|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống khi lạm phát lên đỉnh hơn 4 thập kỷ

07:13 | 13/04/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 12/4 tăng điểm đầu phiên nhưng rồi đóng cửa trong sắc đỏ. Nhà đầu tư lo ngại số liệu lạm phát cao trong tháng 3 sẽ thúc đẩy Fed thắt chặt tiền tệ hơn nữa.

 

Chỉ số S&P 500 giảm 0,34%, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng đi xuống 0,3%. Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của hai chỉ số này. Trung bình công nghiệp Dow Jones cũng mất gần 88 điểm, tương đương 0,26%, và kết phiên ở 34.220 điểm.

Theo CNBC, các chỉ số tăng mạnh vào đầu phiên 12/4, Dow Jones có lúc vọt lên 362 điểm, tương đương 1,1%. S&P 500 và Nasdaq cũng có lúc tăng tương ứng 1,3% và 1,2%. Về cuối phiên, thị trường đi xuống dần.

 

Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố vào sáng 12/4 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 8,3% mà các nhà kinh tế dự báo. Thống kê dưới đây cho thấy con số 8,5% của tháng 3 là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1981.

Nếu không tính giá lương thực và năng lượng, CPI lõi tháng vừa qua tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,3% so với tháng liền trước, thấp hơn mức 0,5% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.

 

Số liệu lạm phát cao khiến nhà đầu tư thêm lo ngại chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt hơn nữa, đe dọa làm giảm tốc nền kinh tế.

Fed đã nâng lãi suất 0,25 điểm % trong cuộc họp tháng 3 và thị trường kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất trong tất cả 6 cuộc họp còn lại trong năm nay. Ngoài ra, Fed còn dự tính giảm quy mô bảng cân đối kế toán để hút bớt cung tiền ra khỏi hệ thống tài chính.

Trao đổi với CNBC, Giáo sư tài chính Jeremy Siegel của Trường Kinh doanh Wharton nhận xét: “Tôi nghĩ Fed sẽ phải nâng lãi suất thêm ít nhất 0,5 điểm % trong một số cuộc họp. Fed cần phải đưa lãi suất lên trên 3% hoặc 3,5% nếu muốn ghìm cương lạm phát. Tôi nghĩ lạm phát vẫn đang lan ra khắp nền kinh tế”.

Vị giáo sư này cho rằng lạm phát cao sẽ còn tiếp diễn “trong nhiều tháng tới”.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm rời khỏi đỉnh ba năm sau khi báo cáo lạm phát được công bố. Nhà đầu tư kỳ vọng việc số liệu lạm phát lõi (core CPI) đi ngang và thấp hơn dự báo đồng nghĩa với việc đà tăng của giá cả đã đạt đỉnh. Lợi suất kỳ hạn 10 năm giảm 6 điểm cơ bản còn 2,72%.

Ông Andrew Hunter, chuyên gia cao cấp về kinh tế Mỹ tại Capital Economics nói: "Thông tin quan trọng trong báo cáo tháng 3 là áp lực lạm phát lõi cuối cùng đã có vẻ chững lại". 

Bà Lael Brainard, một trong các thống đốc của Fed cho rằng việc CPI lõi tăng chậm lại là một tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. "Tôi sẽ theo dõi xem [lạm phát] có tiếp tục ổn định trong các tháng tới hay không", bà Brainard trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal.

Cổ phiếu công nghệ diễn biến tích cực đầu phiên nhưng đóng cửa dưới tham chiếu. Microsoft và Nvidia mất tương ứng 1,1% và 1,9%. Thống kê bên dưới cho thấy cổ phiếu các ngành tài chính, y tế, bất động sản cũng giảm điểm.

 

Ở chiều ngược lại, giá dầu thô đi lên sau khi Trung Quốc nới lỏng một số biện pháp phong tỏa chống dịch, giúp cho nhu cầu dầu không bị bóp nghẹt. Giá dầu thô Brent quốc tế tăng 6,36% lên 104,64 USD/thùng. Giá dầu thô WTI tại Mỹ cũng tăng 6,69% lên trên mốc 100 USD/thùng.

Giá cổ phiếu ngành năng lượng đi lên theo giá dầu. Thống kê bên trên cho thấy năng lượng là ngành tăng mạnh nhất chỉ số S&P 500 phiên 12/4. Occidental Petroleum và Chevron cùng tăng 2,1%. Devon Energy và Marathon Oil vọt lên tương ứng 3,7% và 4,2%.

 

Ngày 13/4, ngân hàng JPMorgan Chase và hãng hàng không Delta Air Lines sẽ thông báo kết quả kinh doanh quý I. Ngày 14/4, nhiều ngân hàng lớn khác cũng sẽ công bố.

Song Ngọc