|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ trượt dốc dù số liệu lạm phát khả quan hơn dự kiến

06:34 | 15/09/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 14/9 đồng loạt đi xuống sau khi tỷ lệ lạm phát tháng 8 được công bố thấp hơn dự báo. Các chỉ số một lần nữa quay lại sắc đỏ sau phiên khởi sắc 13/9.
Chứng khoán Mỹ trượt dốc dù số liệu lạm phát khả quan hơn dự kiến - Ảnh 1.

Biến động chỉ số Dow Jones trong hai ngày 13 và 14/9. (Nguồn: CNBC).

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 292 điểm, tương đương 0,84%, kết phiên ở 34.577,57 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng giảm lần lượt 0,57% và 0,45%.

Theo CNBC, thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc lúc đầu phiên 14/9 sau khi Bộ Lao động công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn so với dự báo. Tuy nhiên, giá cổ phiếu bắt đầu đi xuống sau khoảng nửa giờ giao dịch.

Cụ thể, tỷ lệ lạm phát tháng 8/2021 so với tháng 8/2020 là 5,3%, so với tháng 7 vừa qua là 0,3%. Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát từng dự đoán lạm phát 5,4% so với năm trước và 0,4% so với tháng trước.

Nếu không kể giá lương thực và năng lượng, CPI chỉ tăng 0,1% trong tháng (dự báo là 0,3%) và tăng 4% so với một năm trước (dự báo là 4,2%).

Chứng khoán Mỹ trượt dốc dù số liệu lạm phát khả quan hơn dự kiến - Ảnh 2.

Các cổ phiếu phụ thuộc vào quá trình mở cửa kinh tế đều đi xuống. Bank of America giảm 2,6%, JPMorgan Chase mất 1,8%. General Electric giảm 3,9%, kéo nhóm cổ phiếu công nghiệp chìm trong sắc đỏ.

CNBC dẫn lời bà Liz Ann Sonders, Giám đốc chiến lược đầu tư tại tập đoàn Charles Schwab nhận định: "Để có thể lạc quan về thị trường, nhà đầu tư cần nhìn thấy lạm phát tiếp tục hạ nhiệt nhưng triển vọng kinh tế không được xấu đi".

Cổ phiếu Apple giảm gần 1% sau khi đại gia "Táo khuyết" công bố dòng điện thoại iPhone 13 tại sự kiện giới thiệu sản phẩm mùa thu thường niên của hãng. Việc giá cổ phiếu giảm ngay sau khi tung ra sản phẩm mới là điều thường thấy với Apple.

Nhà đầu tư dồn tiền vào một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn khác, giúp Microsoft tăng 0,9%, Alphabet nhích lên 0,15%, Facebook cũng đóng cửa trong sắc xanh

Thị trường chứng khoán Mỹ đã chịu áp lực giảm điểm kể từ sau báo cáo việc làm tháng 8 gây thất vọng hôm 3/9. Số việc làm tạo mới thấp hơn dự báo tới gần 500.000.

"Trong vài tuần tới, các số liệu kinh tế sẽ càng quan trọng hơn. Chúng sẽ xác nhận tình hình tiêu cực đã thấy trong báo cáo thị trường lao động tháng trước hoặc cho thấy tình thế đã bắt đầu cải thiện", bà Sonders nói.

Tính từ đầu tháng 9 đến nay, S&P 500 và Nasdaq đều giảm hơn 1%, Dow Jones mất tới 2,2%.

Tháng 9 thường là giai đoạn kém khả quan với thị trường chứng khoán Mỹ và các chỉ số thường giảm điểm trong tháng này.

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ họp trong hai ngày 21-22/9. Ngân hàng trung ương Mỹ đang theo dõi các chỉ tiêu kinh tế chính như tỷ lệ lạm phát, thất nghiệp để đánh giá xem khi nào thì nên giảm các gói hỗ trợ tiền tệ được tung ra trong đại dịch.

Song Ngọc