|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế: Doanh nghiệp Việt không thể mãi đứng ngoài (bài 3)

22:31 | 25/09/2018
Chia sẻ
Áp dụng chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) với các doanh nghiệp niêm yết, đại chúng không còn là câu chuyện xa vời, mà đang là đòi hỏi từ nhiều nhà đầu tư quốc tế khi muốn bỏ vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Dưới góc nhìn của ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS), việc áp dụng IFRS sẽ giúp tính tin cậy của thông tin tài chính doanh nghiệp được cải thiện. Đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để Việt Nam có cơ hội được nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Market) lên thị trường mới nổi (Emerging Market), qua đó các doanh nghiệp niêm yết có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn dồi dào và với chi phí thấp hơn.
chuan muc bao cao tai chinh quoc te doanh nghiep viet khong the mai dung ngoai bai 3 Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế: Doanh nghiệp Việt không thể mãi đứng ngoài (bài 1)
chuan muc bao cao tai chinh quoc te doanh nghiep viet khong the mai dung ngoai bai 3
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện có 8 doanh nghiệp lập báo cáo tài chính theo IFRS.

Bài 3: Thực hiện IFRS, thị trường chứng khoán thêm cơ hội nâng hạng

Việc các doanh nghiệp đang lập báo cáo tài chính theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) không có chung “ngôn ngữ” với chuẩn mức IFRS được nhiều chuyên gia nhìn nhận là một rào cản trong gọi vốn quốc tế của doanh nghiệp Việt. Ông nghĩ sao về điều này?

Chuẩn mực kế toán là một trong những điểm quan trọng nhất được xét đến trong quá trình thực hiện thẩm định chi tiết, bao gồm thẩm định tài chính và thẩm định thuế.

chuan muc bao cao tai chinh quoc te doanh nghiep viet khong the mai dung ngoai bai 3
Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Thẩm định chi tiết là một bước quan trọng và luôn được thực hiện bởi các nhà đầu tư quốc tế, vì đây là một cơ sở quan trọng để thực hiện các mô hình định giá xác định giá trị hợp lý của công ty và các điều chỉnh cần thiết về giá mua vốn cổ phần của nhà đầu tư.

Hiện tại, nhiều chuẩn mực trong IFRS đã và đang được áp dụng trong các chuẩn mực VAS.

Tuy nhiên, giữa IFRS và VAS vẫn còn một số điểm khác biệt có thể ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các mô hình định giá xác định giá trị vốn cổ phần, công ty hợp lý theo các phương pháp tài sản hoặc phương pháp so sánh hoặc dòng tiền chiết khấu.

Theo VAS, các thay đổi về vốn chủ sở hữu chưa được lập thành một báo cáo riêng, mà chỉ là một phần trong thuyết minh báo cáo tài chính. VAS cũng không yêu cầu cầu tiết lộ các phán đoán chính, các giả định về tương lai và các nguồn dự đoán không chắc chắn của ban quản trị công ty.

Việc lập báo cáo tài chính hợp nhất chỉ bắt buộc đối với báo cáo năm, các báo cáo giữa niên độ chỉ mang tính khuyến khích. Điều này có nghĩa là báo cáo tài chính giữa niên độ có thể không đầy đủ và thiếu chính xác.

Đối với một số khoản mục trên bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh, VAS chưa đề cập đến việc đánh giá lại giá trị tài sản vô hình, trong khi IFRS yêu cầu phải xác định tổn thất hoặc giá trị đánh giá lại với loại tài sản này.

Ngoài ra, với khoản mục lãi trên cổ phiếu (EPS), lãi được dùng để tính EPS bao gồm các khoản lãi không dành cho các cổ đông phổ thông, trong khi IFRS lại không tính vào. Do vậy, trong rất nhiều tình huống, EPS tính theo VAS cao hơn cách tính theo IFRS khá nhiều.

Trong quá trình cung cấp dịch vụ tư vấn, MBS từng gặp trường hợp nào nhà đầu tư yêu cầu doanh nghiệp bên bán phải cung cấp bản báo cáo tài chính theo IRFS không?

Với sự ra đời của Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, quy định hạch toán kế toán cho doanh nghiệp Việt Nam đã rút ngắn khoảng cách so với chuẩn mực IFRS. Do đó, chúng tôi chủ yếu thực hiện xử lý linh hoạt đối với từng trường hợp.

Với một số điểm khác nhau giữa hai hệ thống chuẩn mực, tùy thuộc vào loại hình kinh doanh của đối tượng mục tiêu, chúng tôi hỗ trợ xác định các điểm khác biệt về chuẩn mực có phải là trọng yếu đối với doanh nghiệp hay không.

Trên cơ sở đó, khi ở vai trò tư vấn bên mua, chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp điều chỉnh những điểm khác biệt. Còn khi ở vai trò tư vấn cho bên bán, chúng tôi sẽ tư vấn bên bán để có thể cung cấp tài liệu phù hợp cho các nhà đầu tư tiềm năng.

Trên thực tế, khi thực hiện thẩm định chi tiết tài chính (due diligence), nhà đầu tư thường thuê một đơn vị uy tín có chức năng thẩm định để hỗ trợ thực hiện rà soát hệ thống kế toán, đặc biệt là đối với các khoản mục trọng yếu như doanh thu và chi phí.

Dựa trên báo cáo của bên tư vấn, nhà đầu tư có thể điều chỉnh hoặc nhờ tư vấn điều chỉnh lại các điểm khác biệt để đánh giá, chứ ít khi yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện thêm bản báo cáo theo chuẩn IFRS.

