NĐT thiệt hại lớn khi cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch, giải pháp nào để không 'mất bò mới lo làm chuồng'?
Với quy định hiện hành trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các cấp độ xử lý vi phạm với chứng khoán tuần tự là đưa vào diện cảnh báo, đưa vào diện kiểm soát, hạn chế giao dịch, tạm ngừng giao dịch, đình chỉ giao dịch và cuối cùng là hủy niêm yết.
Trong từng trường hợp, cơ quan quản lý sẽ xem xét vi phạm của tổ chức, hành vi lặp lại như việc công bố thông tin hay khả năng khắc phục nguyên nhân để đưa ra biện pháp. Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết được Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) công bố ngày 31/3/2022 đã quy định rõ biện pháp xử lý chứng khoán trong mỗi tình huống.
Ví dụ, chứng khoán bị đình chỉ giao dịch nếu nằm một trong 5 trường hợp.
Thứ nhất, tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính năm có kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên có soát xét quá 6 tháng so với thời hạn quy định.
Thứ hai, tổ chức niêm yết không đưa ra biện pháp khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị tạm ngừng giao dịch theo yêu cầu của Sở Giao dịch Chứng khoán.
Thứ ba, tổ chức niêm yết tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
Thứ tư, theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Thứ năm, SGDCK xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và bảo đảm ổn định, an toàn của thị trường chứng khoán đồng thời báo cáo VNX, UBCKNN.
Quan sát trên thị trường, các cổ phiếu thường bị đình chỉ giao dịch khi doanh nghiệp rơi vào ba trường hợp đầu tiên. Mới đây nhất, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE)chuyển 4 cổ phiếu (HPX, AGM, TGG, IBC) từ diện hạn chế giao dịch sang diện định chỉ giao dịch dotiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin.
Trước đó, cổ phiếu TBB của Tập đoàn Tiến Bộ cũng bị đình chỉ giao dịch từ ngày 7/7 và doanh nghiệp chưa khắc phục được nguyên nhân để đưa chứng khoán trở lại giao dịch. Những mã chứng khoán "họ FLC" (GAB, FLC, ROS, HAI, AMD) từng trong trường hợp tương tự, sau đó bị hủy niêm bắt buộc trên sàn HOSE.
Tình huống vi phạm và sự lặp lại hành vi của mỗi tổ chức là khác nhau, nhưng tất cả đều đưa đến một kết cục chung đó là thiệt hại không nhỏ cho nhà đầu tư. Trước thời điểm bị đình chỉ giao dịch, một số cổ phiếu có thể nổi sóng ngắn hạn, thu hút của dòng tiền đầu cơ trên thị trường. Sau đó những mã này rớt giá sâu, có thể ghi nhận chuỗi phiên giảm sàn, mất thanh khoản.
Gần đây nhất, nhà đầu tư chứng kiến những gì đã diễn ra với 4 mã chứng khoán vừa được nêu trên. AGM, TGG và IBC đã giảm giá trong cả 5 phiên của tuần 11 - 15/9, trước thời điểm đình chỉ giao dịch (18/9). Sau nhịp sâu mà mất thanh khoản, AGM, TGG và IBC mất giá khoảng 30% sau, còn HPX cũng giảm khoảng 25%.
Không chỉ dừng lại ở việc cổ phiếu giảm giá, việc bị đình chỉ giao dịch và chưa "hẹn" ngày trở lại là một bất lợi lớn với nhà đầu tư khi mất quyền chủ động xử lý tài sản, giam vốn ở tài sản mất tính thanh khoản tạm thời. Bài học nhãn tiền ảnh hưởng nhất với nhà đầu tư là hệ quả để lại khi cổ phiếu "họ FLC" chuyển từ đình chỉ giao dịch sang hủy niêm yết khiến cổ đông mất quyền tự quyết tài sản của họ cho đến thời điểm hiện tại.
Song, vấn đề đặt ra ở đây là những vi phạm của tổ chức niêm yết là không mới, nhà đầu tư có thể theo dõi hoạt động của doanh nghiệp, có thể dẫn đến việc tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin hay trạng thái trước đó của chứng khoán để tạo "tấm lá chắn" bảo vệ mình, nhưng vẫn không ít người vẫn mắc để rồi chịu thiệt hại.
Như đã đề cập đầu bài viết, trước khi bị đình chỉ giao dịch, các chứng khoán có thể nằm ở cấp độ nhẹ hơn như diện cảnh báo, diện kiểm soát hay đang bị hạn chế giao dịch. Với những mã chứng khoán như trên, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi lựa chọn giao dịch. Quyết định mua/bán cần được cân nhắc sau khi xem xét kỹ hoạt động của tổ chức phán đoán trước tình huống.
Đơn cử với trường hợp của Hải Phát Invest, cổ phiếu của công ty trước đó bị hạn chế giao dịch từ tháng 5, khi chỉ được giao dịch vào buổi chiều do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán. Sau đó, tổ chức này tiếp tục chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023, quá 45 ngày sau khi kết thúc 6 tháng năm tài chính. Đồng nghĩa rằng, nhà đầu tư hoàn toàn có thể dự phòng kịch bản xảy ra với HPX sau ngày 16/8, khi cơ quan quản lý chưa đưa ra quyết định chính thức.
Còn với những nhà đầu tư theo trường phái đầu cơ, việc lựa chọn giao dịch các cổ phiếu thị giá nhỏ, đang gặp phải vấn đề tài chính, vi phạm quy định trên thị trường có thể là sở thích của nhiều người bởi đây thường là mã có biến động giá mạnh. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc tỷ trọng trong phân bổ tài sản, tránh đặt tài khoản "mua cổ phiếu thị giá nhỏ, thiệt hại lớn".
Sau quyết định đình chỉ giao dịch, các doanh nghiệp có thể đưa ra các biện pháp khắc phục ngay sau đó, nhưng mỗi giải pháp đều cần có thời gian và những cú giảm trong ngắn hạn là thấy rõ, được minh chứng nhiều lần trước đó. Thậm chí kịch bản có thể xấu hơn có thể xảy ra với cổ phiếu như án hủy niêm yết. Bởi vậy, hơn ai hết, chính nhà đầu tư cần xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định để bảo vệ tài sản tài chính của mình.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/