|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Liệu chứng khoán Mỹ có thể tự đứng vững khi không còn Fed chống đỡ?

15:41 | 13/09/2021
Chia sẻ
Giới chuyên gia cho rằng Fed sẽ sớm theo chân ngân hàng trung ương châu Âu và rút bớt các chương trình hỗ trợ thị trường từng được tung ra nhằm đối phó với đại dịch.
Liệu chứng khoán Mỹ có thể tự đứng vững khi không còn Fed chống đỡ? - Ảnh 1.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde và Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: MarketWatch, Getty Images, iStockPhoto).

Thị trường tài chính đã có màn trình diễn ngoạn mục trong khoảng 18 tháng qua với hỏa lực yểm trợ của các ngân hàng trung ương toàn cầu. Chứng khoán Mỹ từ đáy sâu vươn tới đỉnh cao và doanh nghiệp gặt hái lợi nhuận kỷ lục.

Câu hỏi lớn trong cuối năm nay là một khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thu lại đạn dược,  liệu thị trường có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình không?

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố kế hoạch rút lại một số chương trình hỗ trợ cho thị trường tài chính, làm dấy lên dự đoán Fed sẽ sớm noi gương. 

Bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB nói rằng kế hoạch trên chỉ là sự hiệu chỉnh lại các nỗ lực kích thích kinh tế chứ không phải rút lại sự trợ giúp. Tuy nhiên, quyết định của ECB vẫn được coi là bước đi quan trọng. 

Khi đại dịch tấn công kinh tế toàn cầu vào năm 2020, các ngân hàng trung ương đã mua tài sản tài chính với quy mô lớn và cam kết duy trì lãi suất thấp để giúp chữa lành nền kinh tế và giữ cho tín dụng trôi chảy trong suốt cuộc khủng hoảng COVID-19.

Ông Phil Orlando, Giám đốc đầu tư tại Federated Hermes nhận xét: "ECB đang thách thức những ngân hàng trung ương khác dám làm giống họ. Chúng tôi dự kiến Fed sẽ thông báo rút bớt các chương trình kích thích trong năm nay (hay còn gọi là tapering)".

"Cụ thể, chúng tôi cho rằng thông báo sẽ được đưa ra vào ngày 3/11, khi cuộc họp chính sách tháng 11 của Fed kết thúc".

Ông dự kiến quy trình tapering của Fed sẽ diễn ra nhanh chóng và kết thúc vào tháng 6/2022. Đến cuối năm 2023, lãi suất quỹ liên bang sẽ tăng 75 điểm cơ bản từ khoảng mục tiêu 0-0,25% hiện nay.

Vắc xin, việc làm, thị trường tự do

Chủ tịch Fed Jerome Powell thường gắn tốc độ phục hồi kinh tế Mỹ và cấp độ hỗ trợ của Fed với COVID-19, tiến trình tiêm vắc xin và tình hình của thị trường lao động. Do đó, Giám đốc Orlando tin Fed sẽ không ra quyết định giảm tốc chương trình mua 120 tỷ USD tài sản hàng tháng trong cuộc họp chính sách ngày 21-22/9.

"Lý do là báo cáo việc làm tháng 8 cực kỳ tồi tệ. Dữ liệu thực tế thấp hơn dự đoán tới gần 500.000 công việc", ông Orlando nói.

Tình hình của thị trường lao động được kỳ vọng là sẽ cải thiện trong vài tháng tới khi trợ cấp thất nghiệp bổ sung 300 USD/tuần hết hạn và số công việc đang tuyển dụng cao kỷ lục.

Bank of America Global tổng kết "một trong những thống kê bị đánh giá thấp nhất về thị trường việc làm" trong biểu đồ này, cho thấy việc làm đang tuyển dụng hiện vượt xa số người tìm việc như thế nào.

Liệu chứng khoán Mỹ có thể tự đứng vững khi không còn Fed chống đỡ? - Ảnh 2.

Đội nghiên cứu của Bank of America viết: "Fed đang lấy các số liệu thống kê về thị trường lao động làm lý do để trì hoãn việc cắt giảm kích thích. Chúng tôi không đồng ý. Nếu nhu cầu tuyển dụng cực cao, thì việc của Fed là nghiêng theo yếu tố này".

Chứng khoán Mỹ vừa trải qua 5 phiên giảm điểm liên tiếp khi nước Mỹ đối mặt với số ca tử vong vì COVID-19 hàng ngày cao nhất trong 6 tháng. Gần 1/4 dân số Mỹ vẫn từ chối tiêm vắc xin mặc dù Mỹ có nguồn cung dư thừa.

Tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã công bố kế hoạch 6 phần nhằm đánh bại "đại dịch của những người không tiêm chủng" để kiểm soát đợt COVID-19 mới, bắt buộc hàng triệu người phải tiêm vắc xin.

Loạt rủi ro

Tuy đã thuận buồm xuôi gió suốt từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư đối mặt với nhiều rủi ro phía trước.

Với định giá chứng khoán ở mức "cao tột bậc trong lịch sử", nhà phân tích của Deutsche Bank cảnh báo rằng rủi ro thị trường điều chỉnh "một cách đau đớn" đang lớn dần.

Thị trường còn có thể phải đối mặt với vài làn sóng dịch từ Delta và các biến chủng khác, cũng như khả năng diễn ra sự thay đổi đáng kể về lãnh đạo khi nhiệm kỳ của Chủ tịch Powell sắp kết thúc vào tháng 1/2022.

Phép thử về nợ

Bài kiểm tra về tình hình tài chính của Mỹ đang diễn ra theo thời gian thực đối với những người đi vay trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp quy mô gần 11.000 tỷ USD.

Tuần trước, số các công ty được xếp hạng đầu tư vay nợ trên thị trường trái phiếu đã phá vỡ kỷ lục, chủ yếu với mục tiêu đảm bảo nguồn vốn giá rẻ trước bất kỳ biến động nào vào cuối năm.

Ông James Whang, trưởng bộ phận phụ trách mảng tín dụng của U.S. Bank nhận xét: "Khả năng hấp thụ lượng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp lớn như trận đại hồng thủy chứng tỏ sự bền bỉ của thị trường".

Chênh lệch tín dụng giữa trái phiếu hạng đầu tư và trái phiếu "rác" của Mỹ đang dao động quanh mức thấp nhất mọi thời đại, ngay cả khi Fed bán nốt số trái phiếu doanh nghiệp mua trong thời COVID-19.

Ông Whang nói với MarketWatch: "Tôi nghĩ những lo ngại xung quanh tapering là hơi cường điệu. Tôi cho rằng Fed sẽ không làm bất cứ điều gì cản trở tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn còn khá nhiều sự không chắc chắn xoay quanh biến chủng Delta".

Giang