|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ tịch Vietravel: Dịch COVID-19 kéo lùi doanh nghiệp về trạng thái 15-16 năm trước

09:52 | 27/09/2021
Chia sẻ
Hơn 1.700 nhân viên của Vietravel có thời điểm chỉ 15-20 người đi làm. Hàng trăm phi công, tiếp viên và hàng trăm máy bay phải "nằm im bất động" đã gây ra tổn thất về tài chính cực kỳ lớn cho Vietravel Airlines.

Kể từ đầu năm tới nay, ngành du lịch thực chất mới làm được có 3 tháng (tháng 2,3,4). Sau ngày 27/4 đợt dịch thứ 4 bùng phát tới nay ngành du lịch đều đóng cửa và gần như bằng 0.

Kinh doanh 3 tháng mà chỉ có khách du lịch trong nước, các khách sạn, nhà hàng, hệ thống dịch vụ, lữ hành hầu như dừng hết. Từ Chỉ thị 16 tới nay, ngành du lịch đóng cửa hoàn toàn và gần như kiệt quệ, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT của CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel (Mã: VTR) chia sẻ tại buổi Đối thoại chuyên đề "Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức.

Dịch COVID-19 là cú đánh quá mạnh vượt qua mọi khủng hoảng kinh tế

Từ 18 triệu khách quốc tế và 83 triệu lượt khách nội địa năm 2019 thì tới khi dịch COVID-19 bùng phát khiến ngành du lịch trở về 0, hàng vạn lao động mất việc và hàng vạn doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh.

Với bản thân Vietravel, là đơn vị đứng đầu ngành du lịch với 1.700 nhân viên có thời điểm chỉ có 15-20 nhân viên đi làm.

Doanh thu của Vietravel trung bình từ 7.000 - 8.000 tỷ/năm giai đoạn trước dịch chỉ với ba tháng hoạt động năm nay, ông Kỳ đánh giá doanh thu năm nay không chắc nổi 10% con số trước đó. 

Ông nói thêm con số doanh thu năm nay còn phải phụ thuộc vào việc Chính phủ có nới lỏng và cấp "thẻ xanh, thẻ vàng" hay tâm lý người dân có được giải toả từ nay tới cuối năm hay năm hay không.

"Vietravel chưa từng nghĩ tới việc dịch COVID-19 đánh quật Vietravel về quãng 2006-2007, lùi lại "trạng thái" của thời điểm 15-16 năm trước", Chủ tịch Vietravel trải lòng.

Chủ tịch Vietravel:  - Ảnh 1.

Ảnh: Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel. (Ảnh: Vietravel).

Về mảng hàng không của Vietravel, Vietravel Airlines hoạt động vào tháng 12/2020. Thời điểm đó, dự báo của nhiều chuyên gia và Chính phủ đó cho rằng năm 2021 hàng không sẽ khôi phục trở lại nhưng thực tế năm 2021 tình hình rất tệ khi chỉ bay tới tháng 5 thì phải dừng cho tới nay.

Hàng trăm phi công, tiếp viên và hàng trăm máy bay phải "nằm im bất động" đã gây ra tổn thất về tài chính cực kỳ lớn cho Vietravel Airlines.

Với ngành du lịch, Chủ tịch Vietravel cho rằng dịch COVID-19 là "cú đánh mạnh quá" vượt qua cả khủng hoảng kinh tế châu Á, khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, dịch bệnh Sars,...

Cần có chính sách cụ thể về "thẻ xanh thẻ vàng"

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, mang đến 11% GDP cho Việt Nam. Ông Kỳ có cái nhìn bi quan về ngành du lịch khi các nước xung quanh đã mở cửa lại đặc biệt là các nước châu Âu, Mỹ phục hồi khá nhanh vào dịp hè do tỷ lệ tiêm chủng cao. Ngay Trung Quốc dù chưa mở cửa nhưng lượng khách nội địa đã hồi phục lại trước dịch.

Các nước cạnh tranh điểm đến với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã rục rịch mở cửa. Muốn mở thì phải an toàn nhưng tỷ lệ tiêm vắc xin cả nước vẫn chưa bằng các nước xung quanh, ông Kỳ nhận định.

Ngay với câu chuyện Phú Quốc, dù đã bàn phương án mở cửa nhưng sát tới ngày mở cửa lại bùng dịch khiến kế hoạch mở cửa bị lùi từ cuối tháng 10 sang cuối tháng 11.

