Apple mắc kẹt ở Trung Quốc [Phần 1]: Bỏ hết trứng vào một giỏ
Quyết định của Tim Cook đã cắt giảm chi phí đáng kể và cung cấp cho Apple nguồn lực cần thiết để phát triển các sản phẩm bom tấn tiếp theo, iPod và iPhone. Quyết định này còn tạo ra lợi thế về cơ sở sản xuất có khả năng huy động hàng trăm nghìn công nhân chỉ bằng một cuộc điện thoại.
Tuy nhiên, chỉ sau 8 năm Tim Cook nhậm chức CEO, chiến lược trên đang bị đặt dấu chấm hỏi.
CEO Apple, Tim Cook (Nguồn: AP) |
Nó không chỉ khiến Apple gặp nguy hiểm trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang mà chuỗi cung ứng phức tạp Apple xây dựng tại Trung Quốc hơn 20 năm qua còn tạo ra một trong những đối thủ sừng sỏ nhất của "táo khuyết": Huawei.
Trong tuần này, một nguồn tin tiết lộ rằng Huawei thiếu chút nữa đã vượt Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới năm 2018, và hãng này đang phát triển mạnh mẽ bất chấp ngành công nghiệp điện thoại thông minh chững lại với nhịp độ chưa từng thấy.
Tuy nhiên, thất bại trong việc đa dạng hóa sản xuất ra khỏi Trung Quốc của Apple đã buộc chặt hãng này vào một quốc gia nơi mức lương đang tăng lên, tăng trưởng đang chậm lại và Huawei lại có lợi thế.
“Hệ sinh thái chuỗi cung ứng khổng lồ và hoàn thiện ở Trung Quốc là chìa khóa thành công của nhà sản xuất iPhone, nhưng nó đồng thời tạo ra một cơ chế khổng lồ khiến Apple khó lòng rời đi đâu khác”, ông Jeff Pu, nhà phân tích kì cựu tại sàn chứng khoán GF có trụ sở tại Hồng Kông, cho hay.
Apple không đơn độc trong hành trình đổ xô vào Trung Quốc. Tuy nhiên, những hãng khác, như Samsung, lại sớm nhận ra những rủi ro của việc tập trung tất cả các khâu sản xuất trong cùng một quốc gia. Samsung, mở rộng sang Trung Quốc vào những năm 1990, đã bắt đầu xây dựng một cơ sở sản xuất khá lớn tại Việt Nam từ năm 2008.
Ông Pu cho rằng ông Cook “đã chọn tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng thay vì cố gắng lường trước những rủi ro tiềm ẩn”.
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2011, Cook đã chủ trương tiến sâu hơn vào Trung Quốc, theo phân tích của Nikkei Asian Review. Đồng thời, đã có một sự thay đổi lớn trong hoạt động sản xuất của Apple ngoài thị trường quê nhà.
Apple cho biết 200 nhà cung cấp hàng đầu của họ chiếm 98% tổng chi tiêu thu mua. Trong năm 2017, năm gần đây nhất mà chúng ta có số liệu, khoảng 75% các nhà cung ứng này có ít nhất một nhà máy sản xuất cho Apple tại Trung Quốc, trong khi 22% có từ ba nhà máy trở lên.
Tổng cộng, các nhà cung cấp của Apple hiện có 365 cơ sở tại Trung Quóc chuyên sản xuất các bộ phận hoặc lắp ráp sản phẩm, nghiên cứu của Nikkei Asian Review chỉ ra. Mức này cao hơn 7% so với năm 2012.
Trong khi đó, số lượng các cơ sở tại Mỹ được vận hành bởi các nhà cung cấp lớn nhất của Apple đã giảm 31% xuống chỉ còn 57 nhà máy trong giai đoạn 2012 – 2017. Chỉ có 6 nhà cung ứng hoạt động trên ba địa điểm khác nhau khắp nước Mỹ. Apple khẳng định họ vẫn đóng góp lớn cho nền kinh tế Mỹ khi năm ngoái hãng đầu tư 60 tỉ USD cho hơn 9.000 nhà cung cấp linh kiện của Mỹ.
Trong những tháng tới, Apple sẽ công bố danh sách nhà cung cấp mới nhất cho năm 2018. Điều này khó có thể cho thấy một bước dịch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, mặc cho căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh trong nửa cuối năm 2018, theo các lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành.
Nguồn: Nikkei. |
Có một số bằng chứng cho thấy Apple và các nhà cung cấp lần đầu tiên trong nhiều thập kỉ đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về đa dạng hóa khâu sản xuất. Phân tích của Nikkei chỉ ra một sự gia tăng số lượng các cơ sở cung ứng tại Ấn Độ và Việt Nam của Apple. Tuy nhiên, đây chỉ là một tỉ lệ nhỏ.
Trong khi đó, các nhà lắp ráp iPhone lớn gồm Foxconn (được biết đến với tên chính thức là Hon Hai Precision Industry) và Pegatron đang báo hiệu kế hoạch đa dạng hóa sản xuất ngoài Trung Quốc. Nhưng cho đến nay, các qui trình và hậu cần phức tạp mà Apple yêu cầu, và đặc biệt là iPhone, đang khiến quá trình chuyển đổi diễn ra khó khăn.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng chuyển đổi chuỗi cung ứng phức tạp của Apple kịp thời nhằm giảm thiểu tình trạng suy thoái hiện nay hay hạn chế tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ là một “nhiệm vụ bất khả thi”. Doanh số của Apple đã giảm mạnh ở Trung Quốc do người tiêu dùng phản đối hành động cấm vận của Mỹ đối với "niềm tự hào dân tộc của Trung Quốc" Huawei.
“Các nhà cung cấp không thể rời khỏi Trung Quốc chỉ trong một đêm. Có thể mất ít nhất 10 năm và chúng tôi có thể sẽ không hoàn thành được việc chuyển đổi này”, CEO của Pegatron Liao cho biết gần đây.
Khó khăn nằm ở sự phức tạp trong khâu sản xuất iPhone, phần lớn được xử lí bằng tay, cũng như trong hệ sinh thái các linh kiện, hậu cần và nhân sự đã được xây dựng trong và xung quanh những địa điểm sản xuất của Apple.
Ngoài ra còn có hệ thống hỗ trợ nhiệt tình từ chính phủ Trung Quốc đối với các công ty làm việc cho Apple nhằm giữ chi phí cung ứng thấp và tỉ suất lợi nhuận cao.
Một cuộc điều tra của tờ New York Times năm 2016 đã nêu chi tiết những lợi ích mà chính quyền thành phố Trịnh Châu mang lại cho Foxconn vào năm 2010 tại nhà máy iPhone mới của họ. Ngày nay, nhà máy rộng lớn này đã sản xuất khoảng một nửa số iPhone trên toàn thế giới. Những lợi ích này bao gồm chi phí đào tạo và nhà ở cho công nhân, chi phí năng lượng rẻ và miễn giảm thuế.
Giám đốc tài chính của Pegatron, Charles Lin, cho biết công ty của ông đã không thể tìm thấy bất kì quốc gia nào để thay thế hoàn toàn Trung Quốc, mặc dù họ đang nỗ lực để da dạng hóa sản xuất.
Xem thêm |