Các quỹ đầu tư chèo lái qua COVID-19 bằng cách trung thành với chiến lược cũ
COVID-19 đảo lộn gần như tất cả mọi thứ, bao gồm cả quỹ đạo của nền kinh tế số một thế giới. Mỹ rơi vào một trong những cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử và rồi lại phục hòi với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ.
Thế nhưng vẫn có một điều hiếm hoi không hề thay đổi trong suốt đại dịch: Khẩu vị của những chuyên gia chọn cổ phiếu.
Theo Bloomberg, các nhà quản lý quỹ chủ động vẫn ưa chuộng cổ phiếu tăng trưởng ổn định hơn là cổ phiếu rẻ và tránh những ngành nhạy cảm với nền kinh tế như ngân hàng và năng lượng. Đây chính xác là những gì họ đã làm khi thị trường chứng khoán Mỹ đổ nhào vào tháng 3/2020.
Dữ liệu tổng hợp bởi Bank of America cho thấy sở thích của các nhà quản lý quỹ về các nhóm ngành hiện nay gần như giống hệt 16 tháng trước, ngoại trừ ác cảm ngày càng gia tăng đối với các công ty công nghiệp. Trên thực tế, gần 3/4 cổ phiếu được yêu thích vẫn nằm trong danh mục đầu tư của các nhà quản lý quỹ.
Bà Savita Subramanian, Giám đốc đầu tư cổ phiếu Mỹ của Bank of America nhận xét: "Thật khó hiểu khi thấy danh mục đầu tư điển hình hầu như không thay đổi trong khi thế giới đã chuyển biến rất nhiều trong một năm qua".
"Tôi đoán bên bán đã đánh giá hơn 10 năm qua và tự nhủ bản thân: "Đúng vậy, nền kinh tế đang phục hồi từ cú sốc khủng hoảng y tế, nhưng chúng ta không hẳn là đang bay vút lên trời xanh".
Theo Bloomberg, một nguyên nhân khả dĩ khác là chỉ có ít nhà đầu tư coi sự lây lan của COVID-19 là yếu tố thay đổi cuộc chơi vĩnh viễn. Một số người đã nói rằng đại dịch chỉ là sự gián đoạn trong thời kỳ tăng trưởng yếu ớt kéo dài. Họ cho rằng các đợt phong tỏa đã đẩy nhanh những xu hướng sẵn có như việc chuyển dịch sang tự động hóa và mua sắm trực tuyến. Cách suy nghĩ này lý giải tại sao nhiều quỹ đầu tư vẫn ưa chuộng cổ phiếu Internet và phần mềm.
Hồi đầu năm, các quỹ đầu cơ tăng cường mua cổ phiếu theo chu kỳ được hưởng lợi từ kinh tế tăng trưởng, nhưng gần đây đã chia tay với chúng. Do đó, vị thế cổ phiếu theo chu kỳ của các quỹ đầu cơ đã quay trở về mức sau khi đại dịch tấn công thị trường.
Tại các quỹ đầu tư chuyên giữ vị thế mua, giá trị chịu rủi ro đối với cổ phiếu chu kỳ đã tăng từ 11% hồi tháng 3/2020 lên 17%. Tuy nhiên, Bank of America đánh giá chuyển biến này chỉ thể hiện tâm lý lạc quan "tối thiểu".
Việc các quỹ giữ lập trường thận trọng là điều dễ hiểu. Trong 12 năm qua thì có đến 11 năm cổ phiếu giá trị - chủ yếu bao gồm cổ phiếu theo chu kỳ - tụt hậu so với cổ phiếu tăng trưởng. Tuy nhiên, những định kiến này có thể rất nguy hiểm.
Hồi tháng 5, ông Marko Kolanovic, Giám đốc đầu tư thị trường toàn cầu tại JPMorgan, cảnh báo rằng những nhà quản lý quỹ đã từ lâu kiếm lời từ xu hướng giảm phát cần nhanh chóng chuyển hướng. Nếu không, danh mục của họ có nguy cơ phải chịu "cú sốc lạm phát".
Không dám khác biệt
Theo lý thuyết, bây giờ là thời điểm tốt để lựa chọn cổ phiếu vì đại địch đã làm lộ ra công ty nào mạnh và công ty nào yếu. Nhưng phần lớn các nhà quản lý quỹ vẫn đứng yên.
Năm ngoái, vòng quay tài sản trung vị của các quỹ chủ động đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ và hiện vẫn nằm dưới 40%. Vòng quay tài sản được thể hiện dưới dạng tỷ lệ phần trăm của cổ phiếu được mua và bán trên tài sản của quỹ đầu tư. Trong khi đó, tỷ lệ này đạt đỉnh 56% hồi năm 2012, theo dữ liệu từ Bank of America.
Một trong những lý do khả dĩ là COVID-19 chưa kết thúc. Tuy kinh tế Mỹ đang bùng nổ trở lại, sự lây lan của các chủng virus mới khiến cho triển vọng trở nên mập mờ. Sự không chắc chắn đã dẫn đến những lần luân chuyển ngành thường xuyên và dữ dội.
Việc "bắt đúng mạch" những lần luân chuyển ngành không hề dễ dàng và sai lầm có thể khiến nhà đầu tư trả giá đắt. Điển hình là công nghệ, nhóm cổ phiếu được yêu thích đặc biệt trong giai đoạn đầu của đại dịch. Nhóm này đã mất một phần sức hút khi vắc xin COVID-19 được triển khai nhưng nay đã lấy lại vị thế trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại tăng trưởng giảm tốc.
Trong thời gian qua, nhóm cổ phiếu công nghệ đã đánh bại chỉ số S&P 500 tới 20 điểm %. Nhưng bỏ lỡ 10 ngày tốt đẹp nhất – hầu hết xảy ra vào nửa cuối năm 2020 – sẽ khiến nhà đầu tư tụt hậu 6 điểm % so với mặt bằng chung.
Ông Matt Tuttle, CEO tại Tuttle Capital Management thì nói với Bloomberg rằng việc các nhà quản lý quỹ ngần ngại thay đổi danh mục có thể phản ánh nỗi lo trở nên khác biệt với đám đông.
Ông Tuttle lý giải: "Từ góc độ rủi ro nghề nghiệp mà nói, nếu bạn làm giống hệt mọi người thì bạn luôn có thể biện hộ: "Chúng tôi đã bị vố đau. Nhưng những người khác cũng thế". Rất ít người sẵn sàng đi ngược với đám đông và do đó tất cả đều hành động giống hệt nhau".