|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Apple mắc kẹt ở Trung Quốc [Phần 2]: Nuôi ong tay áo

14:34 | 04/02/2019
Chia sẻ
Việc Apple tập trung phát triển chuỗi cung ứng hoàn thiện tại Trung Quốc đã giúp cho hàng loạt đối thủ cạnh tranh sừng sỏ của hãng này như Huawei, Oppo, Vivo phát triển nhanh chóng.
apple mac ket o trung quoc phan 2 nuoi ong tay ao Apple mắc kẹt ở Trung Quốc [Phần 1]: Bỏ hết trứng vào một giỏ

Vấn đề nan giải của Apple chính là các tiêu chuẩn cao của họ đã tạo ra một chuỗi cung ứng cạnh có tính tranh độc đáo mà phải mất nhiều năm mới nhân rộng được.

“Apple là khách hàng khó tính... Rất nhiều [nhà cung cấp] đã vật lộn để đạt được năng suất có thể chấp nhận được và có hiệu quả kinh tế, và rất nhiều công ty đã tiêu tốn vô số tiền đầu tư cho quá trình này...Điều này buộc các nhà cung cấp phải phát triển khả năng một cách phi thường”, ông Willy Shih, giáo sư chuyên ngành quản lí tại Trường Kinh doanh Harvard, trả lời tờ Nikkei.

Tuy nhiên, những khả năng đó, vốn được nuôi dưỡng bởi Apple và thúc đẩy bởi doanh số iPhone tăng nhanh trong thập kỉ qua, không chỉ dành riêng cho hãng này.

Apple còn giúp thúc đẩy sự phát triển của các công ty công nghệ tại Trung Quốc, và đặc biệt, đối thủ cạnh tranh mạnh nhất, Huawei.

Năm 2012, Huawei chỉ chiếm 4% thị trường điện thoại thông minh toàn cầu. Năm 2018, con số này đã tăng lên 14,7%, trong khi cùng kì, Apple lại chứng kiến thị phần của hãng giảm từ 25,1% xuống 14,9%.

Nếu không thể tiếp cận vào hệ sinh thái của các nhà sản xuất linh kiện, công ty hậu cần và thỏa thuận hải quan thuận lợi giúp các nhà máy của Apple tại Trung Quốc phát triển, Huawei đã có thể phải vật lộn mới đạt được tăng trưởng nhanh chóng đến vậy, những người trong ngành cho hay.

apple mac ket o trung quoc phan 2 nuoi ong tay ao
Ảnh minh họa

Hiện nay, việc đầu tư không ngừng vào đổi mới và điện thoại thông minh giá rẻ của Apple có thể làm suy yếu mô hình kinh doanh cao cấp mà thành công của hãng này phụ thuộc vào.

“Apple đã giúp phát triển cơ sở cung ứng tại Trung Quốc cho Huawei, Oppo, Vivo, Xiaomi. Nếu Apple đa dạng hóa hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc từ trước đó, có lẽ các đối thủ này đã không "được nhờ" nhiều đến thế”, ông Shih nói.

Apple không chỉ sinh ra một loạt các đối thủ mạnh tại Trung Quốc, thành công của hãng còn giúp Trung Quốc nâng cấp các ngành công nghệ của nước này.

apple mac ket o trung quoc phan 2 nuoi ong tay ao
Ảnh minh họa

Nghiên cứu của Nikkei cho thấy Mỹ vẫn kiểm soát các chất bán dẫn tiên tiến và vật liệu quan trọng được sử dụng trong thiết bị của Apple. Nhưng các nhà máy Trung Quốc lại cung cấp hầu hết mọi thứ khác, như màn hình, vỏ kim loại, linh kiện âm thanh và pin. Trong những lĩnh vực này, các công ty Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp đối thủ toàn cầu.

Apple, bắt đầu tìm kiếm nguồn cung ứng tại Trung Quốc từ các công ty nước ngoài, đang ngày càng gia tăng số lượng các nhà cung cấp Trung Quốc. Từ năm 2012 đến 2017, số lượng đối tác Trung Quốc của Apple đã tăng từ 10 lên 27.

Rất nhiều trong số những đối tác Trung Quốc này cũng đang cung cấp linh kiện cho các đối thủ sừng sỏ khác của Apple.

