|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán chiều cuối năm Kỷ Hợi: Phân hóa mạnh, NĐT phải chọn cổ phiếu kĩ, thận trọng với các mã cơ bản, thậm chí từng được xem là đầu tư giá trị

17:26 | 24/01/2020
Chia sẻ
Trong năm Kỷ Hợi, thị trường chứng kiến xu hướng phân hóa mạnh. Nhiều cổ phiếu tiến lên vùng đỉnh lịch sử như VCB, BID, MWG và FPT. Trong khi đó, một số mã lao dốc với hàng chục phiên giảm sàn như FTM, TTB, VRC, đáng chú ý là các mã từng có thị giá hàng trăm nghìn đồng như YEG, CTD.

Cổ phiếu Ngân hàng và "họ Vingroup" dẫn dắt đà tăng VN-Index năm Kỷ Hợi

Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại năm Kỷ Hợi (5/2/2019 - 24/1/2020 theo Dương Lịch) khởi sắc sau khi giảm sâu trong năm trước đó. VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019 theo Âm lịch ở 991,16 điểm, tăng 9,08% so với đầu năm. 

Diễn biến tích cực của VN-Index chủ yếu đến từ cổ phiếu nhóm Ngân hàng và ba mã thuộc "họ Vingroup". Dữ liệu tổng hợp từ Bloomberg cho thấy, 10 cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index thúc đẩy chỉ số tăng gần 126 điểm. Trong đó, ba mã ngân hàng là VCB, BID và CTG đóng góp 75,8 điểm tăng.

xxx - Ảnh 1.

Cổ phiếu VCB đóng vai trò lớn nhất trong việc thúc đẩy thị trường tăng điểm. Với việc tăng giá 66,78% trong năm Kỷ Hợi, mã này đóng góp 41,56 điểm tăng vào VN-Index. Theo sau đó, cổ phiếu BID tăng giá 81,61%, đóng góp 28,2 điểm tăng của chỉ số. 

Những cổ phiếu ngân hàng khác cũng góp phần tích cực vào sức tăng của VN-Index là CTG (5,99 điểm), VPB (2,51 điểm) và MBB (1,84 điểm). 

Bộ ba cổ phiếu "họ Vingroup" giao dịch khởi sắc trong năm Kỷ Hợi, giúp VN-Index tăng gần 29,5 điểm, cụ thể VIC (15,65 điểm), VHM (10,48 điểm), VRE (3,35 điểm). 

Top10 mã tác động tích cực nhất đến thị trường còn có các bluechips khác như GAS (6,73 điểm), MWG (4,95 điểm), HPG (4,48 điểm), FPT (3,96 điểm) và VJC (3,58 điểm).

xxx - Ảnh 2.

Mặc dù đánh giá khởi sắc trong năm vừa qua, nhưng VN-Index đã "năm lần bẩy lượt" không thể vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lí 1.000 điểm. Nguyên nhân đến từ việc một số bluechips giao dịch kém khởi sắc năm Kỷ Hợi, kéo tụt đà tăng của thị trường. 

Với việc giảm giá 31,89%, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan dẫn đầu nhóm tác động tiêu cực nhất đến đà tăng của thị trường. Theo đó, mã này khiến VN-Index mất 8,49 điểm. Liên quan đến MSN, cổ phiếu TCB của Techcombank giảm giá 11,03% năm Kỷ Hợi, kéo chỉ số giảm 3,28 điểm.

Hai mã vốn hóa lớn quen thuộc sàn HOSE là BVH và VNM cũng khiến chỉ số giảm lần lượt 5,86 điểm và 4,84 điểm. Hai "tân binh" mới chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE là HVN và POW giảm giá sâu, kéo VN-Index giảm 3,8 điểm và 2,78 điểm. Top10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất chỉ số còn có ROS, YEG, CTD và FRT.

Phân hóa mạnh, nhà đầu tư "tạm quên" điểm số và hãy chọn cổ phiếu kĩ

Nhìn những cổ phiếu tác động lớn nhất đến đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm Kỷ Hợi cho thấy diễn biến phân hóa mạnh. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng cơ hội không chia đều cho các nhà đầu tư. Xu hướng này khác với giai đoạn tăng giá trước đó trong năm 2017 và những tháng đầu năm của 2018.

Trong xu hướng phân hóa mạnh, nhà đầu tư phải "hãy chọn cổ phiếu kĩ" trong năm Kỷ Hợi. Cùng với đó là việc "tạm quên" điểm số của thị trường. Bởi vì VN-Index gặp nhiều khó khăn khi gặp ngưỡng kháng cự 1.000 điểm, nhiều bluechip vẫn tiến lên vùng giá đỉnh lịch sử, cao hơn mức giá từng ghi nhận khi VN-Index ở 1.200 điểm đầu tháng 4/2018.

