|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán châu Âu 'tỏa sáng' khi nhà đầu tư đổi hướng

20:32 | 17/04/2023
Chia sẻ
Trong nhiều năm liền, các nhà đầu tư toàn cầu luôn tỏ ra ưa thích chứng khoán Mỹ hơn chứng khoán châu Âu. Nhưng tại thời điểm diễn ra nhiều biến động trên thị trường tài chính như hiện thời, sự ưu ái đó đang thay đổi.

Vào phiên thứ Sáu (14/4), chỉ số STOXX 50 - theo dõi cổ phiếu của 50 công ty lớn nhất Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) - đạt mức cao nhất trong 22 năm. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số này đã tăng 10,8%. Chỉ số STOXX 600 bao trùm toàn châu Âu cũng tăng 9,9% vào cùng giai đoạn.

Để so sánh, chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ chỉ tăng 2%, còn chỉ số tổng hợp S&P 500 tiến 7,5% từ đầu năm tới nay.

Ông Richard Saldanha, người phụ trách bộ phận quỹ vốn chủ sở hữu toàn cầu tại công ty quản lý tài sản Aviva Investors, cho biết chứng khoán châu Âu đã vượt trội đáng kể so với chứng khoán Mỹ trong năm nay, sau một thời gian dài khu vực này không được thị trường ưa thích.

Tuy nhiên, giới quan sát lưu ý các điều kiện thúc đẩy ưu thế của chứng khoán châu Âu đang thay đổi nhanh chóng. Nhiều nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tạm dừng tăng lãi suất ngay khi lạm phát ở nước này giảm, trong khi sự mong manh của lĩnh vực ngân hàng làm tăng khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới suy thoái vào cuối năm nay.

Điều đó đặt ra câu hỏi: ưu thế của chứng khoán châu Âu có thể kéo dài bao lâu?

Lý do cho sự vượt trội của chứng khoán châu Âu

Khi lãi suất chạm đáy, các nhà đầu tư đổ xô đến thị trường chứng khoán Mỹ để mua cổ phiếu của các công ty công nghệ của nước này, bao gồm Apple, Amazon, Microsoft và Tesla. Những cổ phiếu “tăng trưởng” đó (growth stock - chỉ nhóm cổ phiếu của những công ty được dự đoán sẽ tăng trưởng cao hơn đáng kể so với mức trung bình của thị trường) đã giúp nhà đầu tư sở hữu cổ phần trong các công ty đang trên đà mở rộng hoạt động kinh doanh nhanh chóng và tạo ra lợi nhuận khổng lồ.

Nhưng khi chi phí đi vay tăng vọt và đe dọa đà tăng trưởng kinh tế, kỳ vọng về lợi nhuận trong tương lai đã giảm xuống và các khoản đầu tư ít rủi ro hơn cũng bắt đầu mang lại lợi nhuận hấp dẫn. Kết quả là các cổ phiếu tăng trưởng đã sụt giảm.

Giờ đây, các nhà đầu tư bị thu hút nhiều hơn bởi các cổ phiếu “giá trị” (value stock) - chỉ nhóm công ty được cho là đang giao dịch cổ phiếu với giá thấp hơn so với các yếu tố hiệu quả tài chính của họ. Và điều đó có đang giúp cổ phiếu châu Âu hưởng lợi.

Chuyên gia Saldanha tại Aviva Investors cho biết môi trường lãi suất thấp đã thay đổi, đồng nghĩa giới đầu tư đang chuyển hướng từ các công ty tăng trưởng sang các công ty giá trị. Xu hướng đó thực sự ảnh hưởng đến chứng khoán châu Âu, nơi luôn là thị trường thiên về cổ phiếu giá trị hơn Mỹ.

