Chứng khoán Việt Nam thường tích cực tháng cuối năm, liệu xu hướng lặp lại nhờ hiệu ứng chốt NAV hay mức định giá thấp?
Thị trường bước sang tháng cuối năm nay sau khi trải qua tháng 11 đầy sóng gió. Trong tháng trước, VN-Index liên tục rơi khỏi các mốc 1.000 điểm, 900 điểm, xuống điểm thấp nhất 873,78 điểm trong phiên giao dịch ngày 16/11.
Đà lao dốc của chỉ số cộng hưởng lực bán giải chấp khiến thị trường chứng kiến hàng trăm mã giảm sàn mỗi phiên. Điều này tác động tiêu cực lên tâm lý của nhà đầu tư. Trong cơn bĩ cực của đám đông, giới phân tích cũng khó có thể dự đoán được vùng đáy của chỉ số cho đến khi VN-Index đảo chiều.
Lực cầu từ khối ngoại, tổ chức trong nước giúp thị trường hồi phục mạnh. Đóng cửa tháng 11, VN-Index ở 1.048,42 điểm, tăng 1,99% so với cuối tháng 10, chấm dứt hai tháng đỏ lửa của thị trường. So với thời điểm đầu năm nay, chỉ số thị trường sàn HOSE giảm hơn 30%.
Quán tính hồi phục của thị trường được kỳ vọng tiếp diễn trong tháng 12 khi giá cổ phiếu bị đẩy về mức nền giá thấp so với thời điểm đầu năm. Thống kê cho thấy giá nhiều mã tăng trên 50% kể từ vùng đáy, thậm chí có những mã tăng gấp đôi, gấp ba nhưng vẫn còn cách khá xa so với vùng đỉnh thiết lập trong quý I.
Đó là về xu hướng vận động hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam. Còn theo thống kê VN-Index trong 12 năm (2010 – 2021), số năm tăng điểm ngang bằng với số năm giảm điểm. Hiệu suất bình quân tháng 12 của VN-Index dương, đạt 1,31%.
Hai năm gần đây VN-Index đều tăng điểm vào tháng 12. Riêng năm 2020, chỉ số tăng đến 10,05%, cao nhất trong 12 năm. Năm ngoái mức tăng là 1,34%. Khi thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh năm 2012, chỉ số cũng tăng điểm 9,09% sau khi giảm sâu 7,65% cùng kỳ năm liền trước.
Với VN30, xác suất nghiêng về kịch bản giảm điểm với 7/12 năm. Hiệu suất bình quân tháng 12 của chỉ số giai đoạn 2010 – 2021 là 1,69%. Hai năm gần đây VN30-Index giảm 0,12% năm 2021 và tăng 10,86% năm 2020. Trước đó (2018 – 2019), VN30 đều đóng cửa cây nến tháng 12 trong sắc đỏ.
Khác với hai chỉ số trên, chỉ số sàn HNX nghiêng về kịch bản tăng điểm với 7/12 năm tăng vào tháng 12 trong giai đoạn 2010 – 2021 với hiệu suất bình quân lên tới 4,52%. Ba năm gần đây chỉ số đóng cửa tháng 12 cao hơn so với tháng trước đó.
HNX-Index tăng mạnh nhất 37,52% trong năm 2020, gấp hơn 3 lần mức tăng 11,85% ghi nhận trong tháng cuối năm 2021. Năm 2014, mức giảm cao nhất của chỉ số là 5,08%.
Quan sát các năm khác trong giai đoạn 12 năm cho thấy mức biến động của HNX-Index thường không lớn vào tháng cuối năm khi tỷ lệ tăng/giảm nằm trong ngưỡng 1% (2015, 2016, 2018, 2019).
Với thị trường UPCoM, hiệu suất bình quân tháng 12 giai đoạn 2010 – 2021 đạt 0,84% với 8/12 năm tăng điểm. Mức tăng lớn nhất của chỉ số là 10,24% vào tháng 12/2010 và giảm 14,35% trong tháng 12/2014.
Năm ngoái UPCoM-Index giảm 2,19% vào tháng 12, chấm dứt chuỗi tăng điểm trong 4 năm liên tiếp. Năm 2020 chỉ số tăng 9,91% sau 3 năm tăng điểm nhẹ với tỷ lệ dưới 1% giai đoạn 2017 – 2019. Trong giai đoạn 2010 – 2013, chỉ số liên tục tăng điểm trong tháng 12 với tỷ lệ trên ngưỡng 1%.
Đó là những thống kê về thị trường chứng khoán Việt Nam những năm qua. Thống kê đang nghiêng về kịch bản thị trường diễn biến tích cực tháng cuối năm. Ngoài xu hướng hồi phục nhanh tiếp diễn kể từ nửa cuối tháng 11 như nêu đầu bài viết, còn nhiều giả thiết khác được giới đầu tư đưa ra kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam khởi sắc trong tháng 12 năm nay.
Thứ nhất, giới đầu tư kỳ vọng “hiệu ứng chốt NAV” từ những “cá mập” trên thị trường. Các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, khối tự doanh công ty chứng khoán sẽ giải ngân mua vào cổ phiếu nhằm mục đích đỡ giá và “làm đẹp” báo cáo đầu tư với những khách hàng/cổ đông của họ. Động thái mua ròng từ nhóm này nửa cuối tháng 11 phản ánh rõ xu hướng trên.
Thứ hai, nhiều cổ phiếu được sử dụng làm tài sản đảm bảo để phát hành trái phiếu. Mức độ ổn định giá trong tháng cuối năm sẽ cao hơn nhằm tránh khả năng tổ chức phát hành phải bổ sung tài sản đảm bảo là các cổ phần, bất động sản như giai đoạn vừa qua.
Cuối cùng, thị trường chứng khoán Việt Nam sau giai đoạn giảm sâu đã đẩy về mức nền thấp cả về thị giá của nhiều bluechip và định giá chung của thị trường. Điều này tạo sự hấp dẫn dòng tiền từ những nhà đầu tư tổ chức. Hiệu ứng mua kỳ vọng lan tỏa sang số đông của thị trường là những nhà đâu tư cá nhân.