|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia BSC: Ngoài quyết định chốt lãi, tỷ giá là yếu tố đẩy nhanh quá trình bán ra của các quỹ ngoại

14:45 | 19/09/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh tỷ giá tiến lên vùng đỉnh lịch sử, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Nguyên Khoa, Phó Trưởng phòng Phân tích nghiên cứu, Chứng khoán BIDV (BSC) để tìm hiểu tác động của yếu tố này tới thị trường chứng khoán và hoạt động doanh nghiệp.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Phó Trưởng phòng Phân tích nghiên cứu, Chứng khoán BIDV (BSC). Ảnh: BSC.

Tỷ giá VND/USD tăng mạnh trong những ngày gần đây, tỷ giá trung tâm được SBV thông báo mức cao kỷ lục trên 24.000. Ông có đánh giá thế nào về diễn biến này?

Ngày 18/9, SBV đã thực hiện điều chỉnh tỷ giá trung tâm tăng thêm 10 đồng lên mức 24.046 đồng. Với lần điều chỉnh này SBV đã thực hiện 6 lần tăng và chỉ có 1 lần giảm trong 2 tuần gần nhất. Tỷ giá tại các ngân hàng cũng điều chỉnh tăng từ 30 - 40 đồng so với phiên giao dịch cuối tuần trước. Tỷ giá tại Vietcombank ở 2 chiều mua bán lần lượt 24.130 và 24.500 đồng.

Tăng tỷ giá trung tâm là sự điều chỉnh linh hoạt và theo biến động thị trường của SBV trước một đồng USD mạnh lên trước cuộc họp chính sách của FED vào 19-20/9.

Cụ thể, lạm phát Hoa Kỳ tăng trở lại trong tháng 8, tiêu dùng và thị trường lao động tích cực kéo theo dự báo FED sẽ giữ mức lãi suất ở mức cao trong thời gian dài để kiềm chế lạm phát. Các đồng tiền mạnh khác như EUR, Bảng, Yên đều suy yếu do tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động Anh và Eurozone chậm lại. ECB tăng lãi suất nhưng đưa ra thông điệp lần tăng lãi suất này có thể lần cuối trong khi BOJ vẫn chưa chuyển hướng sang thắt chặt tiền tệ. USD Index (DXY) do vậy tăng giá đáng mạnh 1,79% kể từ tháng 9.

Chênh lệch giữa lãi suất qua đêm USD và VND lớn trên 5% điều này tạo áp lực không nhỏ lên tỷ giá và tạo ra tâm lý nắm giữ trạng thái ngoại tệ tại các NHTM.

Do vậy, chúng tôi cho rằng mặc dù tỷ giá trung tâm vượt qua ngưỡng tâm lý 24.000 nhưng đây vẫn chỉ điều chỉnh mang tính chủ động và thích ứng với diễn biến trong nước và quốc tế của NHNN. Mức tăng chưa quá lớn và SBV vẫn có vị thế cùng với dư địa để kiểm soát biến động tỷ giá tốt hơn nhiều so với thời điểm tháng 10 năm 2022. Mặt trận tỷ giá dự báo nhiều khả năng sẽ được được chú trọng hơn vào cuối năm nhằm ổn định kinh tế vĩ mô khi dư địa giảm lãi suất không còn nhiều.

Theo ông, yếu tố tỷ giá tác động thế nào đến TTCK Việt Nam và diễn biến dòng tiền ngoại trên thị trường?

Tỷ giá không chỉ có ý nghĩa đến ổn định kinh tế vĩ mô mà còn tác động đến thị trường chứng khoán cho dù mức độ tác động không lớn bằng yếu tố lãi suất. VND giảm giá là yếu tố gây rủi ro cho thị trường ở khía cạnh dòng tiền. NĐT sẽ thận trọng và có xu hướng rút bớt để chuyển sang các kênh an toàn hơn nếu VND tiếp tục giảm giá.

Khối ngoại trên TTCK duy trì xu hướng bán ròng trong nhiều tháng nay, nhưng họ đẩy mạnh bán ròng kể từ đầu tháng 9 với trên 125 triệu USD. Hoạt động bán ròng chủ yếu đến từ các ETF và một số quỹ ngoại thực hiện cơ cấu danh mục. Ngoài yếu tố NĐT nước ngoài thực hiện chốt lãi tại các quỹ ETF do đã mua được ở vùng giá tốt, tỷ giá cũng được xem là yếu tố đẩy nhanh quá trình bán ra của các quỹ nước ngoài trong thời gian qua.

Xin ông cho biết trong câu chuyện tỷ giá tăng, nhóm ngành nào bị tác động và được hưởng lợi?

Trong ngắn hạn, các ngành xuất khẩu được lợi và các ngành nhập khẩu bị thiệt khi VND giảm giá và ngược lại. Những doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi gồm dệt may, giày dép, gỗ đá, gạo, sắt thép, thủy sản, săm lốp.

Những doanh nghiệp nhập khẩu tiêu dùng trong nước hoặc những doanh nghiệp vay ngoại tệ USD trong các lĩnh vực năng lượng, hàng không, bất động sản, … sẽ gặp bất lợi.

Tuy nhiên trong trung hạn, VND giảm giá ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định vĩ mô, tăng trưởng, tiêu dùng và đầu tư. Ngoài ra đầu vào là nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu của các doanh nghiệp cũng tăng lên qua đó triệt tiêu dần các lợi ích ngắn hạn.

Do vậy, VND giảm giá có thể mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngắn hạn tuy nhiên lợi ích này sẽ không được duy trì với các doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc vào nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu. Với đặc điểm kinh tế Việt nam, tỷ giá ổn định vẫn là yếu tố quan trọng để nền kinh tế và các doanh nghiệp tăng trưởng bền vững.

Cuối cùng, ngoài tỷ giá, yếu tố vĩ mô nào NĐT cần quan tâm những tháng cuối năm?

TTCK đã đi trước vận động lập đáy của kinh tế vĩ mô nhờ yếu tố chu kỳ, tâm lý kỳ vọng và dòng tiền. Các yếu tố này đang giúp thị trường giữ được đà tăng điểm trong ngắn hạn. Dòng tiền luân chuyển liên tục qua các nhóm ngành đẩy dần mặt bằng giá lên trong khi kết quả kinh doanh trong quý II không cải thiện khiến cho định giá nhiều ngành đã có mức P/E trên 20 lần. Yếu tố kỳ vọng và dòng tiền sẽ không thể duy trì được mãi và NĐT cần thấy được sự chuyển biến về vĩ mô và lợi nhuận tăng trưởng của các công ty niêm yết trong các quý tiếp theo.

Do vậy bên cạnh việc xem xét các yếu tố ổn định vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất thì NĐT còn phải chú ý hơn đến các yếu tố động lực tăng trưởng về chỉ số sản xuất, tiêu dùng trong nước, tăng trưởng xuất nhập khẩu và tốc độ giải ngân đầu tư công. Đây là những thông tin sớm để nhận định nền kinh tế và doanh nghiệp sau khi lập đáy sẽ hồi phục nhanh hay chậm và liệu rằng kỳ vọng của NĐT có hợp lý trước chuyển biến này hay không.

Xin cảm ơn ông!

Lợi Hoàng