Chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ 4 liên tiếp trong mùa kết quả kinh doanh
Chỉ số S&P 500 tăng 0,34% lên 4.486,46 điểm, trung bình công nghiệp Dow Jones và Nasdaq Composite cũng thêm lần lượt 0,1% và 0,8%.
Theo CNBC, nhiều tập đoàn lớn sẽ công bố lợi nhuận quý III trong tuần này bao gồm Netflix, Johnson & Johnson, United Airlines và Procter & Gamble vào thứ Ba (19/10). Những ngày sau đó sẽ đến lượt Tesla, Verizon và IBM.
Tuần trước, kết quả kinh doanh khả quan của nhiều tên tuổi, bao gồm các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, đã thúc đẩy các chỉ số tiến lên rất gần đỉnh lịch sử. Dow Jones hiện chỉ còn cách mức kỷ lục cũ 1%, S&P 500 và Nasdaq Composite còn kém lần lượt 1,3% và 2,5%.
Một số thông tin kém tích cực đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư đầu phiên 18/10. Trung Quốc mới đây công bố tăng trưởng GDP quý III chỉ đạt 4,9%, thấp hơn mức 5,2% mà các nhà kinh tế của Reuters dự báo.
Sản lượng công nghiệp tháng 9 tại Trung Quốc tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng thấp hơn kỳ vọng là 3,8%.
Tại Mỹ, sản lượng công nghiệp tháng 9 giảm gần 1,29%, mức giảm sâu nhất kể từ tháng 2 năm nay, số liệu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ngày 18/10 cho thấy. Theo CNBC, nguyên nhân là các đứt gãy của chuỗi cung ứng đã gây cản trở nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm có lúc tăng lên mức 1,627% trong phiên đầu tuần. Vài tháng gần đây, việc lợi suất đi lên từng gây ra nhiều sóng gió cho nhóm cổ phiếu công nghệ.
Disney sụt 3% sau khi ngân hàng Barclays hạ mức khuyến nghị cổ phiếu này và dự đoán tốc độ tăng trưởng người xem phát trực tuyến (streaming) sẽ chậm lại.
Theo số liệu của FactSet, cho đến nay đã có 41 doanh nghiệp thuộc S&P 500 thông báo lợi nhuận quý III, khoảng 80% trong số này vượt dự báo của giới phân tích. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của toàn bộ chỉ số S&P 500 so với quý III năm ngoái ước tính khoảng 30%.
Theo CNBC, trong các buổi họp công bố kết quả hoạt động, các nhà đầu tư sẽ đặc biệt chú ý tới các nhận định của lãnh đạo doanh nghiệp về tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và lạm phát do đây là những yếu tố đã, đang và sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động kinh tế.
Ông Ed Hyman, Chủ tịch công ty tư vấn đầu tư Evercore ISI, nhận định: "Tăng trưởng trong năm 2022 nhiều khả năng sẽ được hỗ trợ bởi tác động trễ của các kích thích tiền tệ cũng như tác động trễ của việc tài sản ròng của người dân tăng lên, tái mở cửa nền kinh tế và hoạt động xây dựng lại hàng tồn kho".
"Các vấn đề về chuỗi cung ứng nhiều khả năng sẽ giảm bớt. Các đơn hàng chưa hoàn thành trong năm nay sẽ được đáp ứng trong năm sau. Tiền lương sẽ tăng lên, giúp cải thiện thu nhập của người tiêu dùng", ông Hyman nói thêm.