|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chung cư ‘ngộp thở’ đường Hà Nội, trách nhiệm thuộc về ai?

08:05 | 26/05/2019
Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng để xảy ra tình trạng xây chung cư tràn lan, thiếu hạ tầng tiện ích là trách nhiệm của nhiều cá nhân, nhiều cơ quan trong một thời gian dài.

Những năm gần đây, nhiều khu vực tại Hà Nội trở thành “điểm nóng” về phát triển chung cư cao tầng. Một số tuyến đường dài chỉ 2 km nhưng gánh đến hàng chục cao ốc với khoảng 6.000 căn hộ chung cư. Cá biệt, tuyến đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) chỉ dài 720 m nhưng “gánh” hơn 20 tòa chung cư.

Số lượng chung cư tăng nhanh trong khi các hạ tầng tiện ích không được cải thiện. Tình trạng ùn tắc giao thông, thiếu trường học, chỗ đỗ xe… ngày càng phổ biến ở các quận của Hà Nội.

Nguyên nhân chung cư làm “ngộp thở” thành phố

Trao đổi với Zing.vn, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng để xảy ra tình trạng xây dựng chung cư tràn lan là do việc không tuân thủ quy hoạch, hoặc buông lỏng quy hoạch trong một thời gian dài. Ông chỉ ra thực trạng nhiều lô đất lưu không, đất dành cho các chức năng công cộng lại biến thành đất ở, xây dựng chung cư cao tầng.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Phương Hoa (Bí thư Quận ủy Cầu Giấy) chỉ ra thực trạng phát triển đô thị quá nhanh dẫn tới thiếu công viên, sân chơi trẻ em, nhà sinh hoạt, chỗ đỗ xe.

Chung cư ‘ngộp thở’ đường Hà Nội, trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 1.

Đường Nguyễn Tuân dài 720 m, có đoạn rộng chỉ khoảng 10 m nhưng gánh hàng nghìn căn hộ chung cư dọc hai bên. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

“Như đường Lê Văn Lương hay Nguyễn Tuân, chung cư xây sát đường không những không có công viên, mà thiếu cả không gian cho người đi bộ, chỗ để xe rất khó khăn. Cứ đến giờ cao điểm khu vực này thường xuyên tắc nghẽn giao thông”, bà Hoa nói.

Phân tích kỹ hơn, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), cho rằng những thực tế hiện nay tại đường Nguyễn Tuân, Lê Văn Lương… là do việc cấp phép xây dựng từ giai đoạn trước. Việc cấp phép của Hà Nội thường dựa trên quy hoạch. Tuy nhiên chính quy hoạch lại tồn tại một số vấn đề.

Theo đó, vào một số giai đoạn trước, việc phê duyệt và tính toán các chỉ tiêu quy hoạch đã không theo kịp sự phát triển của đô thị. Ông lấy ví dụ các dự án ở đường Lê Văn Lương muốn được phê duyệt phải tuân thủ quy hoạch trước đây. Tuy nhiên quy hoạch lại có khiếm khuyết khi không tính toán sự phát triển của dân cư.

“Đất đai sử dụng chức năng dân cư và chức năng công cộng, phục vụ hạ tầng… đang không có sự hài hòa”, ông Đính nói.

Ông Đính cũng lấy ví dụ khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính trước kia được coi là kiểu mẫu của Hà Nội về sự văn minh, hiện đại. Tuy nhiên khi quy hoạch khu đô thị này, các nhà làm quy hoạch không hình dung sự phát triển đô thị lại mạnh mẽ như bây giờ.

“Khi đó người ta vẫn nghĩ người dân chỉ dùng xe đạp và xe máy là chủ yếu. Tuy nhiên giờ ôtô lại gia tăng khiến thiếu trầm trọng chỗ đỗ xe. Hay đang thiếu chỗ vui chơi giải trí cho trẻ em. Điều đó phản ánh sự tính toán bị mất cân đối”, ông Đính phân tích.

