Chuỗi cung ứng smartphone: Huawei và Apple dùng bao nhiêu đồ của Mỹ, Hàn, Nhật, … cho 'con cưng' của mình?
Giờ đây khi cuộc chiến thương mại leo thang, chuỗi cung ứng smartphone của cả Apple, Huawei... cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Huawei khổ vì bị Mỹ cấm vận
Tập đoàn viễn thông Huawei Technologies của Trung Quốc sẽ phải tìm những nhà cung ứng mới cho khoảng 15 bộ phận giá trị cao trong chiếc điện thoại chủ lực P30 Pro của mình vì chính quyền Washington đã cấm các doanh nghiệp Mỹ làm ăn với Huawei.
Mổ xẻ một chiếc P30 Pro – dòng điện thoại mà Huawei ra mắt mới đây nhất – cho thấy linh kiện của Mỹ chỉ chiếm 1% về số lượng nhưng góp tới 16% về giá thành. Nikkei Asian Review dẫn số liệu của tổ chức nghiên cứu Fomalhaut Techno Solutions tại Tokyo cho thấy, khoảng 62% giá trị linh kiện của chiếc Huawei P30 Pro là đến từ bên ngoài Trung Quốc.
Các linh kiện của Mỹ bao gồm từ các bộ phận viễn thông bán dẫn từ Qorvo (nhà sản xuất chip ở Bắc Carolina) đến miếng dán màn hình của Corning (công ty vật liệu công nghệ ở New York).
Một chiếc Huawei P30 Pro sử dụng 80 linh kiện Trung Quốc có giá thành 138,61 USD, chiếm 4,9% về số lượng và 38,1% về giá thành (Nguồn: Nikkei, Fomalhaut Techno Solutions. Lưu ý, giá thành sản xuất khác với giá bán ra trên thị trường):
Tổng chi phí: 363,8 USD | Tổng số bộ phận: 1.631 | |
Mỹ | 59,36 USD | 15 |
16,3% | 0,9% | |
Trung Quốc | 138,61 USD | 80 |
38,1% | 4,9% | |
Nhật Bản | 83,71 USD | 869 |
23,0% | 53,2% | |
Hàn Quốc | 28 USD | 562 |
7,7% | 34,4% | |
Đài Loan | 28,85 USD | 83 |
7,9% | 5,0% |
Mới chỉ vài tháng trước đây, Huawei còn đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới trong năm 2020. Tuy nhiên trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang và chính quyền Tổng thống Trump đưa Huawei vào danh sách cấm làm ăn với doanh nghiệp Mỹ kể từ ngày 17/5, đại gia viễn thông Trung Quốc này đã phải từ bỏ tham vọng của mình.
Tình hình căng thẳng đã khiến cho Huawei không thể tiếp cận được những linh kiện và phần mềm mới nhất của Mỹ cho sản phẩm smartphone như hệ điều hành Android của Google hay ứng dụng cài sẵn của Facebook.
Thậm chí trong tháng 6 này, Huawei còn phải cắt giảm 30 tỉ USD trong dự báo doanh thu hai năm tới, khiến mục tiêu năm 2020 chỉ còn 100 tỉ USD. Nhà sáng lập và CEO của Huawei Nhậm Chính Phi cũng phải thừa nhận rằng các lệnh cấm mà chính quyền Mỹ áp đặt lên Huawei và các đối tác đã khiến tập đoàn này thiệt hại nặng.
Trong khi đó, Tổng thống Trump còn đe dọa sẽ áp thêm một vòng thuế quan nữa lên hàng hóa Trung Quốc làm dấy lên lo ngại rằng chuỗi cung ứng smartphone toàn cầu có thể bị phá vỡ.
Một chiếc smartphone như P30 Pro là sản phẩm của quá trình tích hợp ngang trải dài trên khắp thế giới với các doanh nghiệp từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, … nương tựa vào nhau. Lệnh cấm của Mỹ đã buộc không chỉ Huawei mà cả các tay chơi khác trong mạng lưới phức tạp này phải xem xét lại chiến lược kinh doanh của mình.
Apple cũng gặp khó
Chẳng hạn, Apple cũng sẽ gặp khó như Huawei nếu thuế quan mới được áp dụng.
iPhone XS Max, dòng smartphone đắt đỏ nhất của Apple hiện nay, đang dựa vào các doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp số linh kiện chiếm chưa tới 1% giá thành. Tuy nhiên vì sản phẩm của Apple được lắp ráp tại Trung Quốc nên nếu Mỹ tiếp tục tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc như đe dọa, giá một chiếc iPhone XS Max có thể tăng lên thành 1.160 USD/chiếc so với mức 999 USD hiện nay, theo ước tính của Morgan Stanley.
Giá thành linh kiện của Huawei P30 Pro và Apple iPhone XS Max phân theo nguồn gốc xuất xứ. Nguồn: Nikkei, Fomalhaut Techno Solutions.
Năm 2018, Apple thuê 41 công ty ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong để lắp ráp iPhone hoặc cung cấp nguyên vật liệu, số công ty này chỉ đứng sau Đài Loan.
Tính theo giá thành, khoảng 70% linh kiện của một chiếc iPhone được sản xuất bởi các công ty bên ngoài nước Mỹ, theo tính toán của Fomalhaut Techno Solutions
Tuy nhiên trước nguy cơ bị Mỹ áp thuế suất 25%, Apple cần phải tìm các nhà lắp ráp mới hoặc duy trì các đối tác hiện nay và học cách sống chung với thuế quan.
Theo Nikkei Asian Review, Apple đã đề nghị các nhà cung cấp lớn nhất của mình đánh giá chi phí của phương án chuyển từ 15% đến 30% năng lực sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á – một phần trong kế hoạch tái cấu trúc chuỗi cung ứng của "táo khuyết".
Trong khi Washington liên tục dọa đánh thuế thì Bắc Kinh cũng không ngồi im. Trung Quốc mới đây đã tiết lộ kế hoạch hạn chế xuất khẩu các kim loại đất hiếm – nguyên liệu đầu vào không thể thiếu trong hoạt động sản xuất pin điện thoại, xe điện, và hàng loạt hàng tiêu dùng cũng như khí tài quân sự.
Nếu kế hoạch này được thực thi, tác động sẽ lan rộng ra vô vàn doanh nghiệp Mỹ.
Chuỗi cung ứng smartphone vốn dĩ đã chịu nhiều áp lực do doanh số suy giảm. Theo hãng nghiên cứu IDC của Mỹ, doanh số bán smartphone đã liên tục suy giảm từ năm 2016, xuống còn khoảng 1,4 tỉ chiếc trong năm 2018.
Giờ đây khi hai siêu cường kinh tế Mỹ và Trung Quốc liên tiếp ra các đòn đánh thương mại nhằm vào đối phương, các đại gia trong ngành smartphone lại bị buộc phải thay đổi địa điểm sản xuất và xem xét lại quyết định nên thuê ngoài hay tự làm lấy.