Quỹ Đài Loan - Fubon FTSE Vietnam đang rút tiền sau 16 tháng giải ngân, danh mục quy mô gần 1 tỷ USD đã mua bán thế nào?
Theo dõi hoạt động của Fubon FTSE Vietnam ETF, với những dữ liệu tạm tính đến ngày 18/9, đây chưa phải đợt rút ròng mạnh nhất của quỹ mở lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam này.
Sau khi đặt chân đến Việt Nam vào tháng 4/2021, quỹ Đài Loan này đã giải ngân khoảng 335 triệu USD vào thị trường cho đến tháng 7/2021, sau đó đảo chiều bán ròng 5 tháng còn lại của năm với quy mô bằng 40% lượng tiền giải ngân trước đó.
Sang đến năm 2022, bất chấp thị tường chứn khoán Việt Nam biến động mạnh khi VN-Index đạt đỉnh vùng trên 1.500 điểm, Fubon FTSE Vietnam đẩy mạnh giải ngân. Nhưng lực mua trong quý II – III năm ngoái của quỹ này yếu dần theo chiều hướng đi xuống của chỉ số. Quy mô mua ròng của quỹ trong tháng 9/2022 chỉ còn đạt khoảng 5,4 triệu USD, thấp nhất trong vòng 7 tháng.
Sang đến quý cuối năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc trước loạt sự kiện như Vạn Thịnh Phát, khủng hoảng niềm tin trên thị trường trái phiếu, VN-Index có thời điểm mất mốc 900 điểm. Khi đó “cá mập” Đài Loan này mạnh tay xuống tiền, với đợt giải ngân lớn nhất sau hơn 1 năm đầu tư vào Việt Nam.
Theo ước tính, tổng giá trị mua ròng trong quý cuối năm của quỹ đạt hơn 267 triệu USD, đưa Fubon FTSE Vietnam trở thành quỹ hoạt động sôi nổi nhất trên thị trường với tổng lượng vốn huy động gần 530 triệu USD.
Việc Fubon FTSE Vietnam đẩy mạnh giải ngân khi VN-Index tạo đáy dưới 1.000 điểm quý cuối năm 2022 không chỉ giúp ổn định dòng tiền khi cá nhân trong nước hoang mang mà còn tạo vị thế tốt cho những nhà đầu tư tham gia mua chứng chỉ quỹ thời điểm đó.
Sang đến năm 2023, sau hai tháng trầm lắng đầu năm, đầu tháng 3, tổ chức quản lý quỹ Fubon thông báo đã được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 5 với quy mô 5 tỷ Tân Đài tệ (khoảng 160 triệu USD). Đây là thông tin được thị trường kỳ vọng khi xu hướng hồi phục của VN-Index còn chưa rõ ràng.
Song, Fubon FTSE Vietnam đã không huy động được lượng vốn như dự kiến trên. Ước tính tổng giá trị giải ngân trong 3 tháng (T3 – 5/2023) đạt khoảng 70 triệu USD.
Ngay sau khi phát đi tín hiệu suy yếu trong khả năng huy động tiền, Fubon FTSE Vietnam bị rút vốn với xu hướng tăng dần quy mô. Trong tháng 8, giá trị rút ròng khoảng 53,3 triệu USD, gấp gần 8 lần tháng liền trước. Trong khoảng thời gian từ ngày 1 – 18/9, lượng vốn rút gần 31 triệu USD.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Fubon FTSE Vietnam không nằm ngoài xu hướng chung về dòng vốn ngoại trên thị trường. Không chỉ với quỹ ETF ngoại, ba quỹ ETF lớn nhất trong nước là VFMVN Diamond, VFMV30 và SSIAM VNFin Lead đều đang giảm quy mô.
Lý giải về nguyên nhân, ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, chuyên gia chiến lược thị trường Chứng khoán SSI cho rằng một phần đến từ quyết định chốt lời của nhà đầu tư đến từ Đài Loan khi đạt hiệu suất đầu tư tốt chỉ trong thời gian ngắn.
Theo ước tính của người viết, nếu ước tính với mức giá mua trong khoảng 10 - 12 Tân Đài tệ (TWD)/ccq vào quý IV năm ngoái. Nhà đầu tư có thể đạt hiệu suất tối đa 40% sau 8 tháng nắm giữ. Và căn cứ theo giả định trên, quy mô bán ròng kể từ đầu tháng 6 cho đến ngày 18/9 chỉ đạt khoảng 92,5 triệu USD, tương ứng 1/3 tổng lượng giải ngân trong quý IV/2022. Điều đó đồng nghĩa rằng hoạt động bán ròng có thể tiếp diễn trong thời gian tới.
Với quy mô của một ETF lớn nhất thị trường khi tài sản ròng từng tiến gần với ngưỡng 1 tỷ USD, việc Fubon FTSE Vietnam ETF bị rút ròng đã tác động phần nào lên thị trường chung mặc dù đặt trong tương quan quy mô giao dịch của ngoại khối và nội khối thời hiện tại không lớn (tỷ lệ 10%/90%).
Quan sát giao dịch của Fubon FTSE Vietnam ETF, mới đây nhất quỹ thực hiện cơ cấu danh mục khi loại bỏ NVL và thêm mới PDR. Với việc bị loại bỏ khỏi rổ cùng với việc rút quỹ, NVL bị bán ròng gần 24,8 triệu cp kể từ đầu tháng 6, trong khi PDR vừa được mua mới 7,9 triệu đơn vị. Trong đợt cơ cấu lại danh mục làm thay đổi tỷ trọng cổ phiếu trong rổ, VCB và SAB cũng được mua thêm.
Còn ở chiều bán, HPG, VNM, SSI, SHB, VRE và những cổ phiếu bị Fubon FTSE Vietnam bán ròng mạnh nhất kể từ đầu tháng 6 với khối lượng trên 3 triệu cp, trong đó HPG gần 15 triệu cp.
Về tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục của Fubon FTSE Vietnam, HPG, VNM và VHM là ba mã dẫn đầu với hơn 9%. Theo sau là VIC, VCB, MSN, SSI với tỷ trọng 7 – 9%. Những cổ phiếu còn lại trong danh mục đều được phân bổ với tỷ lệ thấp hơn 4,5%.