Bất chấp những lo ngại về lĩnh vực ngân hàng toàn cầu sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và cuộc giải cứu khẩn cấp của Credit Suisse (Thụy Sỹ) vào tháng trước, cổ phiếu của những ngân hàng châu Âu - vốn thường được xếp trong nhóm “giá trị” - đã tăng trong năm nay. Như cổ phiếu ngân hàng UniCredit của Italy (I-ta-li-a) đã tăng hơn 40% kể từ đầu năm 2023, trong khi cổ phiếu Banco Santander của Tây Ban Nha tiến gần 30%. Vào cùng giai đoạn đó, cổ phiếu các ngân hàng Mỹ đều suy giảm.

Một lý do khác cho sự vượt trội của chứng khoán châu Âu là sự thay đổi trong kỳ vọng kinh tế hồi đầu năm.

Tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia Eurozone đã “đi ngang” trong ba tháng cuối năm 2022. Sang đầu năm nay, giới đầu tư đã chuẩn bị cho một cuộc suy thoái nghiêm trọng tại Eurozone khi giá năng lượng cao ảnh hưởng tiêu cực tới người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư đã cải thiện hơn khi giá năng lượng giảm trong giai đoạn gần đây, bên cạnh các dấu hiệu phục hồi kinh tế khác vào đầu năm 2023. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực, khi nhiều doanh nghiệp châu Âu là nhà xuất khẩu lớn sang thị trường tỷ dân.

Ví dụ, cổ phiếu của LVMH - công ty có giá trị nhất châu Âu đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay trong tuần trước, sau khi “gã khổng lồ” hàng xa xỉ báo cáo doanh số bán hàng tăng mạnh nhờ sự phục hồi ở Trung Quốc.

Ông Andreas Bruckner, chiến lược gia về vốn chủ sở hữu châu Âu tại ngân hàng Bank of America, cho biết cuộc suy thoái lớn liên quan đến giá năng lượng ở châu Âu đã không xảy ra, trong khi quá trình mở cửa trở lại của Trung Quốc đang có lợi cho doanh nghiệp khu vực này. Đó là “một sự kết hợp gần như hoàn hảo” để chứng khoán châu Âu vượt lên chứng khoán Mỹ.

Liệu đà bùng nổ có thể kéo dài?

Hiện giới đầu tư đang bị chia rẽ về việc liệu giai đoạn “tỏa sáng rực rỡ” của chứng khoán châu Âu có thể kéo dài hay không. Nhiều cổ phiếu của khu vực vẫn được nhận định là món hời, ngay cả với những mức tăng gần đây. Các doanh nghiệp châu Âu cũng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ đà phục hồi tiêu dùng ở Trung Quốc.

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều  yếu tố bất định liên quan tới xung đột ở Ukraine (U-crai-na). Triển vọng kinh tế của khu vực trong nửa cuối năm nay cũng không hề chắc chắn.

Các nhà kinh tế tại Fed dự báo kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái “nhẹ” do hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây. Tại châu Âu, đã xuất hiện những câu hỏi về việc liệu khu vực này có thể rơi vào tình huống tương tự hay không.

Chuyên gia Bruckner của ngân hàng Bank of America cho hay chứng khoán châu Âu nhiều khả năng đang ở thời điểm bước ngoặt, khi tăng trưởng bắt đầu suy yếu.

Nếu Fed ngừng tăng lãi suất, thậm chí bắt đầu cắt giảm lãi suất do lo ngại về mức độ suy thoái tiềm tàng, nhóm cổ phiếu tăng trưởng của Mỹ có thể trải qua giai đoạn khởi sắc còn cổ phiếu giá trị ở châu Âu có thể bị thị trường bỏ qua một lần nữa.

Về lâu dài, số lượng lớn các doanh nghiệp lâu đời ở châu Âu so với các công ty mới nổi ở Mỹ sẽ khiến chứng khoán châu Âu gặp bất lợi, với chuyên gia Bruckner cảnh báo về “sự khác biệt giữa nền kinh tế cũ và mới”.

H.Thủy (TTXVN)