|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ tụt dốc khi nhà đầu tư đợi tín hiệu từ Fed

07:08 | 27/08/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 26/8 giảm điểm sau 5 phiên tăng liên tục trong bối cảnh nhà đầu tư chờ phát biểu quan trọng của quan chức Fed tại hội nghị chuyên đề thường niên Jackson Hole.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 192 điểm, tương đương 0,54%, và kết phiên ở 35.213 điểm. S&P 500 giảm 0,58% còn 4.470 điểm. Nasdaq Composite giảm 0,64% còn 14.946 điểm. 

Trước đó vào phiên 25/8, cả S&P 500 và Nasdaq đều đóng cửa trên đỉnh lịch sử, S&P 500 lần đầu tiên vượt mốc 4.500 điểm.

Chứng khoán Mỹ tụt dốc khi nhà đầu tư đợi tín hiệu từ Fed - Ảnh 1.

Biến động chỉ số S&P 500 trong hai ngày 25 và 26/8. (Nguồn: CNBC).

Ngoài hội nghị Jackson Hole, nhà đầu tư còn quan tâm tới tình hình căng thẳng tại Afghanistan. Lầu Năm góc xác nhận 12 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng và 15 người bị thương trong hai vụ nổ bên ngoài sân bay Kabul hôm 26/8. Theo CNBC, những bất ổn này đã làm dấy lên tâm lý giảm bớt rủi ro trên thị trường.

Cổ phiếu năng lượng nằm trong nhóm bị xả mạnh nhất. Diamondback Energy và Occidental Petroleum cùng mất 2,5%, APA Corp giảm 2,4%, Halliburton đi xuống 1,9%, đại gia Chevron cũng mất 1,35%.

Các cổ phiếu du thuyền cùng đi xuống với Royal Caribbean sụt 3,1%, Carnival mất 2,7%. Nhóm hàng không đều giảm hơn 1%.

Số liệu kinh tế vĩ mô trái chiều cũng không cải thiện được tâm lý nhà đầu tư. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước là 350.000, tăng nhẹ so với con số 349.000 của tuần trước đó và cao hơn ước tính của các nhà kinh tế.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 26/8 cho biết tốc độ tăng trưởng GDP quý II được điều chỉnh từ ước tính ban đầu 6,5% lên 6,6%, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 6,7% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự đoán.

Ngày 27/8 (theo giờ Mỹ), hội nghị thường niên Jackson Hole mà nhà đầu tư mong đợi sẽ được tổ chức trực tuyến, nhiều lãnh đạo ngân hàng trung ương sẽ phát biểu trước báo giới.

Trao đổi với CNBC, bà Esther George, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Kansas City cho rằng "với những tiến triển chúng ta thấy thời gian qua", việc Fed cắt giảm chương trình bơm tiền 120 tỷ USD/tháng là "phù hợp". Tuy nhiên bà không nói cụ thể khi nào động thái giảm hỗ trợ sẽ bắt đầu.

"Nhìn vào số việc làm tăng thêm trong hai tháng gần đây, tỷ lệ lạm phát hiện nay, tôi cho rằng mức độ nới lỏng chính sách của Fed lúc này có lẽ không còn thực sự cần thiết nữa. Vì vậy, tôi nghĩ là nên sớm nói đến chuyện cắt giảm bơm thanh khoản".

Ông James Bullard, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ nên bắt đầu hành động sớm và kết thúc vào tháng 3 để tránh nền kinh tế phát triển quá nóng.

"Tôi nghĩ là Fed nên bắt đầu giảm bơm tiền và kết thúc trước cuối quý I năm sau. Sau đó, chúng ta có thể đánh giá lại tình hình xem lạm phát đã ổn định lại chưa. Nếu đúng thì nền kinh tế sẽ khỏe mạnh. Nếu không thì Fed sẽ cần mạnh tay hơn trong việc kiểm soát lạm phát", ông Bullard trả lời CNBC ngày 26/8.

Song Ngọc