"Tình hình du lịch từ nay tới cuối năm còn khó khăn nữa, dự báo ngành du lịch Việt Nam có khả năng mất hết năm nay và chỉ có thể khởi động lại từ đầu năm tới".

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT của CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel

Chủ tịch Vietravel chia sẻ không nên kì vọng vào lượng khách quốc tế khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã tàn phá hình ảnh về điểm đến an toàn, du khách sẽ không yên tâm khi tới Việt Nam. Do đó, khu vực nội địa phát triển mới là cứu cánh giúp ngành du lịch Việt Nam. Theo đánh giá của ông, từ nay tới cuối năm, du lịch phía Bắc sẽ hồi phục nhanh hơn.

Nếu không có chính sách tiêm chủng nhanh cho các trung tâm du lịch lớn trong nước thì nguy cơ nơi đây thành ổ dịch rất cao. 

Về vấn đề "thẻ xanh, thẻ vàng", ông Kỳ nhận thấy chưa có chỉ đạo chung của Chính phủ mà mỗi tỉnh thành tự đặt ra chuẩn mực do đó du khách rất khó đi du lịch xuyên vùng. Bởi "thẻ xanh, thẻ vàng" ở địa phương này chưa chắc đã phù hợp với địa phương khác.

Ông kiến nghị Chính phủ cần phải có chính sách cụ thể về "thẻ xanh, thẻ vàng" mới có thể khai thông được luồng vận chuyển sau đó du lịch mới có thể phát triển theo.

Gói hỗ trợ của Chính phủ: "Chủ trương thì có nhưng nhiều rào cản"

Về các gói giải ngân hỗ trợ của Chính phủ, ông Kỳ đánh giá chủ trương thì có nhưng nhiều rào cản về thủ tục. Theo gói hỗ trợ gần nhất cho lao động ngành du lịch là hơn 3,7 triệu đồng/người thì với 1.700 nhân viên của Vietravel chỉ có 141 người nhận được gói hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch. 

Đánh giá về tính linh hoạt trong gói hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp, ông Kỳ đặt câu hỏi tại sao không hỗ trợ qua doanh nghiệp lại thông qua địa phương. 

"Chúng ta thu thuế, bảo hiểm xã hội, y tế qua doanh nghiệp, nhưng khi gói hỗ trợ của Chính phủ lại đưa về địa phương thì địa phương biết đâu mà cấp khi các lao động thì phân tán ở nhiều tỉnh thành", ông Kỳ trăn trở.

Chính phủ phải tin, coi doanh nghiệp là đồng hành, đối tác chứ không phải đối tượng

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT của CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel

Ông Kỳ nhấn mạnh: "Chính phủ phải tin, coi doanh nghiệp là đồng hành, đối tác chứ không phải đối tượng. Chúng ta trả thẳng quỹ hỗ trợ vào thẻ lương là xong. Trong khi đưa về địa phương yêu cầu phải có giấy thất nghiệp bản phô tô mà Chỉ thị 16 làm gì đi phô tô được đâu mà có. Việc đơn giản đã thành một câu chuyện?".

Lấy ví dụ về câu chuyện về 6 văn phòng của Vietravel ở nước ngoài. Ông Kỳ chia sẻ: "Vietravel có văn phòng ở Úc nhưng khi công ty tạm đóng cửa, mỗi tháng, tiền thuê văn phòng 250 USD họ trả đều cho chúng tôi. Người lao động làm việc công ty có nộp thuế, thì họ lấy mã số an sinh xã hội cộng tiền lương gần nhất và trả đều đặn 700 USD/tuần/người lao động giúp người lao động chi tiêu, không làm đứt đoạn dòng tiền tiêu dùng xã hội. Văn phòng ở Mỹ, Pháp cũng tương tự".

Tại Việt Nam, ông cho biết đã đề nghị xin giảm tiền thuê nhà, thuê đất cho các doanh nghiệp nhưng Chính phủ chưa làm. Hôm trước họp với Chính phủ, ông cho biết đã đề nghị cái gì Chính phủ ban hành thì thực hiện nghiêm túc, đến cùng chứ nói rồi mà không làm thì rất khó cho doanh nghiệp khi trả lời người lao động.

Ông nhấn mạnh: "Hãy chọn cái gì tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp chứ đừng chọn cái an toàn nhất". 

Vì vậy, ông Kỳ đề xuất rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và mong muốn Ngân hàng Nhà nước tính toán nhằm gỡ khó để doanh nghiệp có thể "thở" được.

Hoàng Kiều