9 lý do chứng khoán Mỹ sẽ còn leo cao hơn nữa
Từ trước khi chỉ số S&P 500 lập kỷ lục mới trong phiên vừa qua, nhiều chuyên gia chứng khoán sừng sỏ đã cảnh báo thị trường đã lên cao nhất có thể và đã "sẵn sàng" để điều chỉnh.
Nhưng như chúng ta đã biết, đặc biệt là sau những sự gián đoạn đáng kinh ngạc trong thời kỳ COVID-19, không có điều gì là chắc chắn trên Phố Wall, kể cả dự báo của chuyên gia. Có rất nhiều lý do để nhà đầu tư nên tiếp tục vững chân ở lại thị trường – và để kỳ vọng rằng chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục phi nước đại đến cuối năm.
Động lực mạnh mẽ
Chỉ số S&P 500 gần đây đã ghi nhận cú bật tăng gấp đôi nhanh nhất trong lịch sử khi nhảy vọt từ 2.240 điểm vào 23/3/2020 lên đến khoảng 4.500 điểm trong tháng 8/2021. Trong năm nay, S&P 500 đã lập được hơn 50 kỷ lục trong năm nay.
Kiểu động lực khủng khiếp này này rõ ràng không thể kéo dài mãi, nhưng điều quan trọng là không đánh đồng thành tích mạnh mẽ này với nhận định rằng thị trường đã "quá sẵn sàng" để điều chỉnh. Theo MarketWatch, thông thường chứng khoán có xu hướng lên cao chỉ đơn giản vì thị trường đang đi lên – chứ không phải là đột nhiên sụp đổ.
Lợi nhuận vẫn rất đáng nể
Trong 5 quý qua, trung bình lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 cao hơn ước tính của các nhà phân tích tới hơn 19%. Lợi nhuận là một trong những yếu tố chính tiếp sức cho thị trường trong thời gian qua.
Lấy ví dụ, Nvidia bật lên 14% trong một tuần sau khi báo cáo lợi nhuận mạnh mẽ. Nhà bán lẻ đồ thể thao Dick's Sporting Goods vọt lên 20% trong một phiên sau khi công bố kết quả làm mát lòng nhà đầu tư.
Có thể thấy việc các yếu tố căn bản của doanh nghiệp được cải thiện thực sự là yếu tố đằng sau đà phi mã của thị trường chứng khoán Mỹ.
Nỗi lo về Fed được xoa dịu
Một trong những câu chuyện hù dọa nhà đầu tư trong năm 2021 là Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang cân nhắc giảm bớt các chương trình hỗ trợ, bao gồm 120 tỷ USD mua trái phiếu hàng tháng.
Tuy nhiên, hầu hết báo cáo đều ám chỉ rằng Fed sẽ không rút bớt hỗ trợ trong tương lai gần – có lẽ sớm nhất cũng phải là tháng 11. Điều này rõ ràng là tin tốt đối với động lực thị trường ngắn hạn.
Phố Wall lạc quan
Theo dữ liệu gần đây, khoảng 56% khuyến nghị của các nhà phân tích đối với các cổ phiếu trong S&P 500 là "nên mua" hoặc tương tự. Đây là tỷ lệ lớn nhất kể từ năm 2002 và dấu hiệu rằng thị trường vẫn còn tiềm năng lên cao hơn nữa.
Dĩ nhiên không có gì đảm bảo rằng "dòng tiền thông minh" là đúng, nhưng dù sao đây cũng là chỉ báo quan trọng.
"Hiệu ứng của cải" từ thị trường nhà ở
Nói chung, phần lớn người Mỹ không để nhiều của cải trên thị trường chứng khoán. Ngôi nhà chiếm đến 2/3 tổng tài sản của một người. Do đó, nhận thức chung của người Mỹ về nền kinh tế và môi trường đầu tư có xu hướng bị chi phối bởi bất động sản hơn bất kỳ thứ gì khác.
Thông tin trên là tin đặc biệt tốt trong năm 2021 do giá nhà ở tiếp tục nhảy vọt. Trong tháng 7, giá nhà trung vị cao hơn tới 18,4% so với cùng kỳ năm trước. "Hiệu ứng của cải" này có thể tạo ra cú hích lớn cho chi tiêu và tâm lý đầu tư trong những tháng tới.
Lạm phát lõi và giá thực phẩm, năng lượng
Cần phải chỉ ra rằng những bàn tán về rủi ro lạm phát trong năm 2021 thường không nêu bức tranh toàn cảnh. Trong tháng 7, tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái ở Mỹ vẫn là 5,4%, cao nhất trong 20 năm qua.
Nhưng khi loại bỏ giá năng lượng và thực phẩm vốn thường xuyên biến động, tỷ lệ lạm phát hàng tháng "lõi" chỉ là 0,3 % trong tháng 7 - không những khiêm tốn mà còn thấp hơn ước tính tăng 0,4%.
Lạm phát không đồng nghĩa với thị trường gấu
Một điều đáng chú ý là có ít sự tương quan giữa lạm phát cao và tỷ suất sinh lời thấp của chứng khoán Mỹ.
Năm 2011, lạm phát toàn phần có nguy cơ chạm mức 4% và một số nhà đầu tư sợ rằng giá cả cao sẽ làm đảo lộn cuộc phục hồi sau khủng hoảng tài chính 2008-2009. Trong năm đó, thị trường tuy biến động nhưng chứng khoán vẫn bền bỉ. Chỉ số S&P 500 nhích lên thêm vài % trong năm 2012 – rồi tăng gần 15% trong năm tiếp theo.
Không còn lựa chọn khác
Bất chấp những bàn tán về lạm phát, các tài sản có dạng vật chất như vàng chưa mang lại cho nhà đầu tư tỷ suất sinh lời tốt. Chứng chỉ của SPDR Gold Shares, quỹ ETF được đảm bảo bằng vàng, trên thực tế lại đi xuống trong vòng 12 tháng qua.
Thị trường trái phiếu cũng không an toàn. Quỹ ETF trái phiếu lớn iShares 20+ Year Treasury Bond, cũng thấp hơn 10% so với năm ngoái. Vàng hay trái phiếu có thể là công cụ tốt để phòng vệ cho danh mục, nhưng chúng không hứa hẹn tỷ suất sinh lời cao như cổ phiếu.
Nhà đầu tư nên bỏ qua xu hướng ngắn hạn
Tất cả những lý do trên đều được đưa ra dựa theo xu hướng gần đây. Nhưng đối với hầu hết nhà đầu tư, tốt nhất là nên mặc kệ xu hướng ngắn hạn và trung thành với kế hoạch dài hạn.
Theo nghiên cứu của Goldman Sachs, tỷ suất lợi nhuận thị trường chứng khoán Mỹ trung bình đạt 9,2% trong 140 năm qua. Dĩ nhiên chúng ta sẽ phải trải qua một vài năm tồi tệ trong suốt chặng đường - nhưng nếu tiếp tục đầu tư đủ lâu, gần như chắc chắn nhà đầu tư sẽ tăng được đáng kể tài khoản của mình.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/