|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuỗi nhà hàng bị chỉ trích vì độc quyền thương hiệu 'Phở'

16:41 | 23/10/2024
Chia sẻ
Hiện Pho Restaurant đang sở hữu 45 chi nhánh trên khắp Anh quốc.

Chuỗi nhà hàng Pho Restaurant tại Anh vừa chính thức đệ đơn từ bỏ quyền sở hữu thương hiệu "pho" sau làn sóng phản đối dữ dội từ cộng đồng mạng, đặc biệt là cộng đồng người Việt. Đây là hồi kết cho câu chuyện gây tranh cãi kéo dài gần 20 năm về việc một doanh nghiệp không phải người Việt lại nắm độc quyền thương hiệu món ăn dân tộc Việt Nam tại Anh quốc, theo tờ Daily Mail.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2005, khi cặp vợ chồng người Anh Stephen và Juliette Wall, sau chuyến du lịch Việt Nam và "phải lòng" món phở, đã quyết định mở chuỗi nhà hàng mang tên Pho Restaurant. Với nền tảng marketing, họ đã nhanh chóng đăng ký độc quyền các thương hiệu "PHO", "Pho" và "pho" vào năm 2007 - thời điểm món ăn này còn khá xa lạ với người Anh.

 Chuỗ nhà hàng Anh đăng ký độc quyền thương hiệu "Pho". (Ảnh: Pho Restaurant).

Vấn đề nổi cộm đầu tiên xuất hiện từ năm 2013, khi Pho Holdings Ltd. - công ty sở hữu chuỗi nhà hàng này - gửi thông báo vi phạm thương hiệu đến nhà hàng Mo Pho Viet Cafe của người Việt tại London, buộc họ phải đổi tên.

Thời điểm đó, Mo Pho Viet Cafe đã phải đăng thông báo trên Facebook: "Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất là việc có thể đăng ký thương hiệu từ 'PHO', đặc biệt khi đây là món ăn dân tộc được sử dụng rộng rãi trong ngành kinh doanh nhà hàng/quán café Việt Nam."

Phía Pho Holdings Ltd. khi đó khẳng định rằng các doanh nghiệp khác vẫn có thể sử dụng từ "pho" trong thực đơn hoặc như một từ mô tả, nhưng "chỉ chúng tôi mới có thể điều hành nhà hàng dưới cái tên Pho (tại Anh)." Họ còn tuyên bố: "Chúng tôi đang tuân theo luật sở hữu trí tuệ để bảo vệ thương hiệu, điều này có nghĩa là chúng tôi phải yêu cầu tất cả các nhà hàng, dù lớn hay nhỏ, không được sử dụng thương hiệu Pho trong tên của họ."

Trước làn sóng phản đối, Pho Holdings Ltd. đã phải thay đổi lập trường, cho phép Mo Pho Viet Cafe và các doanh nghiệp Việt Nam khác được giữ nguyên tên. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục duy trì quyền sở hữu thương hiệu và gia hạn vào năm 2017.

Cuộc tranh cãi bùng phát trở lại vào đầu tháng 10/2024, khi một người sáng tạo nội dung gốc Việt tại London có tên Yen (@iamyenlikethemoney) đăng tải video trên TikTok, thu hút hơn 2,4 triệu lượt xem. Trong video, Yen bày tỏ sự phẫn nộ: "Là một người Việt Nam, mỗi lần đi ngang qua nhà hàng này, tôi đều tức điên vì không chỉ nhà hàng này do người ngoại quốc sở hữu... mà họ còn đăng ký độc quyền từ 'pho' tại Anh".

Cô so sánh việc này giống như đăng ký độc quyền các từ "fish and chips", "kebab" hay "sushi" - những món ăn quá phổ biến và mang tính văn hóa. Đối mặt với làn sóng chỉ trích và kêu gọi tẩy chay, Pho Restaurant đã phải đăng tải thông báo giải thích trên mạng xã hội:

"Chúng tôi muốn khẳng định rõ ràng - chúng tôi không bao giờ có ý định đăng ký độc quyền món ăn này. Giống như nhiều người trong số các bạn đã chia sẻ những bình luận sôi nổi về vấn đề này, chúng tôi tin rằng phở không thuộc về ai ngoài người dân Việt Nam."

Tuy nhiên, lời giải thích này vẫn không làm dịu được làn sóng phản đối. Nhiều người cho rằng đây là lời xin lỗi thiếu chân thành và tiếp tục kêu gọi tẩy chay, đồng thời khuyên mọi người nên ủng hộ các nhà hàng Việt Nam "chính gốc".

Cuối cùng, trước áp lực ngày càng tăng, Pho Restaurant đã phải nhượng bộ. Đại diện của họ thông báo với Femail: "Chúng tôi luôn yêu mến ẩm thực và văn hóa Việt Nam mà Pho được lấy cảm hứng từ đó, và chúng tôi đã lắng nghe các ý kiến trong tuần qua. Chúng tôi hiểu những lo ngại đã được nêu ra và hôm nay đã nộp đơn lên Văn phòng Sở hữu Trí tuệ để từ bỏ quyền đăng ký thương hiệu đối với việc sử dụng từ 'pho'."

Hiện Pho Restaurant đã phát triển từ một cửa hàng phục vụ khoảng 20 khách mỗi ngày trong năm đầu tiên thành chuỗi 45 chi nhánh trên khắp Anh quốc, bán hàng nghìn bát phở mỗi tuần. Năm 2021, quỹ đầu tư tư nhân TriSpan đã mua lại cổ phần chi phối của chuỗi nhà hàng này.

Đơn xin từ bỏ quyền sở hữu thương hiệu dự kiến sẽ được Văn phòng Sở hữu Trí tuệ xem xét trong những ngày tới. 

Thành Vũ

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.