|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sau Phở Thìn, các thương hiệu phở nổi tiếng tại Hà Nội đang thực sự nằm trong tay ai?

08:00 | 02/03/2023
Chia sẻ
Sau những lùm xùm gần đây của phở Thìn 13 Lò Đúc, nhiều người đặt câu hỏi những hàng phở nổi tiếng bậc nhất thủ đô đã có động thái bảo vệ thương hiệu của mình hay chưa?

Gần đây, dư luận đổ dồn sự quan tâm vào câu chuyện mâu thuẫn giữa ông Nguyễn Trọng Thìn - chủ hiệu phở Thìn 13 Lò Đúc và "truyền nhân nấu phở" Đoàn Hải Trung - Giám đốc điều hành công ty TNHH Phở Thìn 13 Lò Đúc. 

Mâu thuẫn bùng nổ sau khi ông Đoàn Hải Trung xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông với hình ảnh của một doanh nhân trẻ tuổi, tài năng, được gọi là "truyền nhân nấu phở" của ông Thìn,  với giấc mơ đưa thương hiệu phở Thìn 13 Lò Đúc vượt ngoài khuôn khổ quốc gia. 

Tham vọng của Đoàn Hải Trung lập tức bị dội một gáo nước lạnh sau tuyên bố của ông Nguyễn Trọng Thìn - chủ nhân của cửa hàng phở Thìn số 13 Lò Đúc, Hà Nội. Ông Thìn phủ nhận mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, tố Đoàn Hải Trung có âm mưu chiếm đoạt thương hiệu của mình, thành lập công ty nhưng không công bố hồ sơ với người sáng lập Phở Thìn 13 Lò Đúc. 

 Cảnh tượng khách xếp hàng ăn phở tại số 49 Bát Đàn, Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Nhà Đầu Tư).

Hiện tại, phía ông Nguyễn Trọng Thìn đã có động thái lập hồ sơ khởi kiện Đoàn Hải Trung. Tính đúng sai của vụ việc vẫn chưa được hé lộ, nhưng nếu động thái của ông Thìn là thật, rất có thể vụ lùm xùm này sẽ được giải quyết tại tòa. 

Theo thông tin lưu trữ tại Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, yêu cầu đăng ký sở hữu cho nhãn hiệu "phở Thìn 13 Lò Đúc" của ông Nguyễn Trọng Thìn hay ông Đoàn Hải Trung và hai đơn vị là công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội, Công ty hợp danh bảo tồn và phát triển thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc Hà Nội, đều đang trong trạng thái “đang giải quyết”.

Khi vụ lùm xùm nói trên nổ ra, dư luận cũng hướng sự tò mò về việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu của những hàng phở nổi danh nhất thủ đô. Liệu chủ nhân của những thương hiệu phở này có đang thực sự sở hữu "tên tuổi" của họ ở phương diện pháp lý?

Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm của các tổ chức, các nhân với nhau (Căn cứ Điều 4 LSHTT 2005 sửa đổi, bổ sung 2009).

Trong khi đó, thương hiệu là một dấu hiệu (có thể là hữu hình hoặc vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi cá nhân hay một tổ chức. (Theo định nghĩa của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO).

Nhãn hiệu là thuật ngữ pháp lý được sử dụng trong lĩnh vực pháp luật và là một đối tượng của SHTT. Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được xác lập khi chủ sở hữu làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu và được Cục SHTT cấp Văn bằng bảo hộ.

Về phần thương hiệu, đây là khái niệm có giá trị lâu bền, xuất hiện trong các hoạt động quảng bá. Song, xét trên phương diện pháp lý, thương hiệu không phải là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. 

Phở là một món ăn truyền thống của Việt Nam và gắn liền với cuộc sống thường nhật của người Việt. Món ăn này được cả nước dùng hằng ngày, nhưng sự nổi tiếng của phở lại bắt nguồn từ thủ đô Hà Nội - nơi sở hữu rất nhiều hàng phở danh tiếng.

Bên cạnh phở Thìn 13 Lò Đúc, Phở Thìn Bờ Hồ cũng là một cái tên nổi tiếng không kém. Nằm tại số 61, phố Đinh Tiên Hoàng, bên cạnh hồ Hoàn Kiếm, phở Thìn Bờ Hồ ra đời từ năm 1955, do ông Bùi Chí Thìn (1928-2001) làm chủ.

Cửa hàng này đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn cho dịch vụ nhà hàng ăn uống (nhóm 43) tại Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam từ năm 2003. Hiện tại, phở Thìn Bờ Hồ đã truyền đến đời thứ ba và người tiếp quản là cháu đích tôn của ông Bùi Chí Thìn - anh Bùi Chí Thành.

Cũng thuộc địa phận quận Hoàn Kiếm, Phở 10 Lý Quốc Sư cũng là một thương hiệu nổi tiếng trong lòng người dân thủ đô.

Tọa lạc tại số 10, phố Lý Quốc Sư, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, đây là cửa hàng phở do vợ chồng ông Phạm Ngọc Lân và bà Nghiêm Lan Anh làm chủ.

Quán phở ra đời từ năm 2005 nhưng mãi tới năm 2016, phở 10 Lý Quốc Sư mới được chấp nhận bằng sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu "1 phở 10 Lý Quốc Sư".

Ông Phạm Ngọc Lân, người chủ của tiệm phở 10 Lý Quốc Sư đã mất 5 năm để hoàn tất đăng ký cho nhãn hiệu phở này. Ngoài phở 10 Lý Quốc Sư, ông Lân cũng đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu Chả Cá Kinh Thành trong nhóm dịch vụ nhà hàng ăn uống (nhóm 43).

Hiện tại, phở Lý Quốc Sư có khá nhiều cửa hàng theo hình thức nhượng quyền thương hiệu trên khắp cả nước. Theo tìm hiểu của chúng tôi, công ty TNHH Thế Giới Đại Thành Công đang là đơn vị khai thác nhượng quyền thương hiệu "phở Lý Quốc Sư", không phải là "phở 10 Lý Quốc Sư" của ông Phạm Ngọc Lân. Chúng tôi đang liên hệ với đơn vị nhượng quyền để làm rõ mối liên quan giữa hai bên.

  Một thông báo của phở 10 Lý Quốc Sư vào năm 2019. (Ảnh: báo Kinh Tế và Đô Thị).

Ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chắc hẳn người thích ăn phở sẽ không thể bỏ qua hàng phở gia truyền hơn 100 năm tuổi - Phở Bát Đàn. Hàng phở này nằm tại số 49, phố Bát Đàn, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm.

Cái tên phở Bát Đàn nổi tiếng theo từng nằm tháng với người dân thủ đô. Hình ảnh người xếp hàng ăn phở là không hề hiếm ở tiệm phở này. Bên cạnh đó, câu chuyện giá phở Bát Đàn cũng được dân sành phở đem ra ví von với cơn bão giá trong nhiều giai đoạn.

Theo tìm hiểu, có hai đơn vị là Công ty TNHH thương mại dịch vụ giải trí Hà Trần Group và CTCP đầu tư Bảo Gia Long GROUP, đã cố thực hiện đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu phở Bát Đàn nhưng bị từ chối.

Thùy Trang

[LIVE] ĐHĐCĐ Vietcombank: Dư nợ cho CBBank vay 10.000 tỷ năm 2022 đã giảm về 1.000 tỷ vào cuối quý I
Ngân hàng dự kiến sẽ trình phương án tiếp tục dùng lợi nhuận của năm 2023 để chia cổ tức. Tuy nhiên, việc chia cổ tức theo hình thức nào (cổ phiếu hay tiền mặt) cần sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.