Chuyên gia: Bối cảnh năm nay rất giống với năm ngoái, nếu tỷ giá quá căng thẳng NHNN thậm chí có thể phải tăng lãi suất
Áp lực tỷ giá đang gia tăng trong tháng 7 và đầu tháng 8. Cụ thể, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giao dịch ở mức 23.761 đồng tại ngày 3/8/2023 và sau đó lập đỉnh ngày 17/8, tỷ giá trung tâm giao dịch ở mức 23.951 VND/USD, tăng khoảng 1,3% so với đầu năm và sau đó giảm nhẹ về mức 23.886 đồng trong ngày 22/8.
Tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã bật tăng mạnh từ mức giá 23.700-23.750 đồng lên mức 23.950-24.000 đồng, tương đương với mức mất giá 1,2% của VND và là mức tăng là mức cao nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây.
Bối cảnh khá giống năm ngoái
Dù tỷ giá đã có dấu hiệu giảm nhẹ song chuyên gia Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, Bộ Tài Chính vẫn cảnh báo cần hết sức cẩn trọng vì bối cảnh năm nay khá giống với năm ngoái.
"Tỷ giá tăng cao khá giống với giai đoạn tháng 8, tháng 9 năm ngoái, khi đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải sử dụng khoảng 25 tỷ USD/100 tỷ USD để duy trì tỷ giá. Tỷ giá đột ngột tăng cao cũng là lý do cơ bản khiến NHNN phải điều chỉnh tăng lãi suất hai lần liên tiếp mỗi lần 1% vào tháng 9 và tháng 10/2022", ông nói.
Nguyên nhân là do năm ngoái khi Fed và một số ngân hàng Trung ương tăng lãi suất Việt Nam vẫn chưa tăng. Trước tháng 9/2022 lãi suất vẫn còn ở mức khá thấp nhưng sau đó tỷ giá đột ngột tăng phi mã nên NHNN đã phải liên tiếp tăng lãi suất để ổn định mặt bằng tỷ giá.
Với năm nay, NHNN nỗ lực rất nhiều để đưa lãi suất điều hành về mức thấp như hiện nay nhưng Fed và các quốc gia châu Âu vẫn chưa hạ lãi suất nên bối cảnh khá giống năm ngoái. Hiện nay mới chỉ có một số quốc gia châu Á như Trung Quốc hay Nhật Bản nới lỏng chính sách tiền tệ còn Mỹ hay châu Âu thì vẫn tăng lãi suất và mới chỉ để ngỏ khả năng sẽ giữ lãi suất ở mức cao cho đến hết năm nay chứ chưa có động thái quay đầu giảm.
Bối cảnh giống nhau nên hoàn toàn có khả năng tỷ giá sẽ "bùng lên" vào cuối quý III, đầu quý IV tương tự năm 2022. Chỉ có điểm khác một chút đó là năm nay xuất khẩu rất kém và nhập khẩu còn sụt giảm mạnh hơn nên thặng dư thương mại cao gấp mấy lần năm ngoái. Điều này sẽ tác động tích cực đến cán cân thanh toán, chuyên gia phân tích.
Cho đến nay, NHNN mới chỉ công bố cán cân thanh toán đến hết quý I là thặng dư 5,9 tỷ USD. Vì vậy, chưa có số liệu cập nhật để đánh giá tác động của thặng dư thương mại trong cán cân thanh toán. Có thể thấy, bối cảnh tỷ giá hai quý cuối năm nay rất giống với năm ngoái chỉ có một điểm khác là thặng dư thương mại tích cực hơn.
Tuy nhiên, cần hết sức cẩn trọng và cân nhắc trong việc sử dụng các công cụ để bình ổn tỷ giá, ông Ánh khuyến nghị. Hiện dự trữ ngoại hối cũng đã ở mức gần 100 tỷ USD để sẵn sàng đối phó với những rủi ro về tỷ giá.
Báo cáo từ Công ty Chứng khoán VNDirect cũng nhận định rằng, cần cẩn trọng với biến động tỷ giá trong giai đoạn cuối năm 2023.
Các yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VND trong nửa cuối năm 2023 vẫn còn rất hiện hữu, gồm: Chênh lệch lãi suất giữa VND và USD tiếp tục thu hẹp do lãi suất điều hành của FED có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi NHNN định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng và lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quý III/2023.
Tuy vậy, cũng giống như chuyên gia Vũ Đình Ánh, các chuyên gia từ VNDriect cho rằng, điểm tích cực là tỷ giá VND năm nay sẽ được hỗ trợ tốt hơn so với nửa cuối năm 2022 nhờ thặng dư thương mại duy trì mức cao hơn, trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất siêu 16,5 tỷ USD, gấp hơn 12 lần cùng kỳ năm 2022.
Hai là, dòng vốn FDI và kiều hối ổn định và thứ ba là, các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ.
Vì vậy, VNDirect cho rằng tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa sau năm 2023, tuy nhiên, tỷ giá USD/VND sẽ dao động không quá 2,0% so với đầu năm 2023.
Lãi suất các tháng cuối năm phụ thuộc rất lớn vào tỷ giá
Chuyên gia Vũ Đình Ánh cũng nhấn mạnh điều hành lãi suất cần dựa trên thị trường chứ không phải một công cụ duy ý chí nhất là với một nền kinh tế mở như Việt Nam. Nếu tỷ giá tăng cao cơ hội giảm lãi suất gần như không có mà thậm chí nếu tỷ giá căng thẳng quá thì ngược lại còn phải tăng lãi suất.
Nhắc lại “tam giác bất khả thi” - mối quan hệ giữa chính sách lãi suất - chính sách tỷ giá hối đoái - dòng vốn nước ngoài, ông Ánh cho biết, để đảm bảo dòng vốn vào Việt Nam không bị ảnh hưởng, kể cả vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp, chỉ có một trong hai lựa chọn: Hoặc ổn định lãi suất, hoặc ổn định tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước không thể cùng một lúc thực hiện cả hai nhiệm vụ. Đây đang là lựa chọn khó khăn nhất của chính sách tiền tệ.
Hiện chính sách tiền tệ đang phải “gánh” nhiệm vụ rất lớn là hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng kinh tế nhưng chỉ mình lãi suất là không đủ. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tháng 7 không những không tăng mà còn giảm cho thấy doanh nghiệp không hấp thụ được vốn tín dụng.
Vì vậy, ông Ánh cho rằng, không nên quá tập trung vào việc hạ lãi suất mà cần thực hiện tổng hoà các giải pháp, “san sẻ” nhiệm vụ sang chính sách tài khoá và việc tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho doanh nghiệp. Đặc biệt, không nên hạ điều kiện cho vay vì điều này rất nguy hiểm gây rủi ro cho hệ thống tài chính.