Chứng khoán Mỹ sa sút khi lợi suất lên cao, Nasdaq giảm 7 phiên liên tiếp
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 173 điểm, tương đương 0,55%, và đóng cửa ở 31.145 điểm. Trong phiên, Dow Jones có lúc rớt xuống 31.048 điểm, sau đó hồi phục một phần do được hỗ trợ bởi các cổ phiếu mang tính phòng thủ như Johnson & Johnson và Coca-Cola.
S&P 500 giảm 0,41% còn 3.908 điểm. Nasdaq Composite sụt 0,71% xuống còn gần 11.545 điểm. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là phiên giảm thứ 7 liên tiếp của Nasdaq, đánh dấu chuỗi đi xuống dài nhất kể từ năm 2016.
Sáng 6/9, Viện Quản lý nguồn cung (ISM) công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành dịch vụ tháng 8 đạt 56,9 điểm, cao hơn con số 55,5 điểm mà các nhà kinh tế của Dow Jones kỳ vọng và trái ngược với kết quả bi quan 43,7 điểm mà S&P Global đưa ra.
Chỉ số PMI trên 50 điểm cho thấy hoạt động kinh tế đang mở rộng, trong khi dưới 50 điểm thể hiện hoạt động kinh doanh thu hẹp.
Sau khi số liệu PMI của ISM được công bố, mặt bằng lợi suất của Mỹ tiếp tục đi lên từ tuần trước, bao gồm các kỳ hạn từ ngắn (2 năm) đến dài (20-30 năm). Biểu đồ bên dưới cho thấy đà tăng của lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm từ đầu 2022 đến nay.
Lợi suất tăng khiến cho dòng tiền càng chảy mạnh hơn khỏi thị trường cổ phiếu, đặc biệt là nhóm ngành tăng trưởng và nhạy cảm với lãi suất như viễn thông và công nghệ. Thống kê sau đây cho thấy biến động của từng nhóm cổ phiếu trong phiên 6/9.
Từ đầu năm 2022 đến nay, S&P 500 đã có 81 phiên biến động trên 1%, nhiều nhất kể từ năm 2000. Trong số này có 39 phiên tăng và 42 phiên giảm.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa có dấu hiệu sẽ chùn tay trong việc nâng lãi suất để chống lạm phát, vì vậy trong khoảng 80 phiên giao dịch còn lại của năm 2022, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục biến động mạnh.
Số liệu PMI ngành dịch vụ tháng 8 khả quan mới được công bố càng cho Fed thêm lý do để thắt chặt tiền tệ mà không cần quá lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh tế.