|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuỗi sản xuất nông nghiệp hút hàng tỷ USD vốn ngoại

15:42 | 01/02/2017
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài đang mạnh tay rót vài chục triệu đến cả tỷ USD vào chuỗi giá trị nông nghiệp ở Việt Nam. 

Ông Raj Sharma - Tổng giám đốc Công ty Sunrise Orchards (Mỹ) cho biết, trong những ngày đầu năm 2017, doanh nghiệp này đã ký cam kết với Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ về việc đầu tư 1 tỷ USD để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp ở Việt Nam, trong đó tỉnh Tây Ninh được chọn làm mô hình điểm ban đầu.

Theo kế hoạch dự kiến, Sunrise Orchards sẽ đầu tư dài hạn trong 50 năm để phát triển vùng trồng cây ăn quả và các nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm từng bước đưa nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường Mỹ. Đồng thời, khoản vốn 1 tỷ USD này cũng dành cho hoạt động xây dựng kênh phân phối để nhập khẩu ngược lại các sản phẩm Việt Nam chưa trồng được (điển hình như quả óc chó) và phát triển đồng bộ chuỗi giá trị nông nghiệp thông qua đầu tư vào công trình phụ trợ khác như bệnh viện, khu nghỉ dưỡng…

“Rau quả nhiệt đới xuất xứ Việt Nam được nhiều quốc gia ôn đới rất ưa chuộng, nhưng hiện các loại nông sản này còn vướng nhiều rào cản về chất lượng nên khó tiếp cận những thị trường tiềm năng này. Với kế hoạch đầu tư này, tôi sẽ mang công nghệ hàng đầu thế giới vào áp dụng trên cơ sở tận dụng điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, sau đó đứng ra làm trung gian phân phối để giúp người nông dân có thể yên tâm canh tác”, ông Raj Sharma chia sẻ.

chuoi san xuat nong nghiep hut hang ty usd von ngoai

Vốn đầu tư nước vào phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp ở Việt Nam dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2017. Ảnh: Phương Đông

Mới đây, Tập đoàn United Technologies Carrier (Mỹ) cũng đã ký cam kết hỗ trợ tỉnh Tây Ninh tiếp cận nguồn vốn thông qua Quỹ Khí hậu Xanh để phát triển hệ thống chuỗi cung ứng lạnh theo tiêu chuẩn tiên tiến để giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch. Theo đề án đang được xây dựng và hoàn thành trong tháng 6 năm nay, gói đầu tư này trị giá khoảng 90 triệu USD và giải ngân bằng 2 hình thức là tài trợ không hoàn lại và vốn ưu đãi.

Hiện nhiều doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài cũng đang tìm hiểu và khởi động quá trình rót vốn, trong đó Nhật Bản được xem là quốc gia tiên phong trong việc lựa chọn đầu tư ở những mắt xích thế mạnh trong chuỗi giá trị nông nghiệp như đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống chợ đầu mối và hệ thống dây chuyền xử lý nông sản... Điển hình như việc quỹ đầu tư Daiwa, thuộc tập đoàn Daiwa Securities Group Inc đã thống nhất các nội dung hợp tác với Công ty CP Lavifood (Long An) hoạt động trong lĩnh vực chế biến trái cây xuất khẩu.

Đầu tư vào chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp nhận định mô hình này đòi hỏi tiềm lực tài chính mạnh do chi phí xây dựng chuỗi trong giai đoạn đầu rất lớn.

Ông Gabour Fluit, Tổng giám đốc Công ty TNHH De Heus (thuộc Tập đoàn De Heus, Hà Lan) dẫn chứng đơn vị này vừa ký hợp tác với Công ty Hùng Nhơn (Bình Phước) để xây dựng chuỗi thực phẩm sạch với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 50 triệu USD.

Theo kế hoạch hợp tác, dự án này hình thành chuỗi thực phẩm khép kín từ giai đoạn con giống cho đến thành phẩm nhằm cung cấp cho thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu 6 nhóm nông sản an toàn và có truy xuất nguồn gốc. Phía De Heus là mắt xích đảm bảo chất lượng đầu vào cho chuỗi như con giống, thức ăn... và bố trí nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình nuôi trồng, quản lý chuỗi; đồng thời làm việc cùng 2 công ty nước ngoài trong lĩnh vực tư vấn quản lý thực phẩm sạch từ Bỉ và Hà Lan để chuỗi liên kết được kiểm soát độc lập từ giai đoạn con giống cho đến khi thành phẩm tới tay người tiêu dùng.

“Việc đầu tư truy xuất nguồn gốc trong chăn nuôi rất tốn kém, nhưng đây là yêu cầu và xu thế tất yếu của thị trường trong tương lai. Khi các trang trại hoạt động ổn định và đạt chứng nhận quốc tế thì chi phí phát triển chuỗi sẽ giảm, lợi nhuận được đảm bảo cho các bên tham gia”, ông Fluit chia sẻ.

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), tính đến cuối 2016, cả nước có 518 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp còn hiệu lực với tổng vốn đạt trên 3,6 tỷ USD, chiếm chưa tới 1,3% tổng vốn FDI. Tính riêng trong 2016, chỉ có 12 dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được cấp mới với số vốn gần 45 triệu USD.

Thực tế cho thấy tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp đang tăng dần qua các năm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, xếp hạng khá khiêm tốn và chưa thực sự xứng tầm với tiềm năng vốn có của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành này vẫn được dự báo sẽ là một trong những mũi nhọn tiềm năng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi dự thảo Chiến lược định hướng thu hút vốn FDI vào nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến được trình Chính phủ phê duyệt trong quý I năm nay.

Phương Đông

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.