Chứng khoán tăng điểm, nhưng nhiều người... lỗ!
Chỉ số chứng khoán VN-Index liên tục lập đỉnh mới trong thời gian gần đây và đạt mức 820 điểm hôm 13/10, mức cao nhất trong vòng 8 năm qua.
Những nguyên nhân nào giúp thị trường thăng hoa? VN-Index cuối năm sẽ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nào? TheLEADER đã có cuộc trao đổi với ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng.
Chỉ số VN-Index liên tục lập đỉnh mới trong những ngày đầu tháng 10/2017. Theo ông, có điều gì đặc biệt ở những phiên giao dịch đáng nhớ vừa qua?
Năm 2017 là năm khá đặc biệt khi thị trường tăng vào top của thế giới nhưng số lượng nhà đầu tư thua lỗ cũng rất nhiều. Mất tiền chẳng ai đem đi khoe cả, nên khi nhìn chỉ số chứng khoán tăng mạnh và nghĩ rằng các nhà đầu tư năm nay lãi nhiều là không chắc chắn.
Nguyên nhân là một số nhà đầu tư mua đúng những mã giảm giá khá nhiều so với năm 2017, hoặc đầu cơ vào những mã cổ phiếu có vốn hóa nhỏ có yếu tố đầu cơ (penny stocks) vốn tăng điểm dữ dội nhưng giảm mạnh không kém sau đó. Nhưng ngay cả những mã bluechip cũng chưa hẳn đã mang lại tiền, nhiều bluechip giảm giá từ đầu năm đến nay như HVN, BMP hay giảm giá liên tục trong nhiều tháng gần đây như NVL,CII, DHG…
Vì sao lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ như vậy vào thời điểm này?
Mức tăng điểm của thị trường chứng khoán (TTCK) không chỉ là hiện tượng của tháng 10 mà là của cả năm 2017. Hầu như tháng nào cũng tăng điểm, tháng sau cao hơn tháng trước và liên tục phá kỷ lục của năm để tiến sát mức cao nhất 10 năm.
Có nhiều lý do tạo nên hiện tượng này:
Trước hết, phải kể đến sự nỗ lực đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong khi nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng ổn định. Trong năm 2017, Chính phủ liên tục có những “Hội nghị Diên Hồng” để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, giảm bớt rất nhiều các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn các năm trước, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn cũng khả quan hơn, thể hiện qua báo cáo tài chính hàng quý.
Ngoài ra, GDP trong ba quý năm 2017 đều tăng. Còn chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam luôn nằm trên mức 50 điểm, đứng top đầu khu vực Đông Nam Á. Lạm phát trong năm 2017 cũng đang được kiểm soát tốt trong khi tổng giá trị xuất nhập khẩu tăng mạnh, vượt mức 300 tỷ USD sau 9 tháng. Đây là những yếu tố nền tảng giúp nhà đầu tư yên tâm rót vốn vào TTCK.
Chỉ số VN-Index còn được hỗ trợ rất nhiều từ sức mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Sau 9 tháng năm 2017, họ đã mua ròng gần 14.000 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử, giúp VN-Index lọt vào top 10 thế giới về mức độ tăng trưởng.
Nhiều yếu tố hỗ trợ nên TTCK hút dòng tiền nhiều hơn các kênh đầu tư khác, nhất là định giá TTCK Việt Nam vẫn đang rẻ hơn các nước trong khu vực.
Trong những phiên thị trường tăng mạnh, thường được hỗ trợ bởi sự tăng điểm của các cổ phiếu bluechip. Nhưng gần đây, nhiều cổ phiếu bluechip bị bán ròng với giá trị lớn. Điều này có đáng lo không thưa ông?
VN-Index có thể đạt mức 830-850 điểm Lý do các yếu tố kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước vẫn đang tốt dần lên. Điều này khó có khả năng thay đổi trong ngắn hạn, đặc biệt khi năm 2017 cũng gần kết thúc, các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực hoàn thành kết quả kinh doanh nên TTCK vẫn được hỗ trợ. Ngoài ra, dù có sự thay đổi về dòng tiền trên thị trường nhưng chưa tạo thành xu hướng xấu. Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng. |
Chuyện này xảy ra khá thường xuyên trong năm nay cũng như chiều dài lịch sử của TTCK. Điều này chỉ đáng lo khi việc này trở thành một xu hướng, nghĩa là các cổ phiếu bluechip bị bán ròng liên tục trong thời gian dài. Còn nếu chỉ trong vài phiên thì nhiều khả năng do các nhà đầu tư chốt lời hoặc cơ cấu lại danh mục đầu tư của họ.
Tuy nhiên tháng 9 và 10/2017 là thời điểm mà hầu như tuần nào các nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng, thanh khoản về mức thấp nhất trong năm (trừ tháng 1 là tháng Tết) trong khi Index vẫn lên. Điều này cho thấy độ rộng thị trường bị thu hẹp đáng kể, nhiều phiên thị trường tăng điểm nhưng số mã giảm áp đảo số mã tăng. Nếu điều này vẫn tiếp tục trong thời gian tới sẽ là một yếu tố tiêu cực có thể làm thị trường đảo chiều.
Theo ông, trong thời gian tới nhà đầu tư cần lưu ý những điều gì trên thị trường?
Thanh khoản đang có xu hướng giảm nhưng giá nhiều cổ phiếu vẫn tăng là một rủi ro trong trung hạn vì “thuyền lên mà nước không lên”. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong tháng 9 và 10/2017, nếu điều này tiếp tục sẽ ảnh hưởng mạnh đến xu hướng tăng điểm của thị trường.
Nhà đầu tư cũng nên dành sự quan tâm đến các yếu tố tài chính thế giới trong giai đoạn cuối năm. Ví dụ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang tăng lãi suất USD. Điều này sẽ khiến chi phí vốn của nhà đầu tư nước ngoài tăng lên, buộc họ phải cân nhắc khi tiếp tục rót vốn. Một số tổ chức đầu tư cũng có thể rút bớt tiền mặt về để gửi ngân hàng hoặc chuyển sang mua trái phiếu để có tỉ suất lợi nhuận tốt hơn. Do đó sẽ ảnh hưởng đến lượng vốn đổ vào thị trường chứng khoán.
Xin cảm ơn ông!