Một vài công ty hợp tác với cả Apple và đối tác của hãng gồm Luxshare-ICT, nhà cung cấp bộ nối và lắp ráp iPod có trụ sở tại Thâm Quyến; Shenzhen Yuto Packaging Technology, một nhà cung cấp dịch vụ đóng gói và in ấn quan trọng; nhà sản xuất màn hình BOE Technology Group; và nhà cung cấp bảng điều khiển cảm ứng và mô-đun máy ảnh O-film Technology.

Tất cả công ty trên đã phát triển theo cấp số nhân kể từ khi gia nhập vòng tròn nhà cung cấp của Apple, nhờ vào lượng đơn đặt hàng trong thập kỉ qua của hãng công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, họ cũng đã tận dụng uy tín khi cung cấp linh kiện cho Apple để cung cấp sản phẩm cho Huawei và Xiaomi của Trung Quốc. Hiện tại, họ là đối thủ cạnh tranh với những “đàn anh” trên thị trường như LG, Japan Display và TPK Holding.

Cook đã nhiều lần khẳng định rằng Apple hoạt động ở Trung Quốc không phải vì lí do chi phí. Hãng này đang tiếp cận một nhóm các nhà sản xuất và nhân công sâu rộng hơn. “Ở Mỹ, bạn có thể họp mặt với các kĩ sư lắp ráp và tôi không chắc chúng ta có thể lấp đầy căn phòng”, Cook từng nói. “Ở Trung Quốc, số kĩ sư có thể ngồi chật kín nhiều sân bóng khác nhau”.

Quyết định tìm kiếm đối tác tại Trung Quốc của Cook đã mang lại cho Apple sự linh hoạt, tiết kiệm chi phí và khả năng sản xuất mà ông cần để chế tạo cỗ máy kiếm tiền không ai bì kịp trong 10 năm qua. Trong năm tài khóa 2018, Apple đã đạt được doanh thu kỉ lục 265,59 tỉ USD, trong đó, gần 20% đến từ Trung Quốc. Cook đã đến Trung Quốc 14 lần kể từ khi trở thành CEO, thể hiện tầm quan trọng của thị trường này Apple.

Tuy nhiên, khi ngành công nghiệp điện thoại thông minh đến mức bão hòa, câu hỏi về chi phí và giá cả sẽ càng trở nên cấp bách hơn. Sự thay đổi đó sẽ gây khó dễ cho Apple và các nhà cung cấp châu Á của công ty trong việc duy trì mức lợi nhuận tương đương, ông Sean Kao, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu IDC, cho hay.

Apple đã không bình luận gì về những chỉ trích liên quan đến chiến lược tìm nguồn cung ứng của hãng. Tuy nhiên, một hướng tiếp cận mới rõ ràng là điều cần thiết, các chuyên gia trong ngành điện thoại thông minh chia sẻ. Apple sẽ phải giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, vốn ngày càng tốn kém và rủi ro.

Hầu hết nhà cung cấp hàng đầu của Apple đang thảo luận với hãng này về cách giảm thiểu rủi ro khi ở lại Trung Quốc, các nguồn tin trong ngành nói. Tuy nhiên, chưa đối tác nào tìm ra cách di chuyển chuỗi cung ứng phức tạp của gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

“Chuỗi cung ứng điện thoại thông minh này là chuỗi cung ứng phức tạp nhất thế giới...và thật sự rất khó để di dời nó đến bất kì đâu bởi nó đã bám rễ quá sâu vào Trung Quốc”, ông Kao nói.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi Trung Quốc vẫn cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, mạng lưới nhà cung cấp và tính linh hoạt lao động tốt nhất cho Apple, các nhà điều hành trong ngành cho biết.

“Khi bạn kiếm được rất nhiều tiền và công thức này hoạt động rất hiệu quả đối với Apple trong nhiều năm qua, thật khó để thay đổi”, Giáo sư Shih của Trường Kinh Doanh Harvard nói.

apple mac ket o trung quoc phan 2 nuoi ong tay ao
apple mac ket o trung quoc phan 2 nuoi ong tay ao
Dòng thời gian những hoạt động sản xuất tiêu biểu của Apple trong hơn một thập kỉ qua.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Trần Nam Thi