[Chuỗi cung ứng của Apple] Số lượng nhà cung cấp tại Trung Quốc lần đầu 'soán ngôi' Mỹ
Lần đầu tiên, số lượng nhà cung cấp của Apple tại Trung Quốc vượt qua Đài Loan và Nhật Bản.
Nhà cung cấp Trung Quốc "vượt mặt" Mỹ
Các nhà cung cấp tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong đã trở thành nguồn cung cấp linh kiện lớn thứ hai của nhà sản xuất iPhone, chỉ đứng sau các công ty linh kiện có trụ sở tại Đài Loan, theo phân tích về danh sách 200 nhà cung cấp hàng đầu mới nhất của Apple do Nikkei thực hiện.
Sự gia tăng nhanh chóng của các công ty Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của Apple làm nổi bật những tiến bộ công nghệ vượt trội của nước này trong vài năm qua, bởi Apple luôn đòi hỏi chất lượng linh kiện đẳng cấp thế giới đối với các sản phẩm của công ty, từ iPhone và Macbook đến Apple Watch và AirPod. Các nhà phân tích đang bị chia rẽ bởi hai luồng quan điểm: liệu cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cuối cùng sẽ làm chậm lại hay đảo ngược hướng xu hướng này.
Các nhà cung cấp Trung Quốc, bao gồm cả các công ty có trụ sở tại Hong Kong vì tất cả cơ sở sản xuất của họ đều nằm ở đại lục, chiếm 41 trong số 200 nhà cung cấp của Apple, tương đương 20%. Trong cùng kì, số lượng các nhà cung cấp tại Trung Quốc đại lục đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2012, trong khi đó, các đối thủ tại Mỹ lại giảm hơn 32% xuống 37 nhà cung cấp.
Trung Quốc lần đầu vượt Mỹ về số lượng nhà cung cấp linh kiện. (Nguồn: Phân tích của Nikkei Asian Review về danh sách nhà cung cấp của Apple)
Đài Loan và Nhật Bản có lần lượt 46 và 38 nhà cung cấp, theo phân tích của Nikkei.
Apple phụ thuộc Trung Quốc nhưng vẫn kịp mở rộng sang Ấn Độ, Đông Nam Á?
Tổng số địa điểm sản xuất của Apple tại Trung Quốc đại lục đã tăng 26 địa điểm lên 380, chiếm gần 50% tổng số địa điểm tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple. Một số nhà cung cấp không có trụ sở tại Trung Quốc vẫn vận hành nhà máy của họ tại đây.
200 nhà cung cấp này đại diện cho 98% chi phí mua sắm vật liệu, sản xuất và lắp ráp trong năm tài khóa của Apple và danh sách thường niên này được coi là chỉ số đánh giá sự phụ thuộc của Apple vào các nhà cung cấp trên toàn thế giới. Danh sách cho năm tài khóa 2018, được công bố vào ngày 7/3, cho thấy Apple không chỉ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc mà còn cho thấy rằng nhà sản xuất iPhone đang nỗ lực bành trướng chuỗi cung ứng sang Ấn Độ và Đông Nam Á, nơi họ bị tụt lại phía sau so với đối thủ Samsung.
Cho đến nay, căng thẳng thương mại leo thang giữa Washington và Bắc Kinh vẫn không thể ngăn Apple tăng cường sản xuất tại Trung Quốc, cơ sở sản xuất quan trọng nhất của họ.
Bên cạnh việc tăng số lượng nhà cung cấp, số lượng địa điểm sản xuất và lắp ráp của Apple trong năm 2018 cũng đạt 380 địa điểm, tăng 7% so với năm 2017 và 14% so với năm 2012. Những địa điểm này bao gồm các cơ sở do Trung Quốc và nước ngoài điều hành.
"Các nhà cung cấp Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng và trở thành đối thủ đáng gờm của các công ty Đài Loan và Nhật Bản, bởi họ có cơ hội học hỏi từ các nhà đầu tư nước ngoài này và thậm chí mua lại các cơ sở từ họ để nhanh chóng xây dựng danh mục bằng sáng chế và năng lực sản xuất của mình", bà Chiu Shih-fang, một nhà phân tích về điện thoại thông minh và chuỗi cung ứng tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, cho hay.
"Những nhà đầu tư nước ngoài này cũng giúp Trung Quốc đào tạo nhiều kĩ thuật viên, kĩ sư và nhân viên dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp để giúp họ phát triển công nghệ nhanh chóng", bà Chiu nói.
Một số nhà cung ứng nổi bật của Apple tại Trung Quốc
Sự phát triển nhanh chóng của Luxshare Precision Industry, hay Luxshare-ICT, là một ví dụ nổi bật nhất. Luxshare, công ty gia nhập vào chuỗi cung ứng của Apple với tư cách nhà cung cấp dây cáp kết nối vào năm 2012, đã trở thành nhà lắp ráp AirPod quan trọng vào cuối năm 2017, chấm dứt sự thống trị kéo dài hàng thập kỉ của các nhà sản xuất Đài Loan với tư cách nhà lắp ráp đầu cuối cho các sản phẩm của Apple.
So với một địa điểm sản xuất duy nhất trong năm 2012, Luxshare đã vận hành đến 8 cơ sở sản xuất cho Apple vào năm 2018. Tập đoàn Trung Quốc này là một đối thủ đang lên, khó có thể bị xem thường bởi các nhà lắp ráp iPhone như Foxconn và Pegatron hay các nhà sản xuất Apple Watch như Quanta Computer và Compal Electronics, hai giám đốc điều hành chuỗi cung ứng của Apple nói với tờ Nikkei Asian Review.
"Chúng tôi đã theo dõi Luxshare trong một khoảng thời gian", một trong hai giám đốc điều hành trên cho hay. "Tốc độ mở rộng của công ty này sẽ không chậm lại. Luxshare sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với tất cả nhà sản xuất theo hợp đồng lớn của Đài Loan".
O-film Technology của Trung Quốc cũng là một ngôi sao đang lên khác sau khi gia nhập danh sách nhà cung cấp của Apple vào năm 2017. Các mô-đun máy ảnh và bảng điều khiển cảm ứng của công ty này đã gây ra mối đe dọa cho Sharp, LG Innotek và TPK. O-film đã mua một cơ sở sản xuất tại Trung Quốc từ Sony vào năm 2016 để nhanh chóng đạt được năng lực sản xuất, sở hữu trí tuệ và bí quyết sản xuất từ Apple.
Tương tự, sự tham gia của nhà sản xuất màn hình được nhà nước Trung Quốc hỗ trợ, BOE Technology Group, trong cùng năm với O-film cũng đang gây sức ép lên các nhà cung cấp màn hình LCD, gồm LG Display và Japan Display.
Công ty ít danh tiếng Lingyi iTech của Trung Quốc cũng đã xuất hiện trong danh sách các nhà cung cấp hàng đầu của Apple vào năm 2018. Công ty này đang hoàn tất việc mua lại Salcomp, một công ty Phần Lan từng cung cấp bộ sạc và bộ chuyển đổi cho Apple trong một thời gian dài.
Chưa rõ Lingyi iTech cung cấp gì cho Apple, tuy nhiên, công ty này tự mô tả mình là nhà sản xuất vật liệu từ tính, bộ gia công chính xác, dây điện và cáp. Bên cạnh đó, Lingyi iTech sở hữu đến 15 cơ sở sản xuất chuyên cung cấp linh kiện cho Apple tại Trung Quốc.