|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Chưa phát hiện sai phạm' trong tuyển dụng phi công Vietnam Airlines

09:55 | 01/10/2018
Chia sẻ
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, Bộ vẫn chưa phát hiện ra sai phạm tiêu cực trong đào tạo, tuyển dụng phi công Vietnam Airlines, nếu có thì sẽ cho tiến hành xác minh ngay.
chua phat hien sai pham trong tuyen dung phi cong vietnam airlines Chờ Vietnam Airlines trả lời tố giác của các phi công
chua phat hien sai pham trong tuyen dung phi cong vietnam airlines
Ảnh minh họa. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến việc một số phi công nghỉ việc phải báo trước 120 ngày và những tiêu cực trong đào tạo, tuyển dụng phi công Vietnam Airlines, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, Bộ vẫn chưa phát hiện ra sai phạm, nếu có thì sẽ cho tiến hành xác minh ngay.

Theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, việc tuyển một phi công có kinh nghiệm phải mất tới 90 ngày, từ việc phải học chính sách, làm quen với các loại đường bay và học quá trình bay mô phỏng.

Do đó, Thông tư 21/2017/TT-BGTVT quy định nhân viên hàng không trình độ cao khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải báo trước cho người sử dụng lao động 120 ngày. Sở dĩ quy định 120 ngày là để có thời gian tuyển dụng, đào tạo và thời gian này là hoàn toàn hợp lý để đảm bảo duy trì hoạt động hàng không bình thường vào các mùa cao điểm".

Đơn cử như hồi tháng 5/2017, sân bay Tân Sơn Nhất có hỗn loạn vì thiếu phi công, mặc dù đã tuyển về nhưng chưa đủ điều kiện đáp ứng để cho bay. Hay cách đây hai tháng, hãng hàng không giá rẻ Vietjet cũng có nhiều chuyến bay bị chậm vì một loạt tiếp viên xin nghỉ ốm, nhưng thực ra họ nghỉ để đi khám đầu quân cho hãng khác.

“Thị trường phi công thế giới hiện cũng đang thiếu, người lao động cần lương cao thì đương nhiên, nhưng cũng cần điều chỉnh lợi ích cá nhân và cộng đồng,” ông Cường nhìn nhận.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, hàng không là lĩnh vực đặc biệt liên quan đến an toàn, an ninh hàng không, do đó cần tuân thủ các hiệp định, nghị định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) một cách rất khắt khe. Ngoài ra, để đào tạo các nhân viên trong ngành, đặc biệt là phi công hoặc tổ lái phải mất rất nhiều thời gian và qua nhiều quy trình.

Còn với quy định tại Điều 37 của Bộ Luật Lao động, Thứ trưởng cho rằng quy định người lao động hợp đồng không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước với người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày. Như vậy, Bộ Luật Lao động chỉ quy định mức độ giới hạn tối thiểu, chứ không quy định mức độ tối đa số ngày.

Mặt khác, tại khoản 2 Điều 3 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, quy định trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này với luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của Luật Hàng không dân dụng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, nguyên nhân ưu tiên Luật Hàng không dân dụng vì sự an toàn, an ninh hàng không. Ngành hàng không là ngành rất đặc biệt nên mọi quy định trong các thông tư đều quản lý rất nghiêm ngặt.

Hiện nay như Vietjet Air có 76% phi công thuê từ nước ngoài, Vietnam Airlines cũng thuê 25% phi công từ nước ngoài nên việc quản lý các nhân lực lao động thực sự là vấn đề phức tạp.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, các phi công nói những điều quy định trong các thông tư của Bộ Giao thông Vận tải trái với Điều 35 của Hiến pháp và Luật Lao động, không tuân thủ một số vấn đề như việc chấm dứt hợp đồng lao động và bồi hoàn chi phí đào tạo là không đúng với quy định.

Liên quan tới hoạt động của Vietnam Airlines, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương gần đây phản ánh một số bất cập như chất lượng đầu vào của ứng viên phi công, quá trình huấn luyện, kiểm tra, phỏng vấn phi công, thời hạn khi nghỉ việc và bồi hoàn chi phí đào tạo phi công. Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia thì có các quy trình đào tạo, tuyển dụng trong khi một số hãng cổ phần tư nhân thì đào tạo ít và chủ yếu là đào tạo sau tuyển dụng.

Không có trường hợp ngoại lệ trong quá trình đào tạo phi công. (Nguồn: VNEWS)

Thứ trưởng Đông đưa ra sự so sánh, Vietnam Airlines có quy trình đào tạo trước tuyển dụng và có hội đồng xem xét, đánh giá các bước và đây được xem là một sự khác biệt mà các hãng hàng không trong nước khác không có.

“Việc đưa ra các quy trình, các bước xem xét tuyển dụng của Vietnam Airlines có vi phạm hay không thì hiện Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa phát hiện ra sai phạm, nếu có thì sẽ cho tiến hành xác minh ngay,” Thứ trưởng Đông khẳng định./.

Theo Số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có 175 tàu bay đang khai thác mang quốc tịch Việt Nam.

Dự kiến đến năm 2020, số lượng tàu bay khai thác đạt trên 220 chiếc và đến năm 2030 đạt trên 400 chiếc.

Cũng theo cơ quan này, từ nay đến năm 2030, ngành hàng không dân dụng Việt Nam sẽ cần khoảng 200 phi công mỗi năm mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu phát triển.

Xem thêm

Việt Hùng

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.