|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ mất điểm sau cảnh báo của đại gia bán lẻ

07:19 | 17/11/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 16/11 giảm điểm khi nhà đầu tư đón nhận kết quả kinh doanh tiêu cực từ tập đoàn bán lẻ Target, hàng loạt cổ phiếu bán lẻ cùng lao dốc.

  S&P 500 hiện nay đang kém đầu năm 16,9%, Nasdaq Composite thấp hơn 28,5% và Dow Jones giảm 7,7%.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 0,12% và đóng cửa ở gần 33.554 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm sâu hơn khi mất 0,83% và kết phiên ở gần 3.959 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite thiệt hại nặng nề nhất khi giảm 1,54% và dừng ở gần 11.184 điểm.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng giảm đan xen trong 4 phiên gần đây. 

Theo CNBC, các chỉ số đồng loạt đi xuống sau khi tập đoàn bán lẻ Target công bố lợi nhuận quý III (gồm các tháng 8, 9 và 10) giảm sút.

Target đạt được nhiều tiến bộ trong việc cắt giảm lượng hàng tồn kho dư thừa nhưng nỗ lực này cũng khiến cho lợi nhuận bị ảnh hưởng. Lãi ròng của Target trong quý III vừa qua giảm quá nửa so với cùng kỳ năm ngoái, từ 1,49 tỷ USD còn 712 triệu USD.

Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) giảm từ 3,04 USD xuống còn 1,54 USD, thấp hơn nhiều so với mức 2,13 USD mà các nhà phân tích của Refinitiv kỳ vọng.

Target từng cam kết với nhà đầu tư sẽ đạt biên lợi nhuận hoạt động 6% khi cắt giảm mục tiêu lợi nhuận lần thứ 2 trong năm. Tuy nhiên trong quý III vừa qua, biên lợi nhuận hoạt động của Target chỉ đạt 3,9%.

Theo CNBC, việc các hộ gia đình phải lo lắng ứng phó với lạm phát cao khi mùa mua sắm cuối năm đang đến gần đã ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh của Target.

 Người dân Mỹ đang phải gồng mình chống chịu lạm phát cao.

Bà Christina Hennington, Giám đốc Tăng trưởng của Target, cho biết mức độ nhạy cảm về giá của khách hàng đã tăng mạnh trong hai tuần cuối của tháng 10. Doanh số đi xuống khi người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, phải lựa chọn giữa những món đồ mình muốn và mặt hàng mình cần. Xu hướng suy giảm doanh số còn kéo dài sang những ngày đầu của tháng 11, bà Hennington cho biết.

Giá cổ phiếu Target lao dốc 13% trong phiên 16/11, đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 5. Nhiều cổ phiếu bán lẻ khác như Macy’s, Nordstrom, Kohl’s và Gap đều sụt giảm 6-8%. Biểu đồ dưới đây cho thấy nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu là một trong hai nhóm cổ phiếu đi xuống mạnh nhất phiên vừa qua.

Hầu hết nhóm cổ phiếu giảm sút trong phiên 16/11.

Ông Brian Levitt, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco, cho rằng bức tranh ngành bán lẻ hiện nay có nhiều mảng màu sáng tối lẫn lộn. Số liệu doanh số bán lẻ toàn quốc được công bố vào sáng 16/11 có thông điệp trái ngược với cảnh báo từ Target.

“Doanh số bán lẻ cả nước cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu, trong khi Target lại cảnh báo một mùa mua sắm cuối năm ảm đạm. Chúng tôi đồng ý với Target nhiều hơn. Chính sách tiền tệ thắt chặt được đưa ra nhằm khiến mọi người cảm thấy mình bớt giàu so với trước, tiêu dùng ít đi, lạm phát hạ nhiệt”.

Target là một trong 10 nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ sáng 16/11 cho biết doanh số bán lẻ tháng 10 đạt 694,5 tỷ USD, tăng 1,3% so với tháng liền trước và nhỉnh hơn mức tăng 1,2% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.

Doanh số này chưa được điều chỉnh theo lạm phát. Tháng 10 vừa qua, mặt bằng giá cả đo lường theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,4% so với tháng 9.

Doanh số của các cửa hàng xăng dầu tăng 4,1%, dẫn đầu toàn nền kinh tế. Các nhà hàng và quán bar theo sau với doanh số tăng 1,6%. Tiêu thụ ở các cửa hàng thực phẩm và đồ uống tăng 1,4%, doanh số bán hàng online thêm 1,2%.

Doanh số bán lẻ tháng 10 khả quan hơn dự báo của các nhà kinh tế.

Đức Quyền

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Nhiều cái tên lãi vượt tỷ đô, tín dụng tăng trưởng hai con số
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.