|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Những nguy cơ với chứng khoán Mỹ trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III

09:05 | 11/10/2021
Chia sẻ
Hầu hết các chuyên gia đều kỳ vọng chứng khoán Mỹ sẽ có mùa báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng, nhưng rủi ro về lạm phát và chi phí gia tăng có thể khiến nhà đầu tư bất an.
Những yếu tố cản đường chứng khoán Mỹ trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III - Ảnh 1.

Nhà đầu tư trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. (Ảnh: Reuters).

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh khởi động trong tuần này có thể giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh.

Tuần trước, các nhà lập pháp đã thông qua dự luật để gia hạn trần nợ cho đến tháng 12, tạm thời dẹp bỏ mối nguy vỡ nợ ám ảnh nhà đầu tư trong thời gian qua. Tính chung cả tuần qua, chỉ số S&P 500 đi lên 0,8% và chỉ còn cách đỉnh lịch sử 3,4%.

Những yếu tố cản đường chứng khoán Mỹ trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III - Ảnh 2.

Goldman Sachs giữ nguyên dự báo lạc quan cho cả năm 2021. Ông David Kostin, chuyên gia chứng khoán Mỹ của Goldman Sachs viết trong lưu ý gửi tới khách hàng rằng ông vẫn dự báo chỉ số S&P 500 leo lên 4.700 điểm vào cuối năm, cao hơn gần 7% so với mức hiện tại.

Goldman Sachs đánh giá tỷ suất lợi nhuận 17% từ đầu năm đến nay của chỉ số S&P 500 chủ yếu là nhờ vào tăng trưởng lợi nhuận, và yếu tố này sẽ tiếp tục là động lực chính trong thời gian tới.

Mùa báo cáo khởi động

Mùa báo cáo quý III - bắt đầu với các ngân hàng lớn – được kỳ vọng là sẽ công bố một loạt báo cáo mạnh mẽ, bất chấp một số lo ngại về vấn đề chuỗi cung ứng và chi phí gia tăng. Theo FactSet, lợi nhuận quý III được ước tính tăng 27,6% so với năm trước, mức tăng trưởng cao thứ ba kể từ năm 2010.

Ông Ryan Detrick, Giám đốc đầu tư của LPL Financial cho biết: "Mọi ánh mắt sẽ đổ dồn vào xem lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý vừa qua có phù hợp với việc chứng khoán gần sát với mức đỉnh cao nhất mọi thời đại hay không".

"Chúng tôi kỳ vọng chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục có mùa báo cáo thu nhập mạnh mẽ, nhưng chúng ta đã có một số cảnh báo từ những nhân vật lớn, nên doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng kỳ vọng khá cao trong quý này. Hãy chuẩn bị tinh thần sẵn sàng".  

Những nguy cơ với chứng khoán Mỹ trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III - Ảnh 3.

Lợi nhuận của doanh nghiệp là tâm điểm trong tuần này với các báo cáo từ JPMorgan Chase, Bank of America, Morgan Stanley, Citigroup và Goldman Sachs, CNBC cho biết. 

Ông Jim Paulsen, Giám đốc đầu tư của Leuthold Group dự đoán: "Lợi nhuận trong quý III sẽ tiếp tục mạnh mẽ và vượt quá kỳ vọng. Số giờ làm việc trong quý III tăng khoảng 5% cho thấy GDP thực tế có thể tăng tới gần 7%. Tăng trưởng GDP thực vững chắc sẽ lại tạo ra mùa báo cáo thu nhập mạnh mẽ đáng ngạc nhiên".

Ông Paulsen nhận định mùa báo cáo sẽ giúp ích cho cổ phiếu chu kỳ như ngân hàng và cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn là nhóm công nghệ.

"Thị trường chứng khoán Mỹ đã cho thấy dấu hiệu nhóm dẫn dắt thị trường đang thay đổi từ cổ phiếu phòng thủ, công nghệ, tăng trưởng sang những nhóm nhạy cảm với kinh tế như cổ phiếu thuận chu kỳ và vốn hóa nhỏ", ông nói thêm.

Cảnh báo chuỗi cung ứng và chi phí gia tăng

Tuy chứng khoán Mỹ được đông đảo kỳ vọng rằng sẽ có mùa báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng, một số dấu hiệu cảnh báo về lạm phát và tắc nghẽn chuỗi cung ứng vẫn có thể hù dọa thị trường về bối cảnh cuối năm.

Ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group thận trọng: "Rủi ro lạm phát tăng, Fed cắt giảm mua trái phiếu có nghĩa là mùa báo cáo sắp tới sẽ không hề yên ả".

Tuần vừa qua đã có một số điềm báo trước: Giá cổ phiếu chuỗi bán lẻ Bed Bath and Beyond lao dốc 25% sau khi công ty tiết lộ lưu lượng khách sụt giảm mạnh trong tháng 8. Bed Bath & Beyond chứng kiến chi phí lạm phát leo thang trong những tháng mùa hè, đặc biệt là vào tháng 8, khiến lợi nhuận bị ăn mòn.

Điều nhà đầu tư biết chắc là mùa báo cáo kinh doanh sẽ có cả những công ty khấm khá lẫn kẻ khó khăn.  

Dữ liệu của FactSet cho thấy 47 doanh nghiệp thuộc S&P 500 đã đưa ra dự báo lợi nhuận tiêu cực cho quý III, và 56 công ty công bố triển vọng tích cực.

Lực cản từ Fed?

Báo cáo việc làm công bố ngày 8/10 gây ra thất vọng lớn lao khi kinh tế Mỹ chỉ tạo ra thêm 194.000 việc làm trong tháng 9, thấp hơn nhiều ước tính của Dow Jones là 500.000.

Về mặt tích cực, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 4,8%, thấp hơn nhiều dự đoán của các nhà kinh tế và bằng với tình hình cuối năm 2016.

Chưa rõ những số liệu trên sẽ ảnh hưởng thế nào đến quyết định giảm tốc (taper) chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD/tháng của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Ông Christopher Harvey, nhà phân tích chứng khoán cấp cao của Wells Fargo Securities đánh giá: "Theo quan điểm của chúng tôi thì số liệu việc làm đã đủ tốt. Và với nỗi lo trần nợ đã được dẹp sang một bên, nhiều khả năng tháng 11 sẽ là lúc Fed bắt đầu taper".

"Chúng tôi tiếp tục dự đoán thị trường sẽ có cuộc phục hồi bấp bênh. Cổ phiếu công nghệ sẽ đi lên trong 2 hay 4 tuần nhưng sụt giảm khi Fed tuyên bố: Chúng tôi sẽ bắt đầu taper", ông nói thêm.

Giang

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.