|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

'Chúa chổm' Evergrande đang nợ những ai?

09:45 | 23/09/2021
Chia sẻ
Hiện tập đoàn Evergrande đang có khoản nợ 305 tỷ USD với ngân hàng, trái chủ, công ty ủy thác tài chính, người mua nhà, nhà thầu và cả nhà cung cấp.

Một trong những chủ nợ chính của Evergrande Group đã trích lập dự phòng rủi ro một phần khoản cho vay trong khi một số chủ nợ khác đang có kế hoạch cho Evergrande thêm thời gian để trả nợ.

Theo Reuters, nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc này đang có khoản nợ 305 tỷ USD với ngân hàng, trái chủ, công ty ủy thác tài chính, người mua nhà, nhà thầu và cả nhà cung cấp, cùng một số khoản nợ khác.

Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (AgBank), ngân hàng lớn thứ ba nước này, đã phải trích lập dự phòng rủi ro với một phần khoản vay của Evergrande, một lãnh đạo cấp cao tiết lộ.

Trong khi đó, China Minsheng Banking Corp và China CITIC Bank Corp Ltd, hai chủ nợ lớn khác của Evergrande, đã sẵn sàng để cơ cấu lại một số khoản vay ngắn hạn, hai nguồn thạo tin của Reuters cho hay.

Những biện pháp của các ngân hàng Trung Quốc cho thấy các tổ chức tài chính ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chuẩn bị cho sự sụp đổ có thể xảy ra của Evergrande.

'Chúa chổm' Evergrande đang nợ những ai? - Ảnh 1.

Evergrande nợ khoảng 128 ngân hàng và 121 tổ chức phi ngân hàng. (Ảnh: Bloomberg).

Nhìn một cách tổng quan, mức độ tương tác của các ngân hàng Trung Quốc với Evergrande đã giảm trong năm qua và hầu hết khoản vay của tổ chức này đều được thế chấp  bằng tiền gửi.

Ví dụ, Minsheng đã cắt giảm khoản vay cho Evergrande từ 40 tỷ nhân dân tệ xuống còn 30 tỷ nhân dân tệ trong 12 tháng qua. Đồng thời, họ cũng ngừng cung cấp các khoản vay mới cho Evergrande trong những tháng gần đây.

Năm 2020, tổng khoản vay ngân hàng và các khoản vay khác của Evergrande ghi nhận 693,4 tỷ nhân dân tệ (107,4 tỷ USD), giảm so với con số 782,3 tỷ nhân dân tệ vào năm 2019. Theo các nhà phân tích, các khoản tín dụng của công ty uỷ thác cấp chiếm phần lớn hơn.

Bất chấp tổng mức vay đã giảm, sự sụp đổ của Evergrande vẫn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Trung Quốc với khoản nợ phải trả bằng 2% GDP của đất nước.

Theo một số tài liệu bị rò rỉ trong năm 2020, Evergrande nợ hơn 128 ngân hàng và khoảng 121 tổ chức phi ngân hàng. Ngay sau đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã yêu cầu tất cả các chủ nợ chính của Evergrande xem xét lại khoản vay của họ và đánh giá rủi ro tài chính liên quan hàng tháng.

PBOC và các quan quản lý ngành, Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) đã từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này.

Evergrande sẽ phải trả 83,5 triệu USD tiền lãi vào ngày 23/9 cho trái phiếu ra nước ngoài vào tháng 3/2022. Ngoài ra, doanh nghiệp còn một khoản thanh toán lãi suất 47,5 triệu USD khác đến hạn vào ngày 29/9. Trái phiếu sẽ vỡ nợ nếu Evergrande không trả lãi trong vòng 30 ngày.

Các cơ quan quản lý Trung Quốc không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào với các bên cho vay về một gói cứu trợ có thể xảy ra đối với Evergrande. Cuối tuần trước, tổng biên tập tờ Global Times cảnh báo Evergrande rằng không nên đặt cược vào gói cứu trợ của chính phủ với giả định rằng nó "quá lớn để sụp đổ".

Các cơ quan quản lý Trung Quốc trước đây đã kiểm soát việc cho vay "không kiềm chế" của các ngân hàng trong nước đối với các công ty bất động sản, đồng thời nhắc lại sự cần thiết phải hạn chế đầu cơ bất động sản và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm tỷ trọng đòn bẩy trong lĩnh vực này.

"Các cơ quan quản lý đã thực hiện đánh giá rủi ro liên quan giữa các tổ chức tài chính trước khi sự sụp đổ của Evergrande xảy ra", một nguồn tin từ các ngân hàng Trung Quốc chia sẻ.

Quốc Anh