|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones tăng gần 400 điểm, S&P vượt mốc 4.000 khi Phố Wall lạc quan về lạm phát và lãi suất

07:13 | 23/11/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 22/11 đồng loạt đi lên khi nhà đầu tư phớt lờ việc Trung Quốc thắt chặt chính sách COVID và hướng sự chú ý tới các báo cáo kết quả kinh doanh cũng như triển vọng lãi suất sẽ chỉ tăng nhẹ trong năm 2023.

S&P 500 vượt mốc 4.000 điểm trong phiên 22/11.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 398 điểm, tương đương 1,18%, và kết phiên ở 34.098 điểm. S&P 500 tăng 1,36% lên gần 4.004 điểm, đánh dấu lần vượt mốc 4.000 đầu tiên kể từ tháng 9. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng tăng 1,36% lên 11.174 điểm.

Dow Jones lấy lại mốc 34.000 trong phiên 22/11.

Theo CNBC, những kết quả kinh doanh trái chiều đã khiến một số cổ phiếu biến động mạnh. Best Buy bật tăng 12,8% sau khi hãng bán lẻ đồ điện tử này thông báo lợi nhuận vượt kỳ vọng và nâng dự báo của năm 2023.

Hai cổ phiếu bán lẻ khác là Abercrombie & Fitch và American Eagle cũng vọt lên tương ứng 21,4% và 18,2% sau khi công bố kết quả kinh doanh quý III khả quan.

Ở chiều ngược lại, Zoom mất 3,9% sau khi công bố lợi nhuận gây thất vọng; Dollar Tree sụt 7,8% sau khi thông báo kế hoạch kinh doanh thấp hơn dự kiến.

Cuối tuần vừa qua, Trung Quốc ghi nhận ba ca tử vong đầu tiên kể từ đợt phong tỏa hồi tháng 5. Thủ đô Bắc Kinh đã tái áp dụng một số biện pháp cách ly nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của virus. Mới một tuần trước, đất nước tỷ dân đã nới lỏng chính sách COVID, làm dấy lên hy vọng về khả năng mở cửa trở lại hoàn toàn.

Bà Seema Shah, Giám đốc chiến lược toàn cầu tại công ty quản lý tài sản Principal Asset Management, cho rằng việc Trung Quốc tái mở cửa “sẽ có tác động cực kỳ tích cực tới tăng trưởng kinh tế”.

“Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng theo dõi các diễn biến mới do việc nghiêm túc triển khai kế hoạch tái mở cửa sẽ ảnh hưởng lớn tới triển vọng đầu tư”, bà Shah viết trong báo cáo phân tích ngày 22/11.

Các chỉ số chứng khoán khởi sắc khi lợi suất trái phiếu đi xuống trong bối cảnh nhà đầu tư hướng sự chú ý tới triển vọng năm 2023. Thị trường đang đánh giá phát biểu của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lạm phát và lãi suất.

Hôm đầu tuần, bà Loretta Mester, Chủ tịch chi nhánh Cleveland của Fed, nhận định rằng các số liệu lạm phát gần đây rất đáng khích lệ và bà sẽ ủng hộ việc giảm tốc độ nâng lãi suất trong các cuộc họp tiếp theo của Fed.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đang dần hạ nhiệt.

Cuối tuần trước, ông Raphael Bostic, Chủ tịch chi nhánh Atlanta của Fed, cũng tỏ ý ủng hộ việc giảm tốc độ thắt chặt để giúp nền kinh tế hạ cánh mềm, tức là vừa kiểm soát lạm phát và vừa tránh suy thoái. Ông Bostic cho rằng lãi suất không nên tăng thêm quá 100 điểm cơ bản (bps) từ khoảng 3,75 - 4% hiện nay, đồng nghĩa với việc mức lãi suất cuối cùng sẽ chỉ ở khoảng 4,75 - 5%.

Trao đổi trên kênh CNBC ngày 22/11, ông Phil Camporeale, Giám đốc quản lý danh mục của JPMorgan Asset Management, cho rằng phát biểu của các quan chức Fed đã “giải tỏa bớt gánh nặng trên vai các nhà đầu tư”.

Ông Mike Wilson, Giám đốc đầu tư của Morgan Stanley, dự báo “lạm phát sẽ giảm sốc” trong giai đoạn từ nay đến cuối năm sau. Chỉ số giá tiêu dùng vào tháng 6/2023 có thể sẽ chỉ tăng 4 - 5% so với một năm trước, lạm phát vào cuối năm 2023 có khả năng quay về ngưỡng 2 – 3%.

Giá dầu hồi phục sau khi Arab Saudi tuyên bố OPEC+ sẽ duy trì chính sách cắt giảm sản lượng đã công bố trước đó, trái ngược với tin đồn nâng sản lượng. Biểu đồ bên dưới cho thấy cổ phiếu năng lượng là nhóm đi lên mạnh mẽ nhất thị trường phiên 22/11. Các đại gia dầu khí Chevron và ExxonMobil tăng lần lượt 2,6% và 2,9%.

Tất cả nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều đi lên trong phiên 22/11.

Sau khi thị trường đóng cửa, tập đoàn sản xuất máy tính HP và hãng bán lẻ Nordstrom cùng công bố kết quả kinh doanh. Sang ngày thứ Tư (23/11), báo cáo số người xin trợ cấp thất nghiệp và tâm lý người tiêu dùng sẽ được công bố.

Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tạm nghỉ trong ngày thứ Năm (24/11) và đóng cửa sớm vào ngày thứ Sáu (25/11).

Song Ngọc