|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ tiếp đà đi lên sau công bố biên bản họp Fed

07:23 | 24/11/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa trong sắc xanh sau khi biến động mạnh trong phiên 23/11. Biên bản cuộc họp Fed mới được công bố cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ đang xem xét giảm nhịp độ nâng lãi suất trong các tháng tới khi lạm phát hạ nhiệt.

Dow Jones đang kém đầu năm khoảng 5,9%.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 96 điểm, tương đương 0,28%, và kết phiên ở 34.194 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite khởi sắc hơn khi tăng lần lượt 0,59% và 0,99%.

Theo CNBC, cổ phiếu Nordstrom rớt 4,2% sau khi chuỗi bán lẻ này công bố doanh thu và lợi nhuận quý III vượt kỳ vọng nhưng giữ nguyên kế hoạch kinh doanh cả năm. Tesla vọt lên 7,8% sau khi ngân hàng Citigroup nâng mức khuyến nghị cổ phiếu xe điện này từ "Bán" lên "Trung tính".

Cổ phiếu Deere bật tăng 5% sau khi hãng sản xuất máy nông nghiệp này thông báo lợi nhuận quý III cao hơn dự báo.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cùng với Dow Jones và S&P 500 đã có hai phiên tăng liên tiếp. S&P 500 và Nasdaq hiện kém đầu năm lần lượt 15,5% và 27,9%.

Cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed diễn ra trong hai ngày 1-2/11 đã quyết định nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 75 điểm cơ bản (bps). Biên bản của cuộc họp này vừa được công bố trong ngày 23/11 cho thấy các quan chức Fed đánh giá đã có những tiến triển trong cuộc chiến chống lạm phát.

Ngân hàng trung ương Mỹ đang tính đến việc giảm tốc độ nâng lãi suất, tức là những cuộc họp tiếp theo có thể chỉ quyết định tăng lãi suất thêm 50 bps hoặc 25 bps, thay vì mức 75 bps trong suốt 4 cuộc họp gần đây.

“Đa số thành viên dự họp cho rằng việc giảm nhịp độ nâng lãi suất sẽ sớm trở thành phương án hợp lý”, biên bản họp công bố ngày 23/11 có đoạn viết. “Tính bất định trong độ trễ và quy mô tác động của chính sách tiền tệ đối với hoạt động kinh tế và lạm phát là những nguyên nhân chính cho thấy tại sao quan điểm nói trên của các thành viên dự họp lại quan trọng”.

Trong những tuần gần đây, nhiều quan chức Fed cũng công khai lên tiếng ủng hộ việc giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ vì lạm phát đã bắt đầu đi xuống và cũng để tránh suy thoái kinh tế.

Sau 6 lần tăng liên tiếp bao gồm 4 lần tăng thêm 75 bps, lãi suất quỹ liên bang đang ở trong khoảng 3,75 – 4%, cao nhất kể từ năm 2008. Các nhà kinh tế đa phần dự báo Fed sẽ nâng lãi suất thêm 50 bps trong cuộc họp ngày 13 – 14/12 tới đây.

CNBC dẫn lời ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại B. Riley Financial, nhận định: “Thị trường chứng khoán hiện nay chỉ quan tâm đến một chuyện duy nhất, đó là quan điểm của Fed về chính sách tiền tệ”.

Fed đã nâng lãi suất 6 lần liên tiếp, dự kiến tăng thêm 50 bps trong cuộc họp tháng 12.

Số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 19/11 là 240.000, cao hơn so với con số 225.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo. Đây là một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động của Mỹ đang suy yếu.

Ngược lại, đơn đặt mua hàng hóa lâu bền trong tháng 10 tăng trưởng 1%, cao hơn mức 0,5% mà các chuyên gia ước tính.

Đa số các nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Mỹ đều đi lên trong phiên 23/11, ngoại trừ cổ phiếu năng lượng. Giá dầu thô Brent mất 4,2% và dầu thô WTI sụt 4,7% sau thông tin lượng tồn kho xăng tại Mỹ tăng thêm 3,1 triệu thùng trong tuần vừa qua.

Ngoài ra, một quan chức châu Âu cho biết khối G7 đang xem xét áp mức giá trần khoảng 65 – 70 USD/thùng đối với dầu thô của Nga được vận chuyển bằng đường biển. Mức giá trần đề xuất này cao hơn so với mức giá 62 – 63 USD/thùng mà dầu Urals của Nga đang được giao dịch ở tây bắc châu Âu, và tương đương với mức giá 67 – 68 USD/thùng ở khu vực Địa Trung Hải. 

Đa số nhóm cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên 23/11.

Song Ngọc