|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia chỉ ra nhiều nút thắt cần tháo gỡ để đầu tư công là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế

07:08 | 17/08/2022
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, bên cạnh các khó khăn mới như việc giá vật liệu tăng cao hay thiếu hụt nguyên vật liệu làm dự án gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm thì việc giải ngân vốn đầu tư công chậm còn phản ánh nhiều vấn đề cố hữu từ xưa đến nay.

Mới đây, SSI Research dự báo đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng chính từ nửa cuối năm 2022, và trong đó việc giải ngân vốn sẽ tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư công đang được ưu tiên.

Các chuyên gia tại đây cho rằng, về vĩ mô, dữ liệu kinh tế tháng 7 đã phần nào cho thấy nền kinh tế sẽ có một khoảng thời gian thách thức ở phía trước. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành thận trọng nhưng cũng có nhiều sự linh hoạt sẽ là một điểm cộng lớn trong việc ổn định vĩ mô.

Bên cạnh đó là chính sách tài khóa mở rộng thông qua gói hỗ trợ kinh tế. Do đó. đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng chính từ nửa cuối năm 2022. Các động lực tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì ít nhất trong những tháng còn lại của năm 2022 nhưng các biến số vĩ mô đã không còn quá tích cực như giai đoạn trước.

Mặc dù, đầu tư công được đánh giá sẽ là động lực tăng trưởng chính trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh các khó khăn mới như việc giá vật liệu tăng cao hay thiếu hụt nguyên vật liệu làm dự án gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm thì việc giải ngân vốn đầu tư công chậm còn phản ánh nhiều vấn đề cố hữu từ xưa đến nay.

Chuyên gia cho rằng nếu không gỡ được các nút thắt này thì rất khó để vốn đầu tư công thực sự là động lực cho nền kinh tế.

 TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương. (Ảnh: VOV).

Căn bệnh cố hữu "sợ sai, không dám làm"

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn khá chậm chạp trong những năm gần đây một phần là do việc tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập.

Trong đó nổi bật là vai trò của người đứng đầu. "Có tình trạng người đứng đầu còn sợ sai, không dám làm", TS. Tú Anh chỉ ra.

Ông Tú Anh cho biết, tại cuộc họp với Chính phủ, Bộ trưởng Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng từng phát biểu rằng, vẫn còn trường hợp nhiều địa phương sợ sai, không dám làm. Trong đó, hàng loạt nguyên nhân liên quan đến tinh thần và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương được nêu ra như: Quy định pháp luật trùng lặp khiến cách hiểu chưa thống nhất, chậm triển khai, sự quyết liệt của một số các bộ, cơ quan, địa phương còn thấp.

"Có thể thấy, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, người đứng đầu phải quyết liệt, không sợ sai thì mới có thể thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công một cách mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, rõ ràng là các quy định, thể chế của chúng ta vẫn chưa minh bạch và chặt chẽ để bảođảm bảo những cán bộ, không chức làm đúng quy định thì sẽ không sợ sai, sợ bị xử lý, kỷ luật.

Nếu thể chế đủ mạnh để bảo vệ những cán bộ, công chức làm đúng theo quy định thì họ sẽ tự tin hơn và thực thi mạnh mẽ hơn, ông Tú Anh cho hay.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính. (Ảnh: TC Thương Trường).

Mạnh tay hơn nữa trong chế tài xử lý

Theo Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính mặc dù Chính phủ đã có những giải pháp rất cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công song rõ ràng việc giải ngân vẫn chưa thực sự được như kỳ vọng.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bình quân trong 7 tháng đầu năm mới chỉ đạt mới chỉ đạt hơn 34,47%, thấp hơn so với năm 2021, thậm chí có bộ, ngành, địa phương tiến độ giải ngân chưa đến 10%.

Nhiều nút thắt được kể ra như: Giải phóng mặt bằng, vấn đề về vật liệu xây dựng, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, năng lực nhà thầu, nhà đầu tư,… tuy nhiên theo PGS, TS. Ngô Trí Long vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự quyết liệt của người đứng đầu.

Nếu người đứng đầu quyết liệt, nút thắt nào cũng sẽ được gỡ, vướng mắc cũng sẽ được xử lý. Do đó, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ cần mạnh tay hơn nữa.

Hiện, Chính phủ đã có những chế tài quy định nếu bộ, ngành, địa phương nào chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ điều chuyển sang dự án khác tuy nhiên những vấn đề này liệu có thực hiện được hay không thì vẫn là vấn đề muôn thuở, ông Long cho hay.

Để đầu tư công là một động lực quan trọng để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện nay theo ông Long chính phủ cần quyết liệt xử lý những dự án chậm tiến độ, điều chuyển vốn của các dự án chậm triển khai cho những địa phương, dự án khác cần vốn hơn.

Nếu không tăng chế tài trong việc xử lý những bộ, ngành, địa phương chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thì sẽ có tâm lý "ngồi yên", "không làm vì nếu làm sợ sai". Phải mạnh tay xử lý các trường hợp này bởi nền kinh tế đang cần vốn mà không chịu giải ngân thì cũng là một cái tội.

Trong 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả giải ngân vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Tại cuộc họp, các Bộ, cơ quan, địa phương đều báo cáo đã tích cực kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị mình; tuy nhiên kết quả giải ngân 6 tháng năm 2022 của các Bộ, cơ quan và địa phương thuộc Tổ công tác số 4 đều thấp hơn so với mức trung bình cả nước.

Nguyên nhân giải ngân chậm đã được các Bộ, cơ quan, địa phương báo cáo, bao gồm cả nguyên nhân khách quan như quy định pháp luật vẫn còn trùng lắp dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất, chậm triển khai.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu như: công tác chuẩn bị dự án chưa kỹ nên khi triển khai gặp vướng mắc, không giao được vốn hoặc giao vốn nhưng không giải ngân được, công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, trách nhiệm chưa cao, một số các bộ, cơ quan, địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa sâu sát trong nắm bắt tình hình cụ thể của từng dự án để có phương án xử lý dứt điểm; một số Ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu kém về năng lực,…

 

Hạ An