|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Everest sắp phát hành hơn 108 triệu cổ phiếu, tăng vốn gấp đôi lên hơn 2.100 tỷ đồng

09:46 | 11/02/2022
Chia sẻ
Thông qua việc chào bán hơn 103 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 5,15 triệu cổ phiếu ESOP, dự kiến vốn điều lệ của Chứng khoán Everest sẽ tăng gấp đôi, từ 1.030 tỷ đồng lên gần 2.112 tỷ đồng.

Ngày 18/2, CTCP Chứng khoán Everest (Mã: EVS) sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 và sẽ trình HĐQT về kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. 

Theo tờ trình, Chứng khoán Everest dự kiến chào bán hơn 103 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương 100% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Kế hoạch dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2022 với giá chào bán là 10.000 đồng/cp.

Nếu chào bán thành công, dự kiến Chứng khoán Everest sẽ thu về hơn 1.030 tỷ đồng. Trong đó, công ty sẽ sử dụng 515 tỷ đồng nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ, 309 tỷ cho hoạt động đầu tư, tự doanh và 206 tỷ còn lại cho hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán, cung cấp dịch vụ tài chính, chứng khoán khác, mua sắm, thuê tài sản cố định (nếu có).

Cùng với đó, công ty cũng sẽ phát hành tối đa 5,15 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cp.

Nếu hoàn tất kế hoạch phát hành, dự kiến vốn điều lệ của công ty tăng gấp đôi từ 1.030 tỷ đồng lên gần 2.112 tỷ đồng.

Chứng khoán Everest vừa công bố báo cáo tài chính năm 2021 với doanh thu hoạt động đạt 1.113 tỷ đồng, tăng 216,7% so với năm 2020. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu là lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), tăng 160% lên 643 tỷ đồng. 

Công ty báo lợi nhuận trước thuế đạt 522,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 422 tỷ đồng, cùng gấp 7,4 lần thực hiện trong năm 2020. Theo đó, Chứng khoán Everest đã thực hiện 467% so với kế hoạch doanh thu và 643% mục tiêu lợi nhuận trước thuế đặt ra trong năm 2021. 

Năm 2022, công ty dự kiến sẽ trình HĐQT kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 1.626 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 485 tỷ đồng.

Bảo Ngọc

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.