Việc hầu hết doanh nghiệp Việt Nam không làm báo cáo tài chính theo chuẩn mực IFRS có ảnh hưởng như thế nào đến sự so sánh đắt, rẻ của TTCK Việt Nam với các TTCK khu vực và quốc tế? Những báo cáo so sánh TTCK Việt Nam với quốc tế thông qua chỉ tiêu P/E liệu có đủ tính tin cậy?

Phương pháp so sánh là một trong những phương pháp được các nhà đầu tư quốc tế sử dụng phổ biến trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp.

Các chỉ số được sử dụng theo phương pháp này đều có liên quan chặt chẽ đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp, gồm P/E, P/B, EV/EBITDA, P/S.

Do vậy, sự khác biệt trong chuẩn mực kế toán có thể dẫn đến việc sử dụng các chỉ số này để so sánh sẽ không có nhiều ý nghĩa và không phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt là đối với chỉ số P/E, việc chỉ số này sử dụng mẫu số là EPS với khoản mục lợi nhuận sau thuế khiến cho sự khác biệt về chuẩn mực kế toán có tác động rất lớn đến giá trị của khoản mục này.

Do vậy, trên thực tế, các nhà đầu tư quốc tế thường ít sử dụng chỉ số này khi thực hiện đầu tư đa quốc gia.

Một điểm cần lưu ý nữa là các phương pháp hệ số nhân so sánh thường được áp dụng như là một phương pháp tham khảo và sử dụng mức trung bình của ngành.

Thực tế, các công ty, thậm chí trong cùng ngành, có thể có mức tăng trưởng dự kiến khác nhau đáng kể.

Ngay cả khi các công ty có triển vọng giống hệt nhau được so sánh, tỷ lệ P/E chính là vấn đề, bởi vì thu nhập ròng được tính trộn lẫn giữa thu nhập từ hoạt động kinh doanh chính và các hoạt động hoặc sự kiện khác.

Theo quan điểm cá nhân của tôi, trong điều kiện thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại, mức giá cổ phiếu biến động trên thị trường là do sự ảnh hưởng vận động của nhiều yếu tố, nên khó có thể đưa ra kết luận rằng, việc doanh nghiệp Việt Nam không làm báo cáo tài chính theo chuẩn mực IFRS có ảnh hưởng đến sự so sánh đắt, rẻ của thị trường chứng khoán Việt Nam với các thị trường chứng khoán khu vực và quốc tế.

Cái được khi áp dụng IFRS trong lập báo cáo tài chính với doanh nghiệp trong nước đã được phân tích rõ. Nhưng còn những cái mất (nếu có) của doanh nghiệp là gì?

Thứ nhất, việc đầu tư vào hệ thống kế toán quốc tế khá tốn kém, bao gồm chi phí đào tạo nhân viên, tuyển chuyên viên kế toán có trình độ, cũng như các chi phí nâng cấp công nghệ nhằm hỗ trợ với các tiêu chuẩn báo cáo tài chính mới.

Thứ hai, hiện tại, khác biệt lớn là chuẩn mực kế toán Việt Nam nhìn chung hạch toán theo nguyên tắc giá gốc, còn chuẩn mực quốc tế được quy định theo nguyên tắc giá thị trường (giá trị hợp lý).

Thực tế, chuẩn mực quốc tế được xây dựng để áp dụng cho các nền kinh tế khi mà các yếu tố thị trường đã phát triển đồng bộ, có thị trường thuận lợi cho định giá các loại tài sản theo giá thị trường.

Các yếu tố này chưa có được đầy đủ ở Việt Nam, nên việc áp dụng nguyên vẹn bộ IFRS cũng sẽ gặp không ít khó khăn, bao gồm thị trường hoạt động, hạ tầng cơ sở thông tin, rào cản ngôn ngữ, năng lực nguồn nhân sự... và phần đông doanh nghiệp niêm yết còn khá xa lạ với chuẩn mực quốc tế.

Đó là chưa kể đến tính chưa đồng bộ, thiếu các hướng dẫn trong các yếu tố pháp lý hiện hành nếu áp dụng chuyển đổi sang chuẩn mực quốc tế.

Thứ ba, bản thân cơ quan thuế cũng như nhiều cán bộ thuế chưa nắm rõ về các chuẩn mực IFRS, nên doanh nghiệp áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế có thể gặp khó trong khi làm việc với cơ quan thuế khi chênh lệch giữa thu nhập chịu thuế và lợi nhuận kế toán ngày càng khác biệt.

Việc thực hiện theo chuẩn mực quốc tế có thể sẽ khiến doanh nghiệp phải đối mặt với các khó khăn trong quá trình chuyển đổi, song lợi ích trong dài hạn là rất đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập mạnh mẽ trong cả phạm vi khu vực và quốc tế.

Qua kinh nghiệm áp dụng triển khai IFRS trên thế giới, các nghiên cứu chỉ ra rằng tính minh bạch và mức độ tin cậy về thông tin của các doanh nghiệp niêm yết và thị trường chứng khoán đã được cải thiện, gia tăng niềm tin trong giới đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Đây cũng sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để Việt Nam có cơ hội được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, qua đó các doanh nghiệp niêm yết sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn dồi dào và với chi phí thấp hơn.

Tuy nhiên, để thực hiện được theo chuẩn mực quốc tế, bên cạnh việc phải thực hiện minh bạch hóa (điều mà phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam còn e ngại), doanh nghiệp cũng cần thiết lập hệ thống và quy trình, để đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực kế toán áp dụng, khiến doanh nghiệp không chỉ phải đối mặt với vấn đề về chi phí, mà còn vấn đề về con người.

Khó khăn, thách thức rất nhiều, nên việc áp dụng IFRS cần có lộ trình và vận dụng hết sức linh hoạt vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đang chuyển đổi.

(Còn tiếp)

Xem thêm

Ngọc Hà