Chứng khoán Mỹ vẫn đối mặt nhiều thử thách sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed tại Jackson Hole
Thị trường cần "kịch bản hoàn hảo"
Mỹ sẽ công bố chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, và báo cáo việc làm tháng mới nhất trong tuần này. Nhà đầu tư sẽ nghiên cứu chúng để đánh giá xem liệu thị trường chứng khoán Mỹ có bảo vệ được đà tăng từ đầu năm đến nay trước triển vọng kinh tế không chắc chắn hay không.
Hôm 25/8, Chủ tịch Jerome Powell cho biết Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẵn sàng tăng lãi suất cho đến khi các nhà hoạch định chính sách tự tin rằng lạm phát đang đi đúng hướng xuống mục tiêu 2%.
Mặc khác, ông cũng thừa nhận rằng giới chức Fed không chắc rằng liệu kéo lãi suất lên cao hơn là cần thiết, bởi nền kinh tế có thể chưa cảm nhận được đầy đủ tác động từ quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ trong một năm rưỡi qua.
Ông Johan Grahn, người phụ trách bộ phận quỹ ETF của Allianz Investment Management, bình luận: “Ông Powell cần những ‘đám mây dữ liệu’ phát đi tín hiệu để các quan chức Fed biết liệu họ đã xong việc hay chưa. Và tôi không tin rằng từ nay cho đến tháng 9 ông ấy sẽ có được câu trả lời”.
Tuần trước, chứng khoán Mỹ đã trải qua hai sự kiện quan trọng là phát biểu của Chủ tịch Fed tại hội nghị thường niên Jackson Hole và báo cáo kết quả kinh doanh của gã khổng lồ chip Nvidia. Các nhà phân tích cho biết cả hai sự kiện đều diễn ra như kỳ vọng của Phố Wall và nhờ vậy thị trường không nổi sóng dữ. Tuy nhiên, đối với thị trường chứng khoán, thử thách lớn nhất luôn luôn là những sự kiện tiếp theo.
Trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II đi đến hồi kết, các dữ liệu kinh tế quan trọng trong những ngày tới sẽ cung cấp thông tin về nền kinh tế Mỹ và liệu Fed có tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào cuối tháng 9 hay không.
Ông Anthony Saglimbene, Giám đốc đầu tư của Ameriprise Financial, bình luận: “Sắp tới chúng ta sẽ không còn những tin tức lớn về doanh nghiệp có khả năng biến đổi thị trường. Nhà đầu tư sẽ đổ dồn sự chú ý vào tình hình vĩ mô”.
Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 8 vào ngày 1/9. Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát ước tính Mỹ đã có thêm 175.000 việc làm trong tháng 8, ít hơn 12.000 công việc so với tháng liền trước. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo là sẽ giữ nguyên ở mức 3,5%. Hồi tháng 6, Fed dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 4,1% vào cuối năm 2023.
Dữ liệu mới về chỉ số PCEPI sẽ được công bố vào ngày 31/8. Các nhà phân tích do Dow Jones khảo sát dự đoán PCEPI tháng 7 tăng 3,3% so với một năm trước, cao hơn mức 3% của tháng trước đó. PCEPI “lõi” được dự đoán tăng 4,2%, cao hơn chút ít so với mức 4,1% trong tháng 6. Trong bài phát biểu tại Jackson Hole, ông Powell chỉ ra rằng trọng tâm của ông là PCEPI lõi.
Giám đốc đầu tư Saglimbene nói với tờ MarketWatch rằng các nhà đầu tư cần “kịch bản hoàn hảo” cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chậm lại nhưng không rơi thắng đứng, bởi điều này sẽ cho phép Fed sớm kết thúc chiến dịch tăng lãi suất.
Ông nói thêm: “Bất kỳ dữ liệu kinh tế nào nóng hơn dự đoán, ví dụ báo cáo việc làm hay lạm phát tính theo PCEPI, cũng có thể bị thị trường đánh giá tiêu cực”.
Hướng đi trong tháng 9
Tuy nhiên, chuyên gia Grahn của Allianz cho rằng dữ liệu lạm phát tháng 7 phải đi chệch rất xa khỏi dự đoán thì các nhà hoạch định chính sách mới quyết định tiến thêm bước nữa trong chiến dịch tăng lãi suất.
Ông cũng cho rằng Fed đang lo ngại về độ trễ của chính sách. Ông nói: “Chính sách tiền tệ, vốn có độ trễ, đang tác động lên nền kinh tế. Tuy nhiên, Fed khó có thể tin rằng mọi tác động của chính sách sẽ được thể hiện đầy đủ trong 4 tuần tới, do đó tôi kỳ vọng Fed sẽ không thực hiện thay đổi gì về lãi suất tại cuộc họp tháng 9”.
Nhìn chung, chứng khoán Mỹ đã có quãng thời gian tồi tệ trong tháng 8. Chỉ số S&P 500, Dow Jones, Nasdaq đã mất lần lượt gần 4%, 3,4% và 5,3% tính từ đầu tháng. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy thị trường sẽ khó có thể khởi sắc trong tháng 9.
Từ trước đến nay, tháng 9 thường là giai đoạn tăm tối nhất đối với chứng khoán Mỹ. Dữ liệu từ Dow Jones Market Data cho thấy lần lượt kể từ năm 1928 và 1896, trung bình mỗi năm chỉ số S&P 500 và Dow Jones sụt giảm 1,1% trong tháng này.
Dữ liệu kinh tế mạnh mẽ gần đây đã làm dấy lên nỗi lo rằng Fed sẽ duy trì lãi suất chính sách cao hơn, trong lâu hơn và gây ra suy thoái trong năm 2024.
Ông Saglimbene nhận xét: “Tôi không nghĩ rằng các nhà đầu tư đã sẵn sàng quay lại thị trường và bắt đáy. Nhưng nếu thị trường tiếp tục gặp áp lực trong tháng 9 dù các điều kiện vĩ mô ổn định, chúng ta sẽ chứng kiến các nhà đầu tư bắt đầu mua cổ phiếu trở lại, giúp ích cho thị trường khi yếu tố mùa vụ được cải thiện”.