vẫn đánh giá tương đối ổn định so với những nền kinh tế khác. Tuy nhiên vẫn có những rủi ro nhất định liên quan đến lãi suất, tỉ giá, lạm phát mà các nhà đầu tư nên quan tâm hơn. Chính vì những rủi ro như vậy mà thị trường chứng khoán năm 2019 được cho là biến động lớn, có thể có những nhịp tăng cũng thể có những nhịp giảm đan xen, VN-Index có thể giao động trong một biên độ nhất định như giảm về 800 là tối thiểu chẳng hạn, nhưng tối đa cũng rất khó để vượt 1.000 điểm. Quan điểm của tôi về thị trường chứng khoán rất có thể đi trong một dải như thế.
Việc tăng lãi suất có thể là rủi ro cho các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2019. Ảnh minh họa. |
PV: Theo ông, ngành nào chịu rủi ro lớn nhất từ việc tăng lãi suất?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Việc lãi suất tăng nhiều khả năng ảnh hưởng rất lớn đến những doanh nghiệp có tỉ lệ vay nợ cao, những ngành nghề liên quan đến việc sử dụng đòn bẩy hay tỉ lệ vay nợ cao như bất động sản, ngành công nghiệp… Hoặc những doanh nghiệp cụ thể trong bất kì ngành nghề nào nhưng có tỉ lệ vay nợ cao chắc chắn sẽ bị tác động lớn khi lãi suất tăng. Tỉ giá biến động theo chiều hướng đồng Việt Nam mất giá thì những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá gặp nhiều bất lợi. Như vậy những doanh nghiệp như trên sẽ chịu tác động lớn từ kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên về thực tế, lạm phát và lãi suất tăng có thể ảnh hưởng đến cả nền kinh tế chứ không riêng một doanh nghiệp nào. Những biến động này có thể khiến triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có xu hướng giảm. Đó cũng là yếu tố không thuận lợi cho thị trường năm sau.
PV: Với kịch bản tăng lãi suất như vậy, ông có nhận định như thế nào về kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2019?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Khi lãi suất tăng, bản thân các doanh nghiệp đi huy động vốn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy các doanh nghiệp cũng hy vọng phát hành thành công trái phiếu để huy động vốn từ nhà đầu tư. Nhưng với lãi suất tăng, khi đó doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng khó hơn vì bản chất trong nền kinh tế với lãi suất tăng, doanh nghiệp có thể làm ăn khó khăn hơn. Việc mua trái phiếu doanh nghiệp cũng là rủi ro của nhà đầu tư. Đó chính là lí do khi lãi suất tăng nhà đầu tư thường hướng đến các kênh an toàn hơn, trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu có lợi nhuận cao, các kênh gửi tiết kiệm có kì hạn linh hoạt…
PV: Vừa rồi, quỹ VinaCapital vừa có nhận định về cổ phiếu Midcap vượt trội trong năm 2019, nhóm quỹ ngoại Dragon Capital cũng có động thái mua vào cổ phiếu Midcap trong ngành bất động sản. Ông có nhận định như thế nào về giao dịch của các quỹ ngoại đối với nhóm cổ phiếu Midcap trong năm 2019?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Theo tôi, điều này phụ thuộc vào mục đích đầu tư của mỗi quỹ. Nhiều quỹ ngoại có ‘size’ lớn, nhiều tiền vẫn phải đầu tư vào cổ phiếu Bluechip mới đủ các tiêu chí để giải ngân. Khi các quỹ đầu tư vào các cổ phiếu Midcap, quy mô cũng tương đối hạn chế. Quỹ đầu tư vào cổ phiếu Midcap hưởng lợi thông qua việc định giá các nhóm cổ phiếu này hiện nay đang rất thấp, chỉ tương đương thời kì VN-Index khoảng 700 – 800 điểm.
Quỹ ngoại Dragon Capital đã giải ngân vào cổ phiếu nhóm Bất động sản |
Bên cạnh đó, tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp Midcap cũng là một ẩn số và các quỹ đầu tư phải rất chắc chắn về tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp này khi mới giải ngân. Thứ hai, các cổ phiếu Midcap thường thanh khoản không cao, các quỹ đầu tư cũng phải đối mặt với rủi ro thanh khoản. Vì vậy, nếu quỹ không chắc chắn về kết quả kinh doanh hay tiềm năng của doanh nghiệp, các quỹ này có thể không đầu tư. Còn khi đã đầu tư, tôi cho rằng các quỹ đã tương đối chắc chắn và tham gia sâu vào quá trình vận hành doanh nghiệp rồi.
Tuy nhiên, trong năm 2019, nhóm cổ phiếu Midcap cũng có nhiều cơ hội vì định giá hiện nay đang rất thấp, nhiều doanh nghiệp trong nhóm này có tiềm năng tăng trưởng cao và có thể trở thành những doanh nghiệp Bluechip sau này. Việc đầu tư vào Midcap nên chọn lọc rất kĩ. Thứ nhất về vị thế trong ngành có ổn định không, có chắc chắn để phát triển không. Thứ hai là tình hình tài chính nợ vay có nhiều không, cơ cấu tài chính có lành mạnh không, vì nếu nợ vay nhiều sẽ đối mặt với nhiều rủi ro trong năm tới. Chính vì vậy, đầu tư vào cổ phiếu Midcap phải thật sự hiểu rõ doanh nghiệp.
PV: Ông có định hướng như thế nào về nhóm ngành đầu tư cho năm 2019?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại lớn trên thế giới, ưu thế xuất khẩu sẽ xuất hiện ở nhiều mặt hàng như da giầy, dệt may, thuỷ hải sản… Những ngành hàng tương đối sáng trong triển vọng mở rộng thị trường để xuất khẩu được nhiều hơn. Đó là lợi ích khi Việt Nam tham gia những hiệp định thương mại tự do.
Cổ phiếu nhóm Dệt may được nhận định là triển vọng trong năm 2019. Ảnh minh họa |
Ngoài ra, ngành đầu tư được lựa chọn trong năm 2019 là những ngành hưởng lợi liên quan đến chiến tranh thương mại dẫn đến sự dịch chuyển của dòng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài như bất động sản khu công nghiệp, ngành phụ trợ cho các ngành công nghiệp lớn có nhà máy chuyển về Việt Nam.
Bên cạnh đó, những cổ phiếu có dòng tiền tốt, vị thế tốt, tỉ lệ chia cổ tức đều đặn hàng năm và tỉ trọng vay nợ thấp cũng là những doanh nghiệp đáng chú ý trong năm sau.
Trong điều kiện kinh tế vĩ mô biến động, việc tìm ra những doanh nghiệp tăng trưởng ổn định và cơ cấu tài chính lành mạnh chính là những điều đòi hỏi nhà đầu tư phải sàng lọc.
Xin cảm ơn ông đã tham gia phỏng vấn!
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/