Chứng khoán chiều cuối năm Kỷ Hợi: Phân hóa mạnh, NĐT phải chọn cổ phiếu đúng, thận trọng với các mã cơ bản, thậm chí từng được xem là đầu tư giá trị - Ảnh 3.

Cổ phiếu MWG tiến lên vùng đỉnh lịch sử trong năm Kỷ Hợi. Ảnh: Phan Quân

Các cổ phiếu đang giao dịch trên vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết khiến nhà đầu tư lãi đậm nếu nắm giữ trong năm Kỷ Hợi, đơn cử như VCB, BID, MWG, FPT và TCH. Các mã này đều ghi nhận mức tăng trên 45%, gấp 5 lần mức tăng của thị trường chung. Đáng chú ý, cổ phiếu TCH đóng cửa năm Kỷ Hợi ở 40.550 điểm, tăng 118,6% so với đầu năm.

Như đã nêu, nhà đầu tư phải chọn cổ phiếu kĩ càng trong năm Kỷ Hợi. Đi cùng với việc nhiều mã xác lập mức giá kỉ lục, các cổ phiếu khác lại gây ấn tượng với nhà đầu tư bằng chuỗi hàng chục phiên giảm sàn liên tiếp như TTB (giảm giá 82,94%), FTM (87,4%) và VRC (61,23%). Chuỗi giảm sàn mà mất thanh khoản trong hàng chục phiên gây thiệt hại không nhỏ cho các NĐT nắm giữ các mã này.

Ngoài ra, các cổ phiếu khiến NĐT có thể "cháy" tài khoản trong năm Kỷ Hợi mặc dù từng có thị giá hàng trăm nghìn đồng như YEG, CTD hay ROS. Sau lùm xùm với Youtube, cổ phiếu YEG của Yeah1 lao dốc từ mức 250.000 đồng/cp, xuống còn 37.100 đồng/cp, mất gần 85% trong năm Kỷ Hợi.

Cổ phiếu CTD của Coteccons rời "câu lạc bộ" ba chữ số khi giả cổ phiếu giảm 58,41%, xuống 53.400 đồng/cp. Cổ phiếu ROS cũng mất 67,46% giá trị, còn 10.300 đồng/cp. Có thời điểm cổ phiếu từng "làm mưa, làm gió" một thời với thanh khoản hàng nghìn tỉ đồng mỗi phiên này đã giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng/cp).

Chứng khoán chiều cuối năm Kỷ Hợi: Phân hóa mạnh, NĐT phải chọn cổ phiếu đúng, thận trọng với các mã cơ bản, thậm chí từng được xem là đầu tư giá trị - Ảnh 3.

Cơ hội không còn chia đều, bài toán đầu tư ngành gì, mua cổ phiếu nào trong năm Canh Tý trở nên khó khăn hơn. Ảnh: Phan Quân

Khó khăn khi phân hóa mạnh, quĩ ngoại đầu tư thua xa gửi tiết kiệm

Bối cảnh thị trường đã không còn "xuống tiền" là lãi như những năm 2017 hay đầu năm 2018, các NĐT chứng khoán chuyên nghiệp như các quĩ ngoại cũng phải đối mặt với tỉ suất lợi nhuận đầu tư thấp hơn so với gửi tiết kiệm, trái phiếu hay vàng.

Các quĩ đầu tư hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam như Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lí hay VOF thuộc nhóm VinaCapital cũng ghi nhận kết quả kém khả quan (underperformance).

Điều này cho thấy rằng câu chuyện lựa chọn cổ phiếu vẫn là một bài toán khó đối với các nhà đầu tư, ngay cả với những nhà đầu tư tổ chức. Trong xu hướng đó, quĩ VOF thay đổi chiến lược đầu tư, phân bổ tài sản nhiều hơn vào kênh trái phiếu và cổ phần tư nhân (PE). Các quĩ qui mô vừa như Tundra Vietnam Fund, Vietnam Holding giảm qui mô so với thời điểm đầu năm.

Tựu chung lại, năm Kỷ Hợi được xem là một năm tích cực với thị trường chứng khoán Việt Nam. Sự khởi sắc của thị trường đóng góp một phần từ việc khối ngoại mua ròng hơn 7.500 tỉ đồng qua thương vụ mua thỏa thuận "khủng" cổ phiếu VIC của Tập đoàn SK (Hàn Quốc) hay việc các quĩ ETF vào dòng.

Khép lại năm Kỷ Hợi nhiều biến động, câu chuyện lựa chọn cổ phiếu đầu tư vẫn là điều đáng quan tâm của NĐT trên thị trường trong năm Canh Tý (2020). Bài toán đầu tư ngành gì, mua cổ phiếu nào sẽ được thảo luận trong những bài viết tiếp theo.

Phan Quân - Thu Thủy