|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ ngày càng có nét giống chứng khoán Trung Quốc

16:27 | 02/12/2020
Chia sẻ
Sự trỗi dậy của nhà đầu tư nhỏ lẻ là điều tốt cho Phố Wall. Người hiểu rõ nhất điều này là các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục.
Chứng khoán Mỹ ngày càng có nét giống chứng khoán Trung Quốc - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

COVID-19 đã đánh thức đội quân nhà đầu tư nhỏ lẻ. Giờ họ chiếm tới 1/5 khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ, tăng gấp đôi sự hiện diện so với một thập kỉ trước. Theo Bloomberg, các nhà giao dịch trong ngày (day trader) thậm chí còn dấn thân vào các sản phẩm kì lạ, như các quĩ ETF theo chủ đề hay quyền chọn ngắn hạn mua cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn.

Sự trỗi dậy của nhà đầu tư nhỏ lẻ là sự thay đổi đáng chú ý trong cơ cấu thị trường chứng khoán Mỹ. Xét theo khối lượng giao dịch, đòn bẩy và số tài khoản mới mở tại các công ty chứng khoán trực tuyến như Robinhood, Mỹ đang bắt đầu giống với Trung Quốc, nơi các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể chiếm tới 80% tổng giao dịch.

Giới quản lí quĩ có thể không thích cơn sốt này vì họ không còn đứng ở vị trí dẫn đầu nữa và không phải lúc nào cũng hiểu động lực của thị trường. Nhưng về tổng thể, việc nhà đầu tư nhỏ lẻ tăng cường tham gia thị trường là điều tốt, đặc biệt là khi các quĩ bị động đã vượt quá các quĩ chủ động về tài sản đang quản lí. Các nhà đầu tư cá nhân liên tục săn lùng thông tin từ các phòng chat trực tuyến khiến cho định giá trở nên hiệu quả hơn.

Lấy ví dụ như Trung Quốc. Dù có khối lượng giao dịch cao ngất ngưởng, thị trường đại lục có thể lí trí một cách đáng ngạc nhiên. Phân tích của Bloomberg cho thấy nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến giá chứng khoán Trung Quốc trong ba năm qua là điều chỉnh ước tính thu nhập, tiếp theo là lợi nhuận và đà biến động giá. Nhà đầu tư Trung Quốc cũng chú ý đến lời nói của các chuyên gia phân tích chứng khoán.

Nếu bạn xây dựng danh mục tỉ trọng cân bằng, mua các cổ phiếu nằm trong top 20% có thay đổi tích cực nhất trong giá mục tiêu đồng thời bán khống nhóm 20% dưới cùng, bạn sẽ đạt lợi nhuận tích lũy hơn 60% trong ba năm (danh mục được tái cân bằng mỗi tháng).

Chiến lược trên không thể thành công tại Mỹ. Các nhà quản lí quĩ tập trung theo đuổi cổ phiếu tăng trưởng, bỏ qua những tín hiệu tài chính quan trọng mà các nhà giao dịch trong ngày ở Trung Quốc coi trọng, ví dụ như tình hình bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.

Sự sáng suốt của nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể là lí do vì sao thị trường nội địa Trung Quốc có sức bật tốt hơn chứng khoán Mỹ trong đợt bán tháo toàn cầu hồi tháng 3. Ở thời điểm đó, tiền mặt là vua.

Không cần lo lắng

Một số người lo ngại rằng nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể đẩy thị trường lên quá nóng. Năm 2015, nhà đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc đã thổi phồng bong bóng khổng lồ, kéo chỉ số CSI 300 tăng gấp đôi trong 8 tháng trước khi đổ vỡ tan tành. Năm 2020, giới đầu tư Mỹ cũng có bước đi tương tự với chỉ số S&P 500 tăng hơn 60% so với đáy hồi tháng 3.

Nhưng chưa chắc mọi chuyện sẽ kết thúc trong nước mắt. Trong mỗi tuần kể từ năm 1987, Khảo sát Tâm lí Nhà đầu tư Mỹ đều hỏi các nhà giao dịch nhỏ lẻ câu hỏi đơn giản: Họ cảm thấy thị trường chứng khoán sẽ như thế nào trong 6 tháng tới: tăng điểm, giảm điểm hay đi ngang.

Từ 1987 đến nay có tổng cộng 115 lần những người được hỏi tỏ ra vô cùng lạc quan - với lần gần đây nhất là vào tháng 11, theo công ty chứng khoán CLSA. Khi xem xét hiệu suất của chỉ số S&P 500 từ 10 đến 90 ngày sau những lần như vậy, CLSA phát hiện rằng sự hưng phấn của nhà đầu tư không phải chỉ số cho thấy thị trường sẽ đi lên. 

Trên thực tế, trung bình cổ phiếu chỉ tăng 1,6% sau ba tháng. Chỉ 1/3 trong số những lần nhà đầu tư quá lạc quan kết thúc với lợi nhuận âm.

Nhà đầu tư Mỹ có thể cảm thấy lo lắng khi bị so sánh với Trung Quốc vì thị trường đại lục có khá nhiều sự bất thường, từ cơn sốt trái phiếu chuyển đổi cho đến những màn IPO quá hoành tráng. 

Nhưng những bất thường này là kết quả của các qui tắc thị trường yếu kém mà các nhà đầu tư bán lẻ hiểu biết tận dụng để kiếm tiền, chứ không phải là điều mà một thị trường phát triển như Mỹ phải lo lắng. Tiền của nhà đầu tư nhỏ lẻ không phải dòng tiền dại dột; nó chỉ khơi dậy phản ứng xốc nổi của thị trường.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.