Chung cư ‘ngộp thở’ đường Hà Nội, trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 2.

Khu vực Nguyễn Tuân, Lê Văn Lương trở thành "điểm nóng" về phát triển đô thị ở Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

Tổng thư ký VNREA cho rằng chính từ những sự tính toán sai ngay từ khi làm quy hoạch dẫn đến hệ quả hiện tại. Đó là ùn tắc giao thông, thiếu hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, Internet, thiếu các khu vui chơi giải trí cho trẻ em, bệnh viện, trường học…

Một nguyên nhân khác dẫn đến xây dựng tràn lan chung cư làm “ngộp thở” thành phố được ông Đính chỉ ra chính là sự điều chỉnh quy hoạch. Ông cho biết quy hoạch ban đầu có thể được tính toán tốt, nhưng sau đó lại có những sự điều chỉnh ở giai đoạn về sau.

“Có thể Hà Nội đã quá ưu ái các chủ đầu tư. Thành phố có thể cũng mong muốn tạo ra lợi ích tốt nhất cho các chủ đầu tư nên họ thường điều chỉnh tăng mật độ, nâng số tầng… Cái này cần xem xét kỹ lại việc điều chỉnh trước kia”, ông Đính nói.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Đại biểu Dương Trung Quốc thẳng thắn chỉ ra rằng bản chất của việc không tuân thủ quy hoạch, buông lỏng quy hoạch, cho xây dựng bừa bãi… xuất phát từ lợi ích. "Việc cấp phép xây dựng đem lại nguồn lợi rất lớn cho địa phương. Tuy nhiên, có thể có những lợi ích trong các mối quan hệ riêng tư nữa”, đại biểu bày tỏ.

Ông cho biết có thể thông cảm với người dân và doanh nghiệp khi mong muốn đạt đa lợi ích khi xây dựng các công trình cao tầng. Tuy nhiên, ông Quốc nhấn mạnh đến trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng này.

“Vi phạm đó không được cấp trên chấp thuận và bỏ qua thì cấp dưới không làm nổi. Cấp dưới làm bậy, mà cấp trên không phát hiện là năng lực quản lý kém, là vụ lợi. Cả hệ thống chấp nhận với nhau để chia sẻ lợi ích. Vấn đề trách nhiệm này là của cả hệ thống”, ông Quốc phân tích.

Chung cư ‘ngộp thở’ đường Hà Nội, trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Quốc cho rằng cần phải phải làm rõ trách nhiệm cá nhân, chứ không thể quy cho tập thể, sẽ khó xử lý dứt điểm tình trạng này. Ông cho rằng các cơ quan chức năng cần vào cuộc để giám sát lại ở các khâu, khâu nào sai thì phải chịu trách nhiệm.

“Phải xử lý theo pháp luật. Ai cấp phép, cấp phép không đúng quy hoạch thì xử lý theo pháp luật. Đặc biệt nhấn mạnh phải phạt làm sao để có tính răn đe và phạt. Tình trạng này nếu còn tồn tại, nếu chúng ta không làm nghiêm thì sẽ không thể giải quyết được”, ông đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng trong thời gian tới, thành phố cần có tầm nhìn tổng thể phát triển toàn đô thị. Đặc biệt bà Hoa nhấn mạnh không được phá vỡ quy hoạch. “Nếu quy hoạch ban đầu đã định khu nào đô thị, khu nào công viên, khu nào là trung tâm thương mại thì không được phá vỡ”, bà Hoa nói.

Ông Nguyễn Văn Đính thì cho rằng thành phố khi mời gọi nhà đầu tư cần phải ưu đãi, nhưng cũng cần tính đến đến lợi ích chung. “Cần đảm bảo trước tiên là hạ tầng đô thị, mật độ, các chỉ số… sau đó mới tính đến lợi ích của doanh nghiệp hoặc nhà phát triển dự án. Hay nói cách khác, chính quyền phải tính toán đến lợi ích người dân đầu tiên”, ông nói.

Hiếu Công