|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán BIDV loại gần hết trái phiếu doanh nghiệp khỏi danh mục tự doanh, tăng nắm giữ chứng chỉ tiền gửi

14:25 | 20/07/2023
Chia sẻ
Chứng khoán BIDV (BSC, mã: BSI) cho biết thị trường chứng khoán nửa đầu năm đã trải qua nhiều biến động với những pha điều chỉnh đan xen theo xu hướng hồi phục đi lên. Trong bối cảnh đó, kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm của đơn vị ghi nhận khởi sắc đáng kể so với nền thấp của cùng kỳ năm trước.

Báo cáo tài chính quý II cho thấy doanh thu hoạt động đạt 316 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL, lãi từ các khoản cho vay và phải thu, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đồng loạt tăng 80%, 34% và 26% và chiếm 77% cơ cấu doanh thu. Ngược lại, doanh thu môi giới, doanh thu hoạt động lưu ký giảm lần lượt 23% và 27%.

Chi phí hoạt động ở mức 92,5 tỷ đồng giảm gần phân nửa so với cùng kỳ quý II năm trước, chủ yếu do giảm ghi nhận lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL. Công ty đã ghi lỗ hơn 7 tỷ đồng từ việc bán các tài sản tài chính FVTPL, giảm 83% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, chênh lệch giảm do đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL cũng giảm hơn 70% về gần 22 tỷ đồng.

Kết quả, lãi sau thuế đạt gần 124 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 6 tỷ đồng. Giai đoạn 6 tháng, công ty ghi nhận doanh thu trên 603 tỷ đồng và lãi sau thuế 211 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh của Chứng khoán BIDV (BSC). Nguồn: Xuân Nghĩa TH.

Tổng tài sản tại 30/6 đạt 8.080 tỷ đồng, tăng 45% so với đầu năm. Chênh lệch đáng kể chủ yếu nằm ở hai khoản mục tài sản FVTPL và khoản cho vay ngắn hạn.

Cụ thể hơn, giá trị tài sản tài chính FVTPL tại cuối tháng 6 đạt 2.061 tỷ đồng, tăng 42% so với đầu năm. Trong đó, khoản chứng chỉ tiền gửi gấp 4,4 lần lên 921 tỷ đồng. Ngược lại, giá trị trái phiếu chưa niêm yết giảm 37% về mức 460 tỷ đồng, toàn bộ là trái phiếu của các tổ chức tín dụng. Công ty đã loại toàn bộ trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết khỏi danh mục đầu tư, chỉ còn nắm giữ hơn 174 triệu đồng trái phiếu doanh nghiệp niêm yết.

Danh mục FVTPL tại 30/6. (Nguồn: Báo cáo tài chính quý II).

Danh mục cổ phiếu đầu tư tại 30/6 gồm FPT, HT1, STB, IDC, MWG với giá trị vài chục tỷ đồng mỗi mã và 140 tỷ đồng các cổ phiếu niêm yết khác. Danh mục cổ phiếu chưa niêm yết chủ yếu gồm CTCP Đầu tư Phan Vũ  (82 tỷ đồng) và VTP của Viettel Post (21 tỷ đồng).

Mặt khác, phân nửa tài sản đang ghi nhận ở khoản cho vay ngắn hạn với 4.160 tỷ đồng tại 30/6, bao gồm 4.026 tỷ đồng cho vay margin và 135 tỷ đồng ứng trước tiền bán chứng khoán. Mức vay margin này tăng 49% so với đầu năm và 19% so với cuối quý I.

 

Xuân Nghĩa

Gần 30 doanh nghiệp lãi ròng trên nghìn tỷ quý I, một đơn vị bất ngờ lọt top sau chuỗi 16 quý thua lỗ
Bảng xếp hạng lợi nhuận quý I ghi nhận sự xáo trộn lớn khi đơn vị từng đứng đầu thị trường về lợi nhuận đã rời top lãi nghìn tỷ. Trong khi đó có đơn vị thua lỗ 16 quý liên tiếp lại bất ngờ đứng thứ 6 về lợi nhuận trên thị trường.