|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ tăng điểm tuần thứ hai liên tiếp khi dịch covid-19 diễn biến phức tạp

07:21 | 15/02/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ phiên cuối tuần 14/2 không biến động nhiều. Khi tính chung cả tuần, các chỉ số đều tăng điểm trong bối cảnh dịch covid-19 tiếp tục lan rộng tại Trung Quốc, đe dọa ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 25,23 điểm (gần 0,1%) kết phiên 14/2. Trong phiên, có lúc chỉ số này mất hơn 100 điểm. Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cùng đóng cửa tăng khoảng 0,2% và lập đỉnh lịch sử mới.

Chứng khoán Mỹ tăng điểm tuần thứ hai liên tiếp khi dịch covid-19 diễn biến phức tạp - Ảnh 1.

Biến động chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 14/2. Nguồn: Bloomberg.

Các chỉ số cùng chạm đáy của phiên vào khoảng buổi trưa rồi hồi phục dần sau khi CNBC đưa tin Nhà Trắng đang xem xét ưu đãi thuế cho người Mỹ mua cổ phiếu.

Dù phiên 14/2 giao dịch ảm đảm và không có biến động lớn, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm đáng kể khi tính chung cả tuần. Cụ thể S&P 500 và Dow Jones tăng lần lượt 1,6% và 1%. Nasdaq vọt lên 2,2% trong tuần qua.

Các cổ phiếu Amazon, Netflix và Alphabet (công ty mẹ của Google) đều tăng trên 2% trong tuần. Apple đi lên chậm rãi hơn với 1,5%.

Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến tích cực dù tình hình dịch virus corona (covid-19) còn rất phức tạp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hôm 14/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo nước này có thêm 5.090 ca nhiễm và 121 ca tử vong vì covid-19.

Đến nay dịch covid-19 đã làm ít nhất 1.500 người chết và gần 67.000 người nhiễm bệnh trên khắp thế giới, chủ yếu là tại Trung Quốc.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết đã điều chỉnh giảm số người chết đi 108 ca do trước đó thống kê trùng. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Trung Quốc điều chỉnh số liệu về tình hình dịch covid-19, khiến nhiều người nghi ngờ về tính chính xác của các thống kê từ trước tới nay.

Các chuyên gia tại công ty nghiên cứu MRB Partners nhận định: “Do không biết chắc cuộc khủng hoảng covid-19 này sẽ kéo dài đến bao giờ, nhà đầu tư thường tỏ ra trung thành với những cổ phiếu đem lại lợi nhuận trước đây và những doanh nghiệp ít phụ thuộc vào nền kinh tế châu Á”.

“Đây là lí do vì sao một số cổ phiếu tăng trưởng chọn lọc, đặc biệt là ở Mỹ, liên tục được đẩy giá lên cao”, MRB Partners nói thêm.

Về số liệu vĩ mô, theo thông tin do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 14/2, doanh số bán lẻ cốt lõi (không tính xe hơi, xăng dầu, vật liệu xây dựng và dịch vụ ăn uống) của tháng 1/2020 không thay đổi so với tháng 12/2019. Doanh số bán lẻ nói chung chỉ tăng 0,3%.

Ông Peter Cardillo, Kinh tế trưởng tại Spartan Capital Securities nhận định: “Người tiêu dùng đang chi tiêu ít đi. Nhiều người đã dùng hết hạn mức thẻ tín dụng, tổng nợ tiêu dùng tăng lên trong thời gian qua và do vậy sẽ khó có thể chi tiêu nhiều dù giá xăng dầu giảm xuống”.

Về phần các doanh nghiệp, hãng sản xuất chip Nvidia công bố kết quả kinh doanh quí IV vượt kì vọng của các nhà phân tích, cổ phiếu tăng 7% trong phiên 14/2. Tương tự Expedia và Newell Brands tăng lần lượt 11% và 3%.

Theo số liệu của FactSet, đến nay đã có hơn 77% số doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 công bố lợi nhuận, khoảng 72% trong số này vượt kì vọng của giới phân tích.

Song Ngọc

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.