|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Tiên Phong (ORS) nộp hồ sơ niêm yết HOSE

18:47 | 17/08/2021
Chia sẻ
Cuối tháng 7 vừa qua, Chứng khoán Tiên Phong đã phát hành thành công 100 triệu cổ phiếu ra công chúng với tỷ lệ 1:1, qua đó nâng vốn điều lệ từ 1.000 lên 2.000 tỷ đồng.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa thông báo nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của CTCP Chứng khoán Tiên Phong (Mã: ORS) trong ngày 12/8 vừa qua.

Số cổ phiếu đăng ký niêm yết là 200 triệu đơn vị, tương đương vốn điều lệ của Chứng khoán Tiên Phong đạt 2.000 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong tiền thân là Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông, được thành lập năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu là 60 tỷ đồng. Đến năm 2010, doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Tuy nhiên, sau thời gian kinh doanh xuống dốc và báo lỗ ba năm liên tiếp, cổ phiếu ORS bị hủy niêm yết trên HNX và chuyển sang giao dịch trên thị trường UPCoM từ giữa tháng 4/2019. Chính trong giai đoạn này, ORS chính thức gia nhập hệ sinh thái của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và đổi tên thành CTCP Chứng khoán Tiên Phong.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt hơn 551 tỷ đồng, tăng gần 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế gần gấp 3 lần giá trị 6 tháng năm 2020, đạt gần 151 tỷ đồng.

Theo giải trình của công ty chứng khoán, kết quả kinh doanh ghi nhận khởi sắc nhờ sự tăng trưởng doanh thu từ các nghiệp vụ tự doanh, môi giới, lưu ký và hoạt động tài chính.

Cuối tháng 7 vừa qua, Chứng khoán Tiên Phong đã phát hành thành công 100 triệu cổ phiếu ra công chúng với tỷ lệ 1:1, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được quyền mua 1 cổ phiếu mới. Sau phát hành, vốn điều lệ tăng từ 1.000 lên 2.000 tỷ đồng.

Hồi đầu tháng 4, đơn vị này cũng phát hành riêng lẻ thành công 10 triệu trái phiếu kỳ hạn 5 năm với tổng giá trị huy động là 1.000 tỷ đồng. Số trái phiếu này phát hành vào ngày 20/4/2021, là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và không phải nợ thứ cấp của tổ chức phát hành.

Kỳ thanh toán lãi 3 tháng/lần. Lãi suất của lô trái phiếu này được xác định là 9,2%/năm cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên, sau đó được tính bằng tổng của lãi suất tiền gửi tiết kiệm thông thường, áp dụng cho cá nhân kỳ hạn 12 tháng, lãi trả cuối kỳ do TPBank công bố + biên độ 2,5%/năm nhưng không thấp hơn 9,2%/năm.

Thu Thảo

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.