|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Bản Việt (VCI) muốn đổi tên, đặt kế hoạch lãi nghìn tỷ năm 2023

14:03 | 10/03/2023
Chia sẻ
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (mã: VCI) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Theo đó, công ty đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2023 đi lùi so với năm ngoái.

VCI đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng năm 2023

Cụ thể, với kế hoạch được xây dựng trên cơ sở VN-Index sẽ dao động quanh 1.100 điểm vào cuối năm 2023, VCI đặt chỉ tiêu doanh thu 3.246 tỷ đồng, giảm 12,4% so với năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, thấp hơn 5,5%. Năm 2022, công ty đạt doanh thu 3.707 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.059 tỷ đồng, thực hiện 114% và 55,7% kế hoạch đề ra.

Đánh giá về bối cảnh năm nay, với mục tiêu GDP đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 của chính phủ, ban lãnh đạo của VCI cho rằng mức tăng trường này là khả thi nhờ một loạt các yếu tố hỗ trợ như ngành du lịch phục hồi; giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh; Trung Quốc mở cửa; và sự ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội.

Bộ phận phân tích của công ty dự báo tăng trưởng EPS của VN-Index sẽ đạt khoảng 10% cho năm 2023 tương ứng với P/E dự phóng cho năm 2023 là 9,5 lần.

Tuy nhiên, VCI cũng không loại trừ những rủi ro nhất định có thể ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam như tăng trưởng toàn cầu giảm tốc cao hơn dự kiến dẫn đến gián đoạn lớn hơn đối với hoạt động sản xuất, thương mại và FDI;

Hay lạm phát cao hơn dự kiến khiến lãi suất duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn; các vấn đề tài chính của các công ty phát triển bất động sản ảnh hưởng đến các ngân hàng và nền kinh tế; chính sách tài khoá thắt chặt hơn dự kiến; và các rủi ro khác như xung đột Nga- Ukraine tiếp tục leo thang.

Chứng khoán Bản Việt muốn đổi tên

Cũng trong đại hội đồng cổ đông lần này, VCI sẽ trình đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi tên và bộ nhận diện thương hiệu của công ty. Công ty chứng khoán này cho biết hiện nay công ty được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như VCSC, Viet Capital Securities, VCI, Chứng khoán Bản Việt. Điều này đã làm pha loãng sức mạnh thương hiệu do đó cần phải đồng nhất bộ nhận diện thương hiệu của công ty.

Mặt khác, tên gọi Chứng khoán Bản Việt có thể làm khách hàng nhầm lẫn với một số tổ chức trong nước khác có tên tương tự. Do đó, VCI trình cổ đông thay tên công ty thành CTCP Chứng khoán Vietcap để gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu cũng như nâng cao sức mạnh thương hiệu.

Phương án đổi tên của VCI. (Nguồn: VCI).

Về danh mục tự doanh của VCI, trong báo cáo tài chính quý IV/2022 công bố, tại thời điểm 31/12/2022, các tài sản tài chính FVTPL giảm từ 1.221 tỷ đồng xuống còn 665 tỷ đồng. Trong danh mục FVTPL, trái phiếu chưa niêm yết chiếm phần lớn với 598 tỷ đồng (đầu năm là 124 tỷ đồng).

Tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) đạt 3.734 tỷ đồng, giảm 30% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chứng khoán niêm yết chiếm tỷ trọng lớn với 511 tỷ đồng cổ phiếu KDH, 441 tỷ đồng cổ phiếu IDP, 162 tỷ đồng cổ phiếu MSN,…

Danh mục tự doanh của Chứng khoán Bản Việt (VCI) tính đến cuối năm 2022. (Nguồn: VCI).

Diệu Nhi