Chứng khoán Việt Nam được nâng hạng sẽ hút vốn được khoảng 25 tỷ USD
Tính đến ngày 12/4, chỉ số VN-Index đạt 1.276,6 điểm, tăng 13% so với cuối năm 2023. Vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt 6,8 triệu tỷ đồng, tăng 13,8% so với cuối năm 2023, tương đương với 66,1% GDP ước tính của năm 2023.
Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 6,66 triệu tỷ đồng, tăng 12,2% so với cuối năm 2023, mức tăng trưởng khả quan, giúp niềm tin nhà đầu tư được củng cố. Hiện, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã đạt được 7/9 tiêu chí nâng hạng lên thị trường mới nổi. Từ đây niềm tin nâng hạng đang lớn dần và kỳ vọng có thể sớm hơn dự kiến.
“Việc nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ là bước ngoặt quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của thị trường, góp phần tăng quy mô, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước”, TS Nguyễn Như Quỳnh cho biết.
Theo đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 70% quyết định phân bổ vốn đầu tư vào các thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư quốc tế chịu ảnh hưởng từ việc xếp hạng thị trường chứng khoán. Do đó, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ góp phần tăng quy mô, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn, thu hút vốn đầu tư, đặc biệt vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Hiện Việt Nam được 2 tổ chức quốc tế MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên. Đến nay, TTCK Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số thị trường cận biên (khoảng 30% tổng tài sản quản lý).
MSCI là công ty nghiên cứu đầu tư cung cấp các chỉ số chứng khoán, rủi ro danh mục đầu tư, phân tích hiệu suất và các công cụ quản trị cho các nhà đầu tư tổ chức và các quĩ phòng hộ. Còn FTSE là công ty độc lập thuộc sở hữu của Sở giao dịch chứng khoán London có nhiệm vụ tạo chỉ số cho thị trường tài chính toàn cầu.
Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến rộng rãi về Thông tư sửa đổi, bổ sung 4 Thông tư nhằm tháo gỡ các nút thắt hỗ trợ tiến trình nâng hạng, trong đó có 2 nhóm vấn đề chính là loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và tăng quyền tiếp cận thông tin cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.
Đề cập tới vấn đề này, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Khối Đầu tư chứng khoán, Công ty quản lý Quỹ VinaCapital cho biết: “Việc loại bỏ yêu cầu pre-funding đối với NĐT tổ chức nước ngoài sẽ là yếu tố tiên quyết giúp cho TTCK Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng”.
Theo bà Nguyễn Hoài Thu, chỉ một thời gian rất ngắn sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK do Thủ tướng chủ trì, Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo sửa đổi cho các Thông tư và lấy ý kiến, trong đó tập trung vào quy trình cho phép NĐT tổ chức nước ngoài mua chứng khoán mà không cần ký quỹ đủ 100% tiền trước giao dịch và tăng quyền tiếp cập thông tin cho NĐT nước ngoài.
“Hiện, nhiều công ty chứng khoán đã sẵn sàng quy trình cho việc cung cấp dịch vụ cho NĐT tổ chức nước ngoài mua chứng khoán mà không cần ký quỹ đủ 100% tiền. Khi Thông tư sửa đổi được ban hành, tôi cho rằng, những thay đổi và quy định mới có thể được áp dụng ngay vào hoạt động giao dịch của các NĐT.
Sau đó, FTSE Russell sẽ cần lấy ý kiến từ các NĐT tổ chức đang đầu tư vào TTCK Việt Nam. Nếu không có trở ngại gì cho việc giao dịch của các NĐT, FTSE Russell sẽ ra quyết định chính thức về việc nâng hạng TTCK Việt Nam”, bà Nguyễn Hoài Thu nhận định.