Chứng khoán Mỹ không còn sợ tâm lý lạc quan
Suốt năm 2021, hàng loạt cuộc khảo sát, dữ liệu dòng tiền và hoạt động trên thị trường quyền chọn đều chỉ ra rằng mọi nhà đầu tư lớn bé đều lạc quan bất thường. Nhưng mọi chỉ số chứng khoán lớn đều miệt mài lập đỉnh lịch sử mới, đưa chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lên cao hơn 13% so với đầu năm năm.
Giới phân tích từ lâu đã dựa vào tâm lý và dữ liệu liên quan về chấp nhận rủi ro để làm chỉ báo ngược (contrarian indicator). Nói đơn giản, lối suy nghĩ của các nhà phân tích là: Khi nhà đầu tư thấy bạn bè, đồng nghiệp và người lạ cùng đổ tiền vào thị trường và khoe với anh ta về điều này, thì đó là lúc phải tháo chạy. Tương tự, khi mọi người bán ra thì nhà đầu tư nên vơ lấy bằng cả hai tay.
Nhưng trong phần lớn năm nay, làm theo đám đông đã giúp nhà đầu tư gặt hái khoản lời lớn, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết. Giờ chính là lúc giới phân tích và các nhà quản lý danh mục phải thực sự tự hỏi liệu lần này thực sự khác với những lần trước.
Ông Jason Goepfert, Chủ tịch Sundial Capital Research thừa nhận: "Trong suốt một khoảng thời gian, chúng tôi đã lắc đầu không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Thị trường đang làm đảo lộn hết những chỉ báo từng rất đáng tin cậy trong quá khứ".
Tuần này, nhà đầu tư sẽ theo dõi xem liệu tâm lý thị trường có dao động hay không. Một vài chỉ báo đã cho thấy dấu hiệu tâm lý đã bắt đầu suy yếu, tuy tinh thần lạc quan hầu như vẫn lớn hơn hoặc gần trung bình trong dài hạn.
Tỷ trọng phân bổ tài sản tài chính sang cổ phiếu của hộ gia đình Mỹ đã tiến sát 60% vào cuối tháng 3, gần bằng mức kỷ lục 61,7% trong bong bóng dotcom, theo dữ liệu từ Ned Davis Research.
Khảo sát tháng 7 của công ty môi giới chứng khoán E*Trade phát hiện rằng tâm lý tích cực trong số nhà đầu tư trẻ tuổi của hãng đã lên đến mức cao nhất trong vòng ba năm, nhảy vọt lên 65%.
Hệ số quyền chọn bán/quyền chọn mua cổ phiếu – đo lường khối lượng các khoản đặt cược tiêu cực so với tích cực – ghi nhận mức độ lạc quan liên tục chưa từng thấy kể từ năm 2000.
Không khó để thấy đâu là nhân tố đã giúp chỉ số S&P 500 lập 39 kỷ lục trong năm nay. Đáng chú ý nhất là sự kết hợp mạnh mẽ của kích thích tài khóa và chính sách tiền tệ dễ dàng đã đem lại cho nhà đầu tư đầy tiền mặt và ít lựa chọn để thu được lợi nhuận ổn định. Sự xuất hiện của đội quân nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đem lại cú hích cho giá chứng khoán.
Các nhà phân tích cho biết sự kết hợp của những yếu tố trên đã cung cấp cho nhà đầu tư đủ động lực và cơ hội để ngó lơ dấu hiệu tâm lý lạc quan thái quá cũng như những rủi ro khác như lạm phát và COVID-19.
Gần đây, độ rộng thị trường – thước đo cho thấy có bao nhiêu cổ phiếu tham gia vào đà tăng – đã suy giảm, kể cả khi các chỉ số lớn liên tiếp lập đỉnh lịch sử.
Trong phiên 15/7, chỉ có khoảng 49% cổ phiếu thuộc S&P 500 được giao dịch với giá cao hơn đường trung bình động 50 ngày, theo FactSet. Tỷ lệ 49% thấp hơn nhiều mức trung bình và tương phản rõ rệt với diễn biến của vài tháng trước, khi con số này đạt trên 90%.
Độ rộng thị trường thấp là dấu hiệu đáng ngại trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục duy trì tâm lý phấn khởi, theo bà Liz Ann Sonders, Giám đốc đầu tư của Charles Schwab.
"Bất kỳ nhà quan sát tâm lý lâu năm nào cũng biết rằng độ rộng thị trường là sự bù đắp tích cực cho tình trạng cảm xúc cực đoan. Nhưng khi độ rộng bắt đầu suy giảm còn thị trường vẫn ở vùng đỉnh mọi thời đại, và tâm lý không chịu ảnh hưởng gì, thì đó là lúc rắc rối thực sự hình thành".
Nhưng bà Sonders cũng nói rằng trạng thái phấn khích của thị trường có thể được duy trì trong thời gian dài, giống như cuối thập niên 1990.
Theo lưu ý gần đây từ Charles Schwab, trong quá khứ, khi tài sản cổ phiếu của các hộ gia đình Mỹ tăng lên mức cao nhất thì chỉ số S&P có xu hướng sản sinh ra lợi nhuận khiêm tốn trong những năm tiếp theo.
Ví dụ, khi phân bổ tài sản tài chính cho cổ phiếu của hộ gia đình tăng lên 54,6% hoặc hơn – như trong bong bóng dotcom – thì tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm trong 10 năm tiếp theo của chỉ số S&P 500 là 4,1%.
Ngược lại, khi phân bổ cho cổ phiếu chỉ vào khoảng 29% hoặc thấp hơn, tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm trong 10 năm tiếp theo là 16,3%.
Tuy nhiên, những điều kiện độc đáo trong thị trường năm nay có thể cho phép chứng khoán tiến xa hơn nữa.
Chủ tịch Goepfert của Sundial Capital Research nói: "Thị trường đang hành động theo ý riêng. Điều gì đó đã thay đổi, có thể là kích thích tài khóa lớn chưa từng thấy hoặc sự thay đổi thế hệ với các nhà đầu tư trẻ. Làn sóng mới này vào thị trường đẩy chứng khoán lên